Sẽ công bố nhiều tài liệu mật tại hội thảo 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/04/2019 16:48 GMT+7

Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, sẽ có nhiều tài liệu tuyệt mật và tối mật được khai thác và công bố tại hội thảo khoa học kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2019).

Chiều 12.4, tại họp báo giới thiệu hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7.5.1954 - 7.5.2019), đại tá Trương Mai Hương, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 24.4 tới, tại thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Hội thảo gồm 3 nội dung, trong đó, phần thứ nhất là các nghiên cứu, đánh giá phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam 1953 - 1954.
Phần thứ 2, gồm các tham luận đi sâu nghiên cứu, tái hiện toàn bộ diễn biến của chiến cục Đông Xuân 1053 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Phần thứ 3, gồm các bài nghiên cứu phân tích, đánh giá tầm vóc, vài trò, ảnh hưởng và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam và nhân dân các dân tộc thuộc địa trên thế giới lúc đó.
“Với độ lùi thời gian cùng những tư liệu lịch sử mới được cập nhật ở cả trong và ngoài nước, nhiều tham luận đã có những nhận địch, phân tích đánh giá sâu sắc, góp phần làm cụ thể hơn tính đúng đắn, khoa học, sáng tạo trong những chỉ đạo chiến lược của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Hương nói. 
Trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về những vấn đề mới được công bố tại hội thảo lần này, bà Hương cho hay, vấn đề khai thác các nguồn tài liệu mới cho các hội thảo khoa học luôn được Viện Lịch sử quân sự chuẩn bị công phu, có khi mất cả năm, thậm chí là 2 năm.
“Có những tài liệu trước đây ở độ tuyệt mật và tối mật chúng tôi cũng đã được khai thác, chủ yếu ở kho K4 thuộc Trung tâm Lưu trữ thông tin của Bộ Quốc phòng”, bà Hương nói và cho biết thêm, bên cạnh đó, các bài đánh giá của người nước ngoài cũng được đưa vào công bố tại hội thảo.
Hội thảo kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được tổ chức vào ngày 24.4 tại thành phố Điện Biên Ảnh Xuân Tùng
“Những bài viết của người nước ngoài trước đây chưa được công bố nhưng trong bối cảnh hiện nay, 5 năm sau hội thảo 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2014, thì tất cả sách báo, tài liệu dần được hé mở, độ mật cũng giảm hơn nên chúng tôi cập nhật được thông tin rất mới”, bà Hương nói, và cho biết các thông tin mới này sẽ được thể hiện ở cả 3 phần của nội dung hội thảo, thông qua hơn 70 bài tham luận gửi tới hội thảo lần này.
Giải thích thêm về những thông tin tuyệt mật và tối mật, bà Hương cho biết, trong thời gian chuẩn bị hội thảo, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã cho xuất bản một bộ sách nhiều tập về lịch sử kháng chiến chống Pháp, trong đó có nhiều tài liệu về mâu thuẫn nội bộ Pháp được khai thác từ kho K4.
“Mâu thuẫn nội bộ của Pháp thì không thể ngay sau chiến thắng là chúng ta khai thác được ngay mà phải tới nay qua chắt lọc hàng trăm trang tài liệu thì chúng ta mới tìm ra được”, bà Hương dẫn ví dụ.
Bên cạnh đó, theo bà Hương, hàng loạt các hoạt động tình báo của ta và cả của Pháp cũng đã được thu thập qua các tài liệu là hồi ký, hồi ức, các bài báo nghiên cứu xuất bản những năm gần đây cũng trở thành tư liệu cho các bài tham luận tại hội thảo.
Trao đổi sau đó, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết, hội thảo kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào năm 2014, tới nay, sau 5 năm là khoảng thời gian đủ dài để các cơ quan nghiên cứu tìm tòi, thấy được những tư liệu mới.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, quan điểm của Đảng về công tác quân sự quốc phòng hiện nay trong tình mới cũng đã có bước phát triển. Do đó, chắc chắn các bài tham luận tại hội thảo khoa học lần này sẽ đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả.
Trung Quốc chỉ viện trợ 7% cho chiến dịch
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới thông tin cho rằng, Trung Quốc đã viện trợ rất lớn cho Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đại tá Trương Mai Hương cho hay, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc có viện trợ cho chúng ta nhưng tổng số viện trợ chỉ chiếm 7%. Trong đó, số đạn pháo là 18% số đạn pháo của chiến dịch.
“Các tài liệu khai thác và lưu trữ thì số liệu chỉ có như vậy thôi”, bà Hương khẳng định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.