Sẽ thêm gói cứu trợ doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế

30/10/2021 07:30 GMT+7

Muốn tái cơ cấu, tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn, theo các đại biểu Quốc hội, trước mắt phải giải quyết được câu chuyện phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 bằng các gói kích thích đủ liều lượng, đúng đối tượng.

Ngày 29.10, Quốc hội (QH) nghe Chính phủ báo cáo tờ trình, thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, cũng như thảo luận tại tổ về nội dung này. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn tới sẽ tập trung vào 6 nhóm mục tiêu cụ thể gồm 130 nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển lực lượng doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế… “Dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng phát biểu thảo luận tại tổ

TTXVN

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban (UB) Kinh tế do Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh trình bày nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra. UB Kinh tế cũng nhất trí quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn, để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 (quy hoạch). Về tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch QH cho biết nếu năm 2020 không bị tác động bởi đại dịch Covid-19 thì các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhấn mạnh điều này, ông Huệ nêu rõ, trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn và thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Cùng với đó, phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… Đó là những trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn tới. Đây cũng là những lĩnh vực chúng ta cũng có dư địa để phát triển, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vừa tận dụng cơ hội để cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bản tin Covid-19 ngày 29.10: Cả nước 4.899 ca nhiễm mới | TP.HCM tăng tốc tiêm vắc xin cho trẻ em

Phát hành trái phiếu huy động ngoại tệ trong dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đoàn Bình Định) cho rằng trước mắt phải tập trung giải pháp phục hồi nền kinh tế, từ đó làm nền tảng để tái cơ cấu. Về vốn, Bộ Tài chính đang tham mưu cho Thủ tướng một số gói kích thích như gói hỗ trợ lãi suất. “Vừa rồi Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính xây dựng gói hỗ trợ lãi suất. Gói này lấy từ nguồn ngân sách T.Ư, khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, hỗ trợ lãi suất 2 - 3%/năm cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển. Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống, các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng yếu, trọng điểm quốc gia. Khi đó sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, nguồn vốn bỏ vào đây sẽ tạo cầu đầu tư rất tốt, đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho DN”, ông Phớc nói.

Điều chỉnh quy hoạch đất đai còn tùy tiện

Ngày 29.10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ trình Tờ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá bên cạnh kết quả đạt được, nhiều tồn tại, yếu kém, bức xúc trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ 2011 - 2020 chưa được báo cáo của Chính phủ đề cập.

“Vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, TP chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020)”, ông Thanh dẫn chứng, và đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.

Vẫn theo Bộ trưởng Phớc, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. “Chúng tôi đang thiết kế gói này để huy động tiền trong dân, ví dụ USD nhàn rỗi trong dân cư. Lãi suất gửi USD ở ngân hàng hiện là 0%. Gói này vay tiền của dân mà không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Có thể cần thiết thì phát hành thêm trái phiếu chính phủ ngắn hạn để tập trung vào giải quyết những vấn đề trước mắt và thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó là quay vòng vốn để bảo đảm cho kinh tế phát triển”, ông Phớc nêu ý kiến.

ĐB Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cũng là Ủy viên thường trực UB Kinh tế nhấn mạnh 2020 - 2021 sẽ có khoảng 20.000 tỉ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi, và bởi đang xây dựng chương trình phục hồi nên cần tính toán quy mô đủ lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.