Sedan hạng C: Vì sao MG5 gì cũng có nhưng vẫn khó hút khách Việt?

Bá Hùng
Bá Hùng
17/06/2022 11:10 GMT+7

Sở hữu vẻ ngoài hiện đại đi kèm hàng loạt trang bị tính năng cùng giá bán cạnh tranh... nhưng sau 3 tháng tham chiến thị trường Việt Nam, MG5 vẫn chưa tạo được dấu ấn để cạnh tranh sòng phẳng với các mẫu sedan hạng C khác.

Đã qua hơn 3 tháng kể từ khi gia nhập thị trường ô tô Việt Nam (3.3.2022 - PV), dấu ấn MG5 - mẫu sedan từng được ví như “nhân tố mới trong phân khúc xe hạng C” hay “kẻ thách thức Kia K3”... tạo ra khá mờ nhạt.

MG5 mang vẻ ngoài hiện đại đi kèm nhiều trang bị tính năng cùng giá bán cạnh tranh

Nguyễn Duy

Là mẫu sedan đầu tiên của thương hiệu MG do công ty con của Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, MG5 được kỳ vọng sẽ giúp MG mở rộng nhóm khách hàng, gia tăng thị phần trên thị trường ô tô Việt. Điều này không phải không có cơ sở, bởi trên MG5 hầu như cái gì cũng có và giá bán mẫu xe này phải thừa nhận... rất cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nếu cầm trên tay bảng thông số hay ấn phẩm quảng cáo - Catalog của MG5 và so sánh với các mẫu xe cùng phân khúc như Kia K3 2022, thậm chí là Honda Civic, Toyota Corolla Altis... nhiều người sẽ bất ngờ. Bởi, từ những trang bị cơ bản như đèn LED, mâm đúc 17 inch hay các tiện ích như hệ thống lọc bụi mịn PM2.5, màn hình ảo Virtual Cockpit 7 cho người lái… cho đến các tính năng an toàn như camera 360 độ hiển thị 3D, cảnh báo điểm mù, hỗ trợ chuyển làn, cảnh báo phương tiện cắt ngang, cảnh báo áp suất lốp… Tất cả đều có trên một chiếc “sedan hạng C có giá chỉ ngang xe hạng B” như MG5.

Đáng cân nhắc nhưng thực tế MG5 lại không phải là sự lựa chọn của khách Việt khi đưa ra quyết định cuối cùng

Trần Hoàng

Tất cả những yếu tố được cho là lợi thế cạnh tranh giúp MG5 dễ dàng trở thành một trong những lựa chọn đáng cân nhắc trong danh sách của những người mua xe sedan tầm giá dưới 700 triệu đồng.

Thực sự đáng cân nhắc, chắc chắn vậy… nhưng không ít trường hợp MG5 lại không phải là sự lựa chọn của khách hàng khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nói một cách ví von, MG5 chẳng khác nào một cầu thủ luôn được gọi “lên tuyển” nhưng chẳng mấy khi được chọn đá chính và phải “mài đũng quần” trên ghế dự bị.

Đơn cử như trường hợp của anh N.Q.T, từng rất quan tâm đến MG5 khi chọn mua một chiếc sedan tầm 650 triệu đồng để sử dụng nhưng cuối cùng anh T lại quyết định xuống tiền để sở hữu Kia K3 phiên bản 1.6 Luxury. Hay như trường hợp của anh Viết Thành (31 tuổi) hiện đang là nhân viên của một công ty bất động sản tại TP.HCM, sau nhiều so sánh cân nhắc giữa MG5 và Honda City lại quyết định chọn mẫu xe mang thương hiệu Nhật Bản.

Không hẳn đã là xe “ế” khách nhưng MG5 cũng không phải là mẫu xe thuộc nhóm bán chạy ở phân khúc sedan hạng C tại Việt Nam

Trần Hoàng

Chỉ ra như vậy để thấy rằng, ô tô nhiều trang bị tính năng, giá bán hấp dẫn tại Việt Nam… không hẳn đã là lựa chọn hàng đầu của người Việt. Nói như vậy cũng không phải ám chỉ MG5 là mẫu xe “ế” khách tại Việt Nam, bởi thực tế vẫn có một bộ phận khách hàng, đặc biệt là nhóm khách trẻ hay những người mua xe lần đầu vẫn sẵn sàng xuống tiền để sở hữu MG5. Với những trang bị, giá bán đang có, MG5 vẫn là lựa chọn “ngon, rẻ” với nhiều người!

Phía Tan Chong Việt Nam - đơn vị nhập khẩu phân phối xe MG tại Việt Nam không công bố doanh số bán hàng của MG5 cũng như các mẫu xe MG khác. Tuy nhiên, chắc chắn một điều, MG5 dù không hẳn đã là xe “ế” khách nhưng cũng không phải là mẫu xe thuộc nhóm bán chạy ở phân khúc sedan hạng C tại Việt Nam.

Bởi thực tế, mức độ phổ biến của MG5 trên đường phố Việt Nam chưa thể sánh ngang các mẫu xe cùng phân khúc như Kia K3 hay hai mẫu xe Nhật Bản nhập khẩu về Việt Nam ra mắt gần như cùng điểm với MG5 như Honda Civic 2022, Toyota Corolla Altis 2022. Và giả sử, MG5 có lọt vào top ô tô bán chạy hàng đầu phân khúc sedan hạng C tại Việt Nam đi nữa, thì phía nhà phân phối hay các đại lý, nhân viên bán hàng của MG... cũng chẳng ngại gì truyền thông, quảng bá như cái cách MG đã làm với mẫu crossover 5 chỗ MG ZS tại Thái Lan.

Thực tế từ lâu MG đã thuộc quyền quản lý của công ty Trung Quốc

Trần Hoàng

Vậy tại sao, một mẫu ô tô “ngập tràn” trang bị, giá bán cạnh tranh, hấp dẫn như MG5 lại không được nhiều người Việt lựa chọn như các mẫu xe Hàn Quốc, xe Nhật Bản cùng phân khúc vốn có giá bán cao hơn cả trăm triệu đồng?

Công bằng mà nói, ô tô vốn là phương tiện nhưng với một bộ phận người Việt đây cũng là loại tài sản để sử dụng rồi bán buôn. Chính vì vậy, ngoài yếu tố trang bị, tính năng công nghệ hay giá bán... những giá trị như thương hiệu, khấu hao hay giá trị khi thanh lý bán lại luôn được khách hàng quan tâm. Chẳng phải vậy mà một số mẫu xe Toyota luôn có tiếng về “giữ giá” sau nhiều năm sử dụng tại Việt Nam. Những mẫu xe Hàn Quốc như Hyundai, Kia ngày càng chứng minh được vị thế của mình.

Còn với MG5, điều khiến người Việt băn khoăn, ngập ngừng khi lựa chọn... một phần nằm ở “sơ yếu lý lịch trích ngang” khá phức tạp của mẫu xe này. Không thể phủ nhận Morris Garages Motor (MG) là thương hiệu ô tô lâu đời của Anh quốc. Vì vậy, với tư cách của nhà phân phối, Tan Chong Việt Nam cùng các đại lý chẳng ngần ngại trang trí bộ tem trang trí mang biểu tượng lá cờ Vương quốc Anh trên phần lớn các mẫu xe MG5 hay MG ZS, HS để trưng bày, quảng bá và cho khách hàng lái thử.

MG Việt Nam và ngay cả nhà phân phối đều không muốn nhắc đến sự liên quan của MG với các hãng xe Trung Quốc trong các chiến dịch truyền thông quảng bá

Nguyễn Duy

Tuy nhiên, thực tế từ lâu MG đã thuộc quyền quản lý của các công ty Trung Quốc. Với nguồn tài chính dồi dào của các tập đoàn ô tô Trung Quốc, sau nhiều lần mua bán, sang nhượng cổ phần đến năm 2007 MG đã rơi vào tay SAIC Motor Corporation Limited - một công ty sản xuất ô tô của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải.

Trong khi đó tại Việt Nam, những mẫu xe “gốc gác” xuất xứ Trung Quốc (hay có quan hệ gần gũi với Trung Quốc) thường không được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn dù luôn sở hữu một vẻ ngoài hào nhoáng, ngập tràn trang bị và giá thành rất cạnh tranh. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà MG Việt Nam và ngay cả nhà phân phối đều không muốn nhắc đến sự liên quan của MG với các hãng xe Trung Quốc trong các chiến dịch truyền thông quảng bá. Thay vào đó, MG Việt Nam và Tan Chong luôn hô hào MG5, MG ZS là ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

MG5 vẫn là mối hoài nghi khiến không ít khách Việt e ngại khi đưa ra quyết định chọn MG5 hay không

Trần Hoàng

Thực tế những năm gần đây, MG đã có nhà máy sản xuất tại Thái Lan và MG5 đúng là xe nhập từ Thái Lan. Tuy nhiên, dù phía nhà phân phối MG tại Việt Nam không hề muốn đề cập đến sự liên quan đến các công ty ô tô Trung Quốc, những chiếc MG5 hay ngay cả MG ZS về Việt Nam cũng không thể phủ nhận “gốc gác” với dòng chữ SAIC Light Technology trên đèn pha, hệ thống phần mềm hỗ trợ kết nối bluetooth có mã hiệu SAIC BT_XXXX hay kính lái, kính hậu vốn do tập đoàn Trung Quốc - SAIC sản xuất.

Bên cạnh đó, nếu xét về trang bị, tính năng công nghệ… như đã nói trên, MG5 hầu như cái gì cũng có. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở mức đáp ứng để có dùng. Còn về độ hoàn thiện, mượt mà hay bền bỉ theo thời gian... các công nghệ, tính năng trên MG5 vẫn là mối hoài nghi khiến không ít khách Việt e ngại khi đưa ra quyết định chọn MG5 hay không? Bởi đơn giản, khi độ bền bỉ hay đặc biệt là giá trị thương hiệu… còn khá mập mờ, không phải ai cũng mạnh dạn, sẵn sàng chi ra gần 600 triệu đồng để “thử” một mẫu xe hạng C mới gia nhập thị trường Việt Nam chưa tới nửa năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.