Sau vụ chùa Kỳ Quang 2, ‘không có chuyện Hòa thượng Thích Thiện Chiếu tuyệt thực’

15/09/2020 12:12 GMT+7

Một số người dùng mạng xã hội đăng tải thông tin Hòa thượng Thích Thiện Chiếu tuyệt thực sau sự cố liên quan các hũ tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định không có chuyện này.

Các thông tin liên quan đến chùa Kỳ Quang 2 những ngày qua nhận được sự chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội. Một số người dùng Facebook còn loan tin Hòa thượng Thích Thiện Chiếu đã tuyệt thực từ ngày 16.7 âm lịch đến nay khiến nhiều Phật tử không khỏi lo lắng.

Thích Thiện Chiếu - Vị sư có hơn 200 "đứa con": Con đi trường học, cha tu ở chùa - Video thực hiện tháng 6.2016

Giải đáp các thắc mắc này của Phật tử, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kiêm trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cho biết, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu chỉ đang nhập thất tịnh tu.
Suốt thời gian nhập nhất, người nhập thất không làm phiền đến bất kỳ ai, không nhận tiếp tế thực phẩm từ bên ngoài. Người nhập thất ở bên trong thất phải tự lo ngay cả việc giặt giũ, nấu ăn cho bản thân từ lương thực chuẩn bị trước đó.

Sau 2 lần đứng ra giải quyết sự vụ tại chùa Kỳ Quang 2 liên quan đến các hũ tro cốt, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu nhập thất tịnh tu

Ảnh: CTV

“Xem camera tôi thấy thông tin Hòa thượng Thích Thiện Chiếu tuyệt thực là không có thật, có camera làm chứng. Thông tin trên mạng xã hội chỉ làm câu chuyện thêm phức tạp, lãnh đạo Giáo hội, đại diện chùa Kỳ Quang 2 và bản thân tôi đều nhìn camera và xác minh điều này”, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định.
Cũng theo vị Thượng tọa, việc nhập thất của Hòa thượng là một cách để tĩnh tâm, là pháp nguyện của riêng Hòa thượng để không tiếp xúc với bất kỳ một ai. Việc lắng tâm sẽ làm cho Hòa thượng Thiện Chiếu nhẹ nhàng hơn vì những ngày qua đã phải nghe nhiều lời mắng chửi. Trong khi bản thân Hòa thượng là người đi tu từ nhỏ, đóng góp nhiều công đức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Ly kỳ chuyện tìm tro cốt thân nhân ở chùa Kỳ Quang 2

Không có chuyện âm mưu lật đổ trụ trì

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, việc tạm đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu không có nghĩa là cách chức. Mà khi sự việc giải quyết xong thì Hòa thượng quay trở lại. Đây cũng là dịp để vị Hòa thượng 73 tuổi nghỉ ngơi.
“Giải pháp mà Giáo hội đưa ra là để giúp cho Hòa thượng được lắng tâm mình lại, khỏi phải nghe những người nguyền rủa của một bộ phận quần chúng, nhất là trên mạng xã hội. Giá như nơi này có camera thì chúng ta sẽ biết được ai là người làm, nhưng không có nên Hòa thượng là trụ trì phải chịu toàn bộ trách nhiệm”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Chùa Kỳ Quang 2 cùng đại diện người dân và chính quyền mở phong tỏa hầm giữ các hũ tro cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng theo vị Thượng tọa, nhiều thông tin từ mạng xã hội còn cho rằng 2 sự cố liên tiếp ở chùa Kỳ Quang 2, một liên quan đến các hũ tro cốt, một liên quan đến trẻ em trong chùa bị ngộ độc thực phẩm là do có “âm mưu lật đổ trụ trì chùa” là không chính xác.
Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích, Thượng tọa Thích Quang Thạnh xuất gia vào năm 1985, là một trong 2 đại đệ tử của Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu ở chùa Kỳ Quang 2.
Sau sự cố vừa qua, Giáo hội phân công Thượng tọa Thích Quang Thạnh thay thế thầy của mình để gánh vác, sắp xếp mọi chuyện sao cho êm đẹp. Nhưng nhiều người cho rằng có âm mưu lật đổ vai trò trụ trì của Hòa thượng Thích Thiện Chiếu.
Trong thời gian Hòa thượng Thích Thiện Chiếu nhập thất, Thượng tọa Thích Quang Thạnh vẫn báo tin cho bổn sư của mình mỗi ngày qua tin nhắn điện thoại.
Thượng tọa Thích Nhật Từ bày tỏ: “Trong suốt 15 năm được đồng hành với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, tôi tin rằng vị là người đạo cao đức trọng có lòng từ bi có những đóng góp to lớn, có sức kiên trì vững vàng. Sự cố xảy ra ngoài ý muốn, ở vai trò trụ trì phải chịu trách nhiệm trọn vẹn, dĩ nhiên nỗi đau lớn nhất vẫn là Hòa thượng”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng chia sẻ, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu đắp y Nam tông, trong khi Thượng tọa Thích Quang Thạnh là đệ tử lại mặc theo Bắc tông nên có những thông tin hiểu lầm như nói trên.
Giải thích cụ thể trường hợp này, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu xuất gia trước năm 1975, là đệ tử của Hòa thượng Thiện Quang. Trong thời gian tìm hiểu Phật giáo Nam tông Khmer, Hòa thượng Thiện Quang từng gặp và cảm mến đức của Hòa thượng Narada nên Hòa thượng Thiện Quang pháp nguyện bỏ y Bắc tông và đắp y Nam tông. Khi đó, là đệ tử của Hòa thượng Thiện Quang, Hòa thượng Thiện Chiếu và Hòa thượng Thiện Minh cũng đắp y theo.
Hiện nay, vào rằm tháng 7 cũng như mùng 8 tháng 4 âm lịch, tất cả đệ tử xuất gia của Hòa thượng Thiện Chiếu phải mặc y Nam tông để giữ truyền thống nói trên.

Tro cốt thất lạc di ảnh ở chùa Kỳ Quang 2 sẽ được giải quyết ra sao?

Có những người 4 năm không đến thăm tro cốt

Chia sẻ về việc nhận giữ tro cốt tại chùa Giác Ngộ (TP.HCM), thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, chùa bắt đầu nhận giữ tro cốt từ năm 1984.
Tại thời điểm đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ vẫn đang là một chú tiểu trong chùa và là một trong những người được giao nhiệm vụ phụ trách cốt. Khi ấy, các hũ cốt đều được ghi mã số ở trên từng vị trí để cốt. Ở phần đế các hũ cốt đều có mã số bằng loại mực không thể phai màu. Bên cạnh đó còn có sổ bộ viết tay, giao cho một Phật tử quản lý trực tiếp.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ

Ảnh: Fanpage

Bằng cách đó, chùa Giác Ngộ không gặp khó khăn gì trong việc gửi thông báo đến người thân. Đến thời điểm chùa tu sửa, chùa có thông báo qua đài truyền hình, radio, các tờ báo lớn, trên mạng internet để người thân gửi tro cốt ở chùa biết tin và đến.
Nhưng sau nhiều lần gặp vẫn không đủ mặt thân nhân của 5.500 hũ cốt. Để tiện cho việc quản lý và sắp xếp, chùa thuyết phục người thân chuyển lọ cốt với các mẫu mã khác nhau sang lọ cốt hình chữ nhật, gia đình đều hoan hỉ. Nhờ vậy, phần mặt phẳng tiếp xúc rộng hơn, bằng phẳng hơn và việc dán thông tin từng hũ cốt được bảo đảm hơn.
Thời điểm chuyển từ lọ cốt A sang lọ cốt B, người thân cùng với tăng đoàn của chùa đều có mặt, tháo mở ra một cách trang nghiêm trong lời kinh tiếng kệ. Lọ mới nhỏ hơn nên còn dư một phần tro cốt, người thân cùng với chùa thủy táng ở con sông lớn hoặc ở biển.
Cũng trong thời gian chuyển đổi, dữ liệu mã số được nhập vào máy tính nên người thân không nhớ mã số hũ cốt của thân nhân mình thì đến chùa đọc tên, xem ảnh để nhận vị trí thờ.

Chùa Kỳ Quang 2 mở khu vực chứa tro cốt cho người thân xuống nhận diện

Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ: “Lúc này có hơn 1.000 hũ tro cốt không có người đến nhận, chúng tôi phải gửi ở chùa Thiên Tôn thờ cúng giúp. Năm 2016, chùa sửa sang xong chúng tôi thỉnh về lại nhưng có nhiều hũ tro cốt từ đó tới nay vẫn không có người thân đến thăm. Đó là những trường hợp đau lòng. Chúng tôi suy luận có thể người dân đi nước ngoài, đi tỉnh xa hoặc họ cũng quên hẳn luôn, chùa không trách ai, nhưng gửi người thân của mình ở chùa mà không đến thăm viếng là một thiếu sót rất lớn”.
Cũng theo vị Thượng tọa, hiện không có nội quy nào cấm các chùa thu phí việc để tro cốt ở các chùa. Về phương diện tương tác, nhà chùa nào đó làm xong nhà thờ cốt sẽ đưa ra mức phí, có nơi miễn phí 100%, có nơi ra mức phí tối thiểu hoặc miễn phí cho gia đình nghèo.
Riêng tại chùa Giác Ngộ, thời điểm năm 1984 là miễn phí 100%, không có điều kiện gì cho người gửi.
Sau này, mức phí gửi là 300.000 – 500.000 đồng, sau đó lên 1 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, chùa phải mua một căn nhà sát bên chùa để trùng tu thành nhà thờ cốt trang nghiêm, có kính phủ bên ngoài, ổ khóa lại, có camera giám sát nên chùa quy định người để cốt phát tâm 3 triệu đồng.
Việc thu lệ phí tối thiểu khi gửi tro cốt ở chùa là cách để chia sẻ với nhà chùa về chi phí xây dựng, chưa nói chi phí bảo trì. Mức phí ở các chùa gần như rất thấp, ở mức độ các hộ gia đình hoan hỉ gửi được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.