Sau vụ Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp mua lại hơn 86.000 tỉ đồng trái phiếu

Mai Phương
Mai Phương
21/08/2022 16:45 GMT+7

Khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại tăng hơn 21% so với năm 2021, nhất là sau vụ Tân Hoàng Minh bị thu hồi 9 đợt phát hành trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 280.641 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5% và xây dựng chiếm 8,8%.

Tình hình phát hành những tháng gần đây cho thấy, nếu trong quý 1/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý 2/2022, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, còn các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%.

Bên cạnh đó, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn. Tính đến cuối tháng 7, khối lượng mua lại là 86.556 tỉ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó tập trung chủ yếu vào quý 2 với số lượng 49.100 tỉ đồng - đây là thời gian sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị thu hồi 9 đợt phát hành trái phiếu.

Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Ngọc Thắng

Bộ Tài chính tiếp tục khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ; do vậy, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Hơn nữa, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu.

Cuối cùng, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo... Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Với những lưu ý trên, trước khi tham gia thị trường TPDN, nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.

Nhà đầu tư cũng cần phải cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo các hình thức không rõ ràng là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.