SIM 'rác' vẫn tràn lan

14/08/2019 07:48 GMT+7

Tình trạng SIM rác - SIM kích hoạt sẵn vốn được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tin nhắn rác, cuộc gọi rác phát tán tràn lan đã được đưa vào ngăn chặn trong hơn 2 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Đầu tháng 7 vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cũng nhận định tình trạng SIM “rác” đã giảm bớt nhưng vẫn tiếp tục tồn tại. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng SIM thuê bao để đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo...
Vì vậy, để chấm dứt tình trạng mua bán SIM cần sự hưởng ứng của người dân, các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Các đại lý, điểm bán SIM cũng sẽ bị xử phạt hành chính khi bị phát hiện bán SIM đã kích hoạt sẵn hay giả mạo, sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký. Về phía doanh nghiệp viễn thông, vào cuối tháng 3.2019, Bộ TT-TT đã có văn bản nêu rõ: “Nếu vẫn còn hiện tượng bán SIM rác trên thị trường trong thời gian tới, chủ tịch, tổng giám đốc của doanh nghiệp viễn thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định”. Thế nhưng, các quy định này được cho rằng vẫn còn nhẹ tay, chung chung, chưa quyết liệt.
Trong khi đó, tại nhiều nước, các quy định đối với hành vi phát tán tin nhắn rác được ban hành khá chi tiết. Chẳng hạn, luật pháp Đức quy định, kẻ phát tán tin nhắn rác bừa bãi, nặng nhất phải phạt tới 50.000 euro, nếu phát tán tin nhắn sex và các tin không bình thường đều bị liệt vào tội có hành vi phi pháp và bị truy tố hình sự. Pháp luật của Anh cho rằng phát tán tin nhắn rác là một loại tội phạm, kẻ phát tán nặng nhất có thể bị phạt tới 5.000 bảng Anh.
Hàn Quốc quy định: Nếu thuê bao điện thoại di động không muốn nhận các tin nhắn nào đó, cước điện thoại phát sinh sẽ do bên phát tán gánh chịu và kẻ phát tán tin nhắn rác có thể bị phạt tới 8.500 USD. Năm 2000, Nhật Bản ban hành luật quy định: Một khi thuê bao đã từ chối chấp nhận tin nhắn gửi đến thì cấm việc phát tán lần nữa, nếu không bên phát tán sẽ bị xử lý với tội danh cản trở việc thông tin bưu kiện điện tử. Luật Bảo hộ thông tin cá nhân của Singapore quy định: Một khi phát hiện có hành vi phát tán phi pháp, Sở Bảo hộ thông tin cá nhân có quyền xử phạt với mức cao nhất 1 triệu đô la Singapore, trong đó mỗi lần phát một tin nhắn hoặc gọi một cuộc điện thoại đến thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận tin quảng cáo thì mức phạt có thể lên tới 10.000 đô la Singapore/tin.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc, Công ty an ninh mạng Bkav, để chống tin nhắn rác, SIM rác trong thời gian tới, cần có chế tài xử phạt nặng. Một số nước như Mỹ đã xử phạt nặng hành vi phát tán tin nhắn rác để răn đe. Dự thảo nghị định của chính phủ có đề cập đến trách nhiệm của phía nhà mạng nhưng vẫn còn khá chung chung. Việc các nhà mạng do liên quan đến doanh thu, lợi nhuận nên thời gian qua chưa kiên quyết tham gia chặn tin nhắn rác, ông Sơn cho rằng có thể trước mắt nhà mạng có lợi nhưng về lâu dài sẽ phải trả giá vì không giữ được khách hàng. Nhà mạng phải thắt chặt, hạn chế tin nhắn rác, vì đây là chiến lược lâu dài để giữ khách. Nếu không thì khách hàng sẽ rời bỏ, nhất là hiện nay đã có dịch vụ chuyển đổi đầu số giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.