Sẽ có hướng dẫn phạt người ép uống rượu, bia

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/01/2020 05:08 GMT+7

Theo đại diện Bộ Y tế, chẳng hạn với hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia, luật Phòng chống tác hại rượu, bia cho phép lực lượng có thẩm quyền trích xuất camera, ghi hình, chụp ảnh... để làm căn cứ xử lý

Đại diện Bộ Y tế cho biết đã trình dự thảo và trong tháng 1 này Chính phủ sẽ ban hành nghị định xử phạt nhiều hành vi bị cấm trong luật Phòng chống tác hại rượu, bia vừa có hiệu lực, bao gồm các hành vi như xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia...

Uống 3 chai bia bị CSGT xử phạt, giam xe ngay ngày đầu năm 2020

Trả lời về tính khả thi của những quy định mới trong luật Phòng chống tác hại rượu, bia (PCTHRB), ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật này, cho biết luật đã giao trách nhiệm thi hành cho các cơ quan từ bộ ngành tới đơn vị cơ sở. Những hành vi xúi giục, ép buộc việc uống rượu, bia; bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi... khi bị phát hiện sẽ do người đứng đầu các cơ quan, tổ chức kể trên xử phạt.
Quyền xử phạt thuộc nhiều lực lượng, trong đó có thanh tra của các ngành liên quan như công thương, y tế, chủ tịch UBND các cấp. Các chiến sĩ công an nhân dân, quản lý thị trường đang thi hành công vụ đều có thể xử phạt nếu phát hiện hành vi vi phạm
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế
Tuy nhiên, ông Lợi cũng thừa nhận việc chúng ta có “luật tốt nhưng thực hiện có vấn đề”. “Như luật Phòng chống tác hại thuốc lá, dù có những quy định rất tốt nhưng chưa phạt được trường hợp nào. Đó trước hết là lỗi của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã được giao trách nhiệm”. Dù vậy, ông Lợi cũng cho rằng, việc luật hóa các quy định sẽ có tác dụng giáo dục để dần nâng cao ý thức của người dân.
Kết quả đo nồng độ cồn đối với người vi phạm Ảnh: Trần Tiến

Kết quả đo nồng độ cồn đối với người vi phạm

Ảnh: Trần Tiến

Trong khi đó, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo luật PCTHRB, cũng nhìn nhận những quy định về hành vi như cấm bán rượu bia, cấm lôi kéo, xúi giục người khác uống rượu, bia hay cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi... mới được đưa vào luật “thuộc nhóm quy định rất khó có tính khả thi cao”. Tuy nhiên, bà Trang giải thích, mục tiêu trước hết của các quy định thuộc nhóm này chính là định hướng hành vi chứ chưa phải là xử phạt. “Biện pháp đầu tiên là tuyên truyền, thuyết phục để người dân hiểu được lợi ích, sự cần thiết phải thực hiện quy định”, bà Trang nói và phân tích thêm: chẳng hạn với quy định cấm xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia thì khi đưa vào luật, người dân sẽ biết rằng mình có quyền từ chối việc ép uống rượu, bia, từ đó nhắc nhở những người có hành vi nói trên.
Cũng theo bà Trang, ngoài Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có quy định chế tài đối với hành vi lái xe uống rượu bia, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các chế tài đối với hành vi vi phạm khác trong luật PCTHRB. “Dự kiến nghị định sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 1 này”, bà Trang thông tin.
Theo bà Trang, với dự thảo nghị định vừa kể, các hành vi như xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia hay bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi đều có quy định rõ ràng, từ cảnh cáo tới phạt tiền, tùy mức độ của hành vi vi phạm. “Quyền xử phạt thuộc nhiều lực lượng, trong đó có thanh tra của các ngành liên quan như công thương, y tế, chủ tịch UBND các cấp. Các chiến sĩ công an nhân dân, quản lý thị trường đang thi hành công vụ đều có thể xử phạt nếu phát hiện hành vi vi phạm”, bà Trang phân tích.
Theo đại diện Bộ Y tế, chẳng hạn với hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia, luật PCTHRB cho phép lực lượng có thẩm quyền trích xuất camera, ghi hình, chụp ảnh... để làm căn cứ xử lý.

Không uống rượu, bia vẫn “dính” nồng độ cồn?

Cư dân mạng vẫn đang xôn xao thông tin lan truyền “dính nồng độ cồn dẫu chỉ ăn quả vải, uống sirô...”.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 2.1, chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết ngoài rượu, bia có cồn (ethanol) thì còn nhiều loại đồ uống, thực phẩm khác cũng có cồn mà mọi người cần phải chú ý.
Tuy nhiên, thức ăn tự nhiên khó thể sinh ra cồn, hơn nữa thực phẩm là a xít hữu cơ nên không thể nào thổi qua hơi thở do quá trình hấp thu của cơ thể rất chậm.
Một số thuốc như sirô ho, người uống theo liều lượng chỉ định của bác sĩ rất ít, không thể uống một lần mấy trăm mi li lít để sinh ra cồn được...
Điều chuyên gia dinh dưỡng này lưu ý là ngoài rượu, bia thì một số đồ uống khác có cồn mà mọi người cứ nhầm là thức uống không có cồn nên cần phải nhận diện để khi tham gia giao thông không bị phạt.
Ví dụ như nước trái cây lên men công nghiệp từ 3 - 5% độ cồn etylic - tương đương độ cồn trong bia; nước trái cây lên men thủ công do hộ gia đình tự làm vẫn có cồn etylic; có loại nước trái cây lên men mà nồng độ cồn đến 12%.
Tất cả những loại này cồn đều có trong máu, hơi thở khi dùng các thiết bị, xét nghiệm thử đều bị phát hiện. Bản chất khi cơ thể có cồn sẽ làm thay đổi hành vi hoặc tác động khiến điều khiển xe không an toàn.
Ngoài ra, trong thực tế có một số món ăn khi chế biến người ta có đổ thêm rượu, và rượu nồng độ cao thì khi ăn uống cần chú ý; nhưng thịt hầm rượu vang thì sẽ không thể cho ra cồn trong cơ thể vì đây chỉ là gia vị nêm thêm.
Do vậy, ngoài việc người dân cần để ý thì nhà hàng cũng cần phải tập huấn về quy định xử phạt này để có cách chế biến tránh nguy cơ phát sinh cồn trong thức ăn.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.