Singapore, 'quán quân' vốn FDI vào Việt Nam

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/08/2023 06:32 GMT+7

Liên tiếp trong 3 năm qua, quốc đảo Singapore đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào VN.

Hàng loạt dự án tỉ USD

J.S.Tan, một doanh nhân người Singapore gốc Hoa, cho biết với diện tích đất khiêm tốn, người Singapore phải lấn biển để xây sân bay, lấy cảng cá để làm khu dân cư lớn, thu hút đầu tư nước ngoài bằng dịch vụ tài chính, du lịch, cảng biển... Doanh nghiệp của ông Tan đã từng thực hiện dịch vụ kết nối đưa người Việt sang Singapore theo mô hình du lịch khám chữa bệnh rất hiệu quả, nay chỉ tập trung vào quỹ đầu tư cũng trong lĩnh vực chế biến, dịch vụ.

"Singapore có lợi thế nền khoa học y tế phát triển, chúng tôi tìm thấy nhiều cơ hội có thể hợp tác đầu tư, kinh doanh lĩnh vực khám chữa bệnh, làm đẹp… tại VN", ông Tan cho biết và nhấn mạnh VN có nhiều tiềm năng cần được "đánh thức" như ẩm thực, du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. VN cũng có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như người tiêu dùng trẻ, nguồn lao động dồi dào, khát khao phát triển…

Singapore, 'quán quân' vốn FDI vào Việt Nam - Ảnh 1.

Một góc Khu công nghiệp VSIP 1 (TP.Thuận An, Bình Dương)

XUÂN THI

Đúng như ông Tan nói, đầu tư từ đảo quốc sư tử vào VN đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Mới nhất hồi tháng 7 vừa rồi, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Thomson Medical Group Limited (TMG) của Singapore bỏ ra 381,4 triệu USD (tương đương 9.000 tỉ đồng) để mua lại Bệnh viện FV tại TP.HCM.

Theo Đại sứ Singapore tại VN Jaya Ratnam, năm 2023 và xa hơn nữa, 2 nước VN - Singapore có thể tăng cường hợp tác kinh tế trong 5 lĩnh vực chính, gồm: kinh tế số và đổi mới sáng tạo; hạ tầng; năng lượng; phát triển bền vững, khẩn trương đẩy nhanh hành động để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu; và đẩy mạnh kết nối nhiều mặt về thương mại, đầu tư, tài chính, giao thông - vận tải và du lịch.

Nhìn lại từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và Tập đoàn Becamex của VN đã thành lập Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) đầu tiên tại Bình Dương. Đây là dự án khu công nghiệp được khởi đầu dựa trên ý tưởng hợp tác của chính phủ 2 nước. Đến nay, đã có 14 VSIP tại 10 tỉnh thành trên cả nước, thu hút tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 18 tỉ USD và đã tạo ra hơn 300.000 việc làm tại VN. 

Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore

Mới đây nhất, tháng 2.2023, trong khuôn khổ chuyến công du Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Nghệ An đã trao chủ trương đầu tư cho dự án VSIP Nghệ An 2, sau khi dự án đầu tiên đã thành công trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký gần 800 triệu USD. Trong đó có dự án của Luxshare - ICT, nhà cung ứng thiết bị lớn cho Apple. Dự kiến cuối tháng 8 này, VSIP sẽ khởi công một dự án mới tại Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư 160 triệu USD. 

Đáng lưu ý, trong tháng 2 vừa qua, Sembcorp liên doanh với Becamex IDC đã ký kết phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại VN trong 3 năm tới; thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) nhằm phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. Trước đó, Singapore cũng có dự án lớn điện khí LNG tại Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD.

Singapore, 'quán quân' vốn FDI vào Việt Nam - Ảnh 2.

VN hấp dẫn các nhà đầu tư Singapore

Singapore đang dẫn đầu ASEAN và đứng thứ 2 trên thế giới về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại VN với 3.273 dự án, tổng vốn 73,4 tỉ USD, chiếm 23% tổng vốn FDI đăng ký. Năm 2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng vốn FDI vào VN. 7 tháng của năm 2023, Singapore tiếp tục dẫn đầu với gần 3,64 tỉ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn FDI.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) nhận xét nhiều nhà đầu tư tài chính lớn của Singapore đã đưa ra cam kết đầu tư mở rộng và lâu dài tại VN. Quỹ đầu tư của chính phủ nước này như GIC cũng có chủ trương tập trung vào các thị trường mới nổi, trong đó có VN. Các nhà đầu tư đến từ quốc đảo này qua các cuộc khảo sát cũng chọn VN là một trong 3 quốc gia ưu tiên khi quyết định đầu tư mới hay mở rộng hoạt động.

"Điều này cho thấy VN là điểm hấp dẫn thu hút vốn FDI từ Singapore. Từ tiền đề là chuyến đi vào tháng 2 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Singapore, thiết lập quan hệ đối tác kinh tế số, kinh tế xanh, tiến đến hợp tác bền vững…; chuyến viếng thăm quan trọng của Thủ tướng Lý Hiển Long đến VN lần này không đơn thuần là chuyến đi "đáp lễ" của các lãnh đạo quốc gia, mà tiến sâu hơn với các cuộc gặp gỡ hội đàm cao cấp. Đồng thời, tham dự Hội nghị thúc đẩy triển khai thực hiện các hợp tác đầu tư VN - Singapore, trong đó có phiên đối thoại giữa lãnh đạo trẻ 2 nước với các bộ trưởng. Sau những hoạt động này, có thể nhiều dự án sẽ được hiện thực hóa", ông Lạng dự báo.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cũng cho rằng cả 2 quốc gia VN và Singapore có nét tương đồng là đi đầu khu vực về hội nhập quốc tế thông qua ký kết và đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). VN là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới về thương mại và đầu tư. Thế nên, vốn FDI đã trở thành không thể tách rời, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế VN khi chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư cả nước. Nhờ nét tương đồng là ký kết nhiều FTA đa phương lớn, giúp nhà đầu tư có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chính sách thuận lợi để hoạt động đầu tư kinh doanh song phương có hiệu quả hơn. 

Hơn nữa, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm thì VN vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong thời gian qua, có sự xuất hiện nhiều DN nhỏ và các nhà khởi nghiệp từ Singapore đến VN sẽ tạo nên "bệ phóng" lý tưởng cho DN trong nước. "Nói là nhỏ nhưng quy mô vốn đầu tư trung bình đến từ Singapore luôn cao hơn các nước khác, có thể gấp đôi quy mô vốn bình quân dự án FDI tại VN", ông Thành nhấn mạnh.

Theo TS Võ Trí Thành, nếu xét về mặt địa lý, VN hấp dẫn các nhà đầu tư Singapore vì rất gần, chỉ mất khoảng 2 giờ bay đến TP.HCM. Thế nên, các hoạt động đi lại tìm hiểu, trao đổi trực tiếp cũng tương đối dễ dàng. Thứ hai, trong giai đoạn khó khăn nhất vì đại dịch, kinh tế VN vẫn có những bước tăng trưởng vững chắc, thậm chí các khảo sát cho thấy số người trong tầng lớp trung lưu tăng. Thứ ba, VN đang rất cần các nhà đầu tư có kinh nghiệm và có nét văn hóa tương đồng trong lĩnh vực đầu tư giáo dục, y tế, dịch vụ logistics, du lịch, tài chính, công nghiệp hàng hải… Singapore có lịch sử phát triển và thành công trong các lĩnh vực ấy. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.