'Shark' Thái Vân Linh: 'Tôi chọn start-up có sản phẩm tốt hơn là start-up celeb'

06/06/2018 11:48 GMT+7

Khởi động Shark Tank mùa hai, Thái Vân Linh tiếp tục là bóng hồng hiếm hoi uy quyền bên các 'shark' nam.

Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỉ) mùa hai trở lại với dàn "cá mập" vẫn là ba cái tên quen thuộc của mùa trước, nhưng không có "shark" Vương. Bên cạnh ông Nguyễn Xuân Phú, bà Thái Vân Linh, ông Phạm Thanh Hưng thì nhân vật mới trong nhóm nhà đầu tư là "shark" Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn), Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam - Thái Lan. Ông Trần Anh Vương năm nay không làm "cá mập" trong chương trình mà đóng vai trò là ban tổ chức. 
Theo thông tin từ ban tổ chức, Shark Tank mùa đầu tiên kết thúc với 22/48 thương vụ được cam kết đầu tư, tổng số vốn trên 116 tỉ đồng. Hiện đã có 7 công ty hoàn thành việc ký hết hợp đồng đầu tư và giải ngân. Một số thương vụ vẫn đang tiếp tục tiến hành thủ tục và số còn lại không thành công.
Nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông chính là "shark" nữ duy nhất trong chương trình, bà Thái Vân Linh, Giám đốc chiến lược và vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital, thường được biết đến với những phân tích thực tế và chiến lược đầu tư chắc chắn.
Bà Thái Vân Linh trở thành "hàng hiếm" trong chương trình toàn quý ông thành đạt, nhưng không vì thế mà lép vế bởi độ sắc bén của mình Ảnh: BTC
Bà Linh chia sẻ sau khi Shark Tank mùa một phát sóng, bà được nhiều người yêu mến. "Có hôm đang dẫn con đi chơi công viên, tôi bị các khán giả của chương trình bắt gặp và họ muốn pitching (đấu thầu) với mình ngay tại chỗ. Tôi cũng rất vui khi có nhiều bạn nói với mình họ đang khởi nghiệp và nhờ những lời khuyên của tôi đã giúp ích cho công ty của họ", bà Linh cho biết.
Trong mùa vừa qua, Thái Vân Linh cũng đã vuột tay nhiều nhà đầu tư tiềm năng, và than tiếc khi gặp lại họ ngoài đời sau khi chương trình kết thúc. Bà nói thêm: "Trong mùa này tôi đang muốn tìm những start-up thật sự đã có hướng đi rồi, và không đánh quá mạnh vào những lĩnh vực mà mình am hiểu. Tôi muốn mở rộng ra, nếu bản thân không quá thích sản phẩm hoặc là không hiểu rõ về sản phẩm nhưng nếu mà các shark khác "tranh giành" thì tôi cũng muốn cho họ cơ hội. Đây cũng là dịp để mình khám phá thêm những lĩnh vực khác".
Ở mùa một, chương trình có sự tham gia của những celeb (người nổi tiếng) như MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa hậu Trần Thị Quỳnh... Các thương vụ này đều kêu gọi vốn thành công, dễ dàng chinh phục các "shark" nam, cũng như thu hút sự chú ý của công chúng.
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên thành công với thương vụ đầu tư cho sản phẩm thể thao mùa một Ảnh chụp màn hình
Về phía bà Thái Vân Linh, nữ doanh nhân Việt kiều cho rằng quan trọng vẫn là ở sản phẩm và chiến lược của các start-up, bất kể họ là những ai. "Đối với tôi, tôi cũng không có thời gian để theo dõi những bài báo, tạp chí, truyền hình, nên một celeb bước vào chương trình có khi tôi không biết. Tôi chỉ dựa trên những yếu tố về kinh doanh, nếu họ đã có doanh thu, lợi nhuận thì đó là chuẩn dễ nhất để mà quyết định. Kế tiếp thì họ có tư duy và kinh nghiệm, nghĩa là họ đã thử nghiệm rất nhiều. Họ đã thất bại rất nhiều, và họ học hỏi từ những thất bại đó để phát triển thêm. Tôi muốn thấy những khả năng thực sự, những cái đó đối với tôi nó quan trọng hơn là những gương mặt nổi tiếng", bà thẳng thắn.
Về trường hợp MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, bà Linh chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ sản phẩm của chị ấy cũng hay. Hiện giờ nên tập trung vào sản phẩm. Nếu giữa hai start-up mà sản phẩm của họ tương đương, thì mình sẽ đi cái hướng người nổi tiếng để mình có thêm người xem chương trình. Nhưng nếu giữa hai công ty mà một người chỉ sự nổi tiếng và bên kia thì có sản phẩm tốt hơn thì tôi thà lấy công ty có sản phẩm tốt hơn hoặc là nhà sáng lập tiềm năng hơn".
Bà cũng không quên dành lời khuyên cho các nhà khởi nghiệp trẻ: "Không cần phải "diễn" nhiều. Những nhà đầu tư họ đều đã có kinh nghiệm đầy mình rồi. Quan trọng là bạn phải hiểu rất kỹ về sản phẩm của mình. Các phiên bản trên thế giới giống nhau ở chỗ người Việt, người Mỹ, người Anh đều khởi nghiệp vất vả như nhau. Từ ý tưởng độc đáo, họ phải tạo ra sản phẩm, đi tìm khách hàng. Nói chung ở đâu cũng vậy, có khác biệt một tí là mình phải thay đổi sản phẩm tùy theo văn hóa của nước đó. Ai cũng là những con người, và ai cũng có giấc mơ. Và mình cũng phải gan lên, mạo hiểm một tí để có thành quả".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.