'Siêu nhân' làm dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS

Quý Hiên
Quý Hiên
23/02/2022 06:01 GMT+7

Nhiều năm gần đây, hàng loạt nhà khoa học nhận được email từ một người tên Đinh Trần Ngọc Huy với nội dung mời gọi cộng tác, thậm chí chào 'mua - bán' bài báo quốc tế. Vậy Đinh Trần Ngọc Huy là ai?

“Ưu tiên anh chị nào lẹ tay lẹ chân”

Tháng 5.2021, trên trang cá nhân của mình (và sau đó là chia sẻ trên diễn đàn Liêm chính khoa học), PGS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, bày tỏ sự kinh ngạc về việc ông và nhiều đồng nghiệp ngành khoa học xã hội và nhân văn nhận được email từ một người gửi có tên Đinh Trần Ngọc Huy.

Nội dung thư là mời chào các nhà khoa học sử dụng “dịch vụ công bố” (publish services) của người này, sản phẩm dịch vụ là các nhà khoa học sẽ có bài đăng trên các tạp chí ISI, Scopus…, lời lẽ mời chào hết sức bình dân, kiểu “ưu tiên anh chị nào lẹ tay lẹ chân”.

Ông Đinh Trần Ngọc Huy lợi dụng nền tảng bức thư chúc Tết Tân Sửu của Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt để mời chào khách hàng dùng dịch vụ đăng bài trên tạp chí ISI/Scopus

CHỤP MÀN HÌNH

Sau khi tra cứu trên mạng, PGS Cường sửng sốt trước tài năng xuất bản tầm cỡ “siêu nhân” mà Đinh Trần Ngọc Huy tự giới thiệu về bản thân: 42 tuổi, đang là nghiên cứu sinh (tức là chưa làm xong tiến sĩ), có 320 - 340 bài viết công bố trong các tạp chí quốc tế và trong nước có uy tín trong số 400 - 450 công trình và hơn 100 bài ISI/Scopus bao gồm SSCI, SCI, ESCI, Scopus Q1-2-3-4. “Bạn ấy tự giới thiệu làm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản lý, nhưng tôi thấy có 2 bài thuộc lĩnh vực… Hán Nôm, một bài về văn tế Hán Nôm, một bài về Nho giáo, đều là các bài đăng chung với cả nhóm đến 4 - 5 người! Dù đang là nghiên cứu sinh mà bạn ý đã nhiều năm được nhiều “tạp chí quốc tế có uy tín” mời biên tập bài, mời làm ủy viên hội đồng biên tập, thậm chí còn làm tổng biên tập! Lần đầu tiên tôi được biết nghiên cứu sinh đã được mời làm tổng biên tập tạp chí quốc tế uy tín”, PGS Cường bình luận.

Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, đây không phải là lần đầu cái tên Đinh Trần Ngọc Huy được đưa ra cảnh báo trên các diễn đàn có sự tham gia của đông đảo thành viên trong giới học thuật. Tháng 5.2020, trên diễn đàn VietPhD, thành viên Lê Hoàng Long cũng đăng bài cảnh báo về việc anh (và hàng loạt đồng nghiệp) nhận được mail của ông Huy gạ gẫm mọi người để được “hỗ trợ đăng bài”.

Email chào mời cộng tác xuất bản bài báo quốc tế của Đinh Trần Ngọc Huy gửi cho giới nghiên cứu

chụp màn hình

Đinh Trần Ngọc Huy là ai ?

Tuy nhiên, mãi đến gần đây, cái tên Đinh Trần Ngọc Huy lần đầu được báo chí “điểm danh”, là trên Báo Thanh Niên số ra ngày 18.2, trong bài Rộ thông tin ứng viên xét GS, PGS 2021 đăng bài trên tạp chí giả mạo. Trong đó, Báo Thanh Niên đã nhắc đến người này với tư cách là đứng đầu tạp chí giả mạo Turcomat, với học vị tự xưng là tiến sĩ, học hàm tự xưng là giáo sư về ngân hàng và tài chính ở TP.HCM.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, PGS Cường cho biết trong tiêu đề bức thư mà ông Huy chào mời các nhà khoa học dùng “dịch vụ công bố” liên quan tới Trường ĐH Đà Lạt nên ông đã phản ánh với trường. Ngay lập tức, Trường ĐH Đà Lạt đã thông báo chính thức trên trang của mình với nội dung cảnh báo về hành vi mạo danh, vi phạm pháp luật của ông Huy. Trong thông báo này, Trường ĐH Đà Lạt “kiên quyết yêu cầu Đinh Trần Ngọc Huy chấm dứt ngay việc mạo danh Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt và các việc làm không phù hợp với chuẩn mực xuất bản các công trình khoa học mà ông Huy đang thực hiện”; “Khẳng định rằng Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt và Trường ĐH Đà Lạt không có bất kỳ mối quan hệ nào, không hợp tác, không thỏa hiệp, và không liên quan gì đến các hoạt động của Đinh Trần Ngọc Huy”.

Được biết, trên các bài báo “quốc tế” mà ông Huy đứng tên tác giả (hoặc đồng tác giả), ông Huy ghi địa chỉ của mình là Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Anh Đinh Trần Ngọc Huy hiện là nghiên cứu sinh của trường. Anh Huy chưa bao giờ là cán bộ, giảng viên của trường cả”.

Đăng bài Q3 Scopus với giá 12 - 14 triệu đồng

Không chỉ viết thư cho hàng loạt nhà khoa học để chào mời “mua bài”, ông Huy còn có một trang web để tiếp thị dịch vụ.

Ngày 15.2, PV Thanh Niên đã gọi cho ông Huy với mục đích xác minh tính chính xác các thông tin mà Báo Thanh Niên được các nhà khoa học cung cấp. Nhưng ngay sau khi PV Báo Thanh Niên hỏi, “anh có phải là Đinh Trần Ngọc Huy không?”, thì ông Huy ngộ nhận người hỏi là “khách hàng” nên hỏi lại luôn: “Bạn cần đăng bài ISI hay Scopus?”. PV hỏi: “Có phải bạn là người cung cấp dịch vụ đăng bài?”. Ông Huy trả lời: “Ừ, hiện giờ mình đang giúp nhiều bạn có bài viết rồi, mình sẽ chỉnh sửa bài cho mấy bạn đó”. PV hỏi: “Hình thức dịch vụ thế nào”? thì nhận được trả lời: “Là hợp tác hai bên. Ví dụ mình có bài sẵn, mình sẽ gửi tiêu đề cho bạn chọn, rồi chọn tạp chí. Hình thức thứ 2 là bạn gửi bài bạn viết để Huy chỉnh sửa bài đó rồi gửi cho tạp chí”.

Sau đó, ông Huy cho biết nếu khách hàng thuộc lĩnh vực giáo dục thì rất thuận tiện, vì đang có sẵn một tạp chí, ông Huy nhận đăng với giá 14 triệu đồng, với “bạn” (PV Báo Thanh Niên) thì bớt cho 2 triệu đồng. Thậm chí, ông Huy sẽ để “bạn” đứng tên tác giả vị trí số 1, tác giả 2 là Huy, rồi thêm một ai đó. Về vị trí tạp chí, ông Huy khẳng định: “Q3 Scopus, tạp chí 1,5 điểm theo danh mục tạp chí của Hội đồng Giáo sư nhà nước”. Hình thức thanh toán sẽ là chuyển khoản trước 1 triệu đồng cho ông Huy, sau khi ông Huy lấy được thư chấp nhận đăng của tạp chí thì khách hàng sẽ gửi nốt số tiền còn lại. Rồi ông Huy giục “bạn gửi bài nhanh nhanh” để kịp xuất bản vào cuối tháng 2 này. Ông Huy còn khích lệ: “Quan trọng là mình có bài trong Scopus, ISI, mấy bài để xét GS PGS đó. Sau này mình có 3 - 4 bài là được”.

Hai ngày sau, ông Huy lại nhắn tin giục: “Anh có bài sẵn luôn nè. Hay em gửi bài cho anh, 3 - 5 trang thôi, anh hoàn thiện xuất bản cho em yêu nhé” (tin nhắn nguyên gốc ông Huy gửi không dấu, không có dấu chấm câu - PV).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.