'Siết' cá tầm Trung Quốc nhập lậu

Anh Vũ
Anh Vũ
08/03/2021 18:01 GMT+7

Trước tình hình cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhập lậu vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng vừa yêu cầu tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu cá tầm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm từ 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 1.164 tấn, 1.849 tấn và hơn 1.000 tấn.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã đạt con số 812 tấn. Trong đó, riêng tại cửa khẩu Hữu Nghị là 687 tấn.
Điều đáng chú ý, không ít trường hợp doanh nghiệp từng vi phạm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, khai báo hải quan gian dối nhưng vẫn tiếp tục được tạo điều kiện nhập khẩu cá tầm với số lượng lớn.
Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, trong tháng 1.2021, đơn vị này đã phát hiện lô cá tầm Trung Quốc của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Số lượng hàng thừa được xác định lên đến 850 kg. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với công ty này.  Các số liệu cũng thể hiện, Công ty Thủy sản Thanh Tú cùng Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng (cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh, cùng do bà Nguyễn Thị Thư là đại diện pháp luật) hiện đang là 2 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc được 2 công ty này đưa về đạt 375 tấn.
 Trước đó, ngày 28.1.2020, trước nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh trong đó nêu rõ chỉ đạo cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Ngày 23.7.2020, Thủ tướng tiếp tục có Chỉ thị số 29/CT-TTg, chỉ đạo dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật…).
Theo Cơ quan quản lý Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cá tầm có tên trong danh sách thuộc phụ lục của Công ước quốc tế về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Cites). Đây là loài cần được bảo vệ nên việc xuất - nhập khẩu bắt buộc phải có giấy phép hợp pháp của Cites.

Cá tầm nội khổ vì cá tầm nhập lậu

Ảnh Gia Bình

Cần công bố danh mục cá tầm được phép nhập khẩu

Trên thực tế, mặc dù việc nhập lậu diễn ra trong thời gian dài, tái diễn, Phó thủ tướng Trương Hoà bình đã chỉ đạo yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nhưng các cơ quan chức năng vẫn tỏ ra khá chậm trễ trong việc kiểm soát. Chiều 8.3, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) Đinh Tiến Dũng tiếp tục có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các bộ: Tài chính, Công an, NN-PTNT, Quốc Phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai… căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong thị trường nội địa (nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP.HCM) để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm (nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...).
Bên cạnh đó, giao Bộ NN-PTNT công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan chức năng thuận lợi trong việc thực hiện và kiểm tra, kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.