Sẽ ổn thôi, Bình Dương mến thương ơi!

Tôi không sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, nhưng tôi đã đến với mảnh đất này được mấy năm, kể từ ngày ba mẹ tôi quyết định chuyển nhà từ miền Tây lên miền đất nắng lửa này.

Từ chỗ lạ lẫm ban đầu, đến nay tôi đã dần quen với chuyện những con đường chỉ đông đúc và nhộn nhịp những lúc sáng sớm vào ca, hay lúc tan ca vào xế chiều. Và không biết tự lúc nào, tôi đã trở nên thân thuộc và gắn bó với những khu công nghiệp to rộng cùng những người công nhân chăm chỉ, cần cù ngày ngày đến xưởng.

Thành phố mới Bình Dương

ĐỖ TRƯỜNG

“Thủ phủ công nghiệp” trong làn sóng dịch

Bao lớp công nhân đến từ những vùng đất khác nhau là thành phần dân cư chủ yếu ở vùng đất Bình Dương này, cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có cả. Nói không ngoa chứ có thể dễ dàng tìm thấy người dân mọi miền ở đây. Chính điều đó đã tạo nên một sự tổng hòa và tổng hợp về ngôn ngữ cũng như lối sống, cách sinh hoạt của dân cư và cuộc sống xã hội ở đất này.

Trong những bộ đồng phục của các công ty khác nhau từ các dãy nhà trọ hay các khu dân cư, họ ngày ngày đến các xưởng sản xuất làm việc. Điều này không chỉ giúp người lao động nhập cư có thể kiếm được nguồn thu nhập, mà còn giúp cho Bình Dương nhanh chóng phát triển kinh tế, trở thành một “thủ phủ công nghiệp”, đóng góp lượng GDP lớn cho nước nhà.

Bệnh viện dã chiến lớn nhất Bình Dương sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

ĐỖ TRƯỜNG

Cả tuần đi làm vất vả, cuối tuần, những công nhân hiền lành ấy lại nấu nướng, gặp gỡ, ca hát, như để khuây khỏa nỗi nhớ nhà và động viên nhau cùng cố gắng làm việc trong thời gian sắp tới.

Cái nhịp sống bình dị và yên ả đến thân thuộc với vòng quay công việc và cuộc sống ấy của vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ này bỗng chốc bị đảo lộn và chao đảo khi làn sóng Covid-19 lần 4 quét qua nơi đây. Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi 16 được thực hiện ở các khu vực ngày một nhiều, cuối cùng đã triển khai trên toàn tỉnh.

Đã có nhiều những công ty phải ngừng hoạt động, nhiều công xưởng phải tạm đóng cửa, để lại sự trơ trọi, quạnh hiu nơi những khu công nghiệp trong những khuôn viên cây xanh. Cũng có những nơi cho công nhân đem đồ đạc vào ăn ở trong công xưởng để tiếp tục sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” trong thời dịch.

Bệnh viện dã chiến lớn nhất Bình Dương cao điểm có trên 20.000 giường bệnh

ĐỖ TRƯỜNG

Và từ lúc ấy, quang cảnh tấp nập người xách bình nước đá vào xưởng để chuẩn bị cho một ngày làm việc dài và năng suất đã không còn. Cảnh những công nhân trong bộ đồng phục gọn gàng, vui vẻ nói cười, cùng nhau ăn sáng trước giờ vào ca cũng không xuất hiện. Và những con đường cũng im phăng phắc, chẳng còn những bước chân người đổ ra sau giờ làm nữa.

Người người ở nhà, ngồi yên trong phòng trọ, không gian im ắng, chỉ còn nghe tiếng loa phát thanh của phường phát những bản tin thông báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Cuộc sống cứ như tĩnh lại, người người lo lắng khi nghe tin về những ca dương tính mới, những nơi mới bùng phát ổ dịch.

Đồng lòng chống dịch

Những người công nhân hằng ngày chỉ biết đi làm và về nhà trong mối quan tâm lo về lương thưởng, tăng ca thì nay phải đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền khi không được làm việc như bình thường nữa. Cùng với đó là bao lo lắng thường trực về nguy cơ nhiễm bệnh khi tình hình diễn biến của dịch Covid-19 ngày một phức tạp và căng thẳng.

Những tiếng ca hát, trêu đùa vui vẻ hằng ngày đã được thay bằng không khí im lặng khi nhà nào chỉ biết nhà nấy, và chỉ có thể nhìn nhau qua cánh cửa phòng trọ chứ chẳng thể qua lại thăm hỏi nhau được nữa. Không ai nói ra, nhưng sự hồi hộp và lo lắng là không thể giấu qua những ánh mắt xa xăm, hay những tiếng thở dài cố nén lại.

Riêng tại bệnh viện dã chiến lớn nhất Bình Dương cơ sở Thới Hòa, lúc cao điểm đã thu dung điều trị cho 20.081 bệnh nhân Covid-19. Đến ngày 19.10, theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tại đây chỉ còn 379 bệnh nhân đang điều trị

ĐỖ TRƯỜNG

Nhà nào cũng cố gắng dè xẻn trong chi tiêu ăn uống, cố gắng tiết kiệm đến mức tối đa để có thể cầm cự được lâu dài trong mong muốn và mơ ước được đi làm trở lại như cũ.

Từ chỗ hoang mang, không hiểu, có khi là khó chịu và sợ hãi trước những thông tin về dịch bệnh, nay công nhân và những người ở trọ trên địa bàn đã biết được sự nguy hiểm khôn lường của Covid-19, và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định được đưa ra.

Khi có tổ test Covid-19 của cơ quan y tế đến tiến hành kiểm tra, sàng lọc, họ đã không còn sợ hãi hay né tránh mà đã tuần tự đi lấy mẫu theo yêu cầu. Ai cũng mong các ca nhiễm nhanh chóng được phát hiện đưa đi cách ly, chữa trị, không làm lây lan ra cộng đồng, gây ảnh hưởng, nguy hiểm cho người khác để mọi thứ sớm quay lại như cũ.

Các chủ nhà trọ hay chủ của những khu dân cư cố gắng mọi cách để chuyển những thông báo, chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch đến với từng dãy trọ, từng phòng và từng người ở trọ.

Test Covid-19 cộng đồng ở Bình Dương

Hồng MINH

Những chợ dân sinh, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi còn được phép hoạt động, thì nơi nào cũng ghi thông báo về việc đeo khẩu trang, đặt những chai nước sát khuẩn bên ngoài vòng dây ngăn cách 2 mét xung quanh nơi buôn bán.

Những anh dân quân tự vệ thì thay phiên nhau túc trực ở các chốt kiểm soát, còn lực lượng công an, cảnh sát thì tích cực đi tuần tra, nhắc nhở và có khi là xử phạt những trường hợp thực hiện không đúng theo nguyên tắc Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.

Các thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng thì tìm cách chuyển những phần quà hỗ trợ, những phần rau củ quả hay gạo, mì… đến những nơi khó khăn, thiếu đói.

Từng đoàn y bác sĩ đến chi viện và hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu của Bình Dương dập dịch cùng với những dụng cụ, thiết bị y tế cần thiết để xây dựng các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” ở Bình Dương

ĐỖ TRƯỜNG

Ngày vui không xa ấy nhất định sẽ đến

Tất cả đã và đang cố gắng ngày ngày, làm mọi việc mình có thể để chung tay, góp sức cho dịch bệnh mau bị đẩy lùi, cuộc sống ở Bình Dương trở về bình yên như trước và những nhà máy lại sáng đèn làm việc.

Có sự đoàn kết một lòng, chung tay chung sức của tất cả các tầng lớp người dân trên toàn tỉnh, nhất định “cuộc chiến” với Covid-19 sẽ giành được thắng lợi.

“Thủ phủ công nghiệp” sẽ lại đông đúc, rộn ràng trong những nhà máy và trên những chuyến container chở hàng ra cảng. Công nhân sẽ lại vui vẻ và đều đặn đi làm ngày ngày, những tiếng chuyện trò rôm rả mỗi lúc tan ca lại rộn lên.

Ngày vui không xa ấy nhất định sẽ đến. An tâm nha, sẽ ổn thôi, Bình Dương mến thương ơi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.