Sau vụ ám sát chấn động, Haiti chìm trong khủng hoảng

09/07/2021 07:00 GMT+7

Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise của Haiti đẩy đất nước này sâu thêm vào vòng xoáy bạo lực, tham nhũng, bất ổn kinh tế và khủng hoảng chính trị.

Thế giới rúng động trước việc Tổng thống Jovenel Moise (53 tuổi) của Haiti bị một nhóm người ám sát tại nhà riêng ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince vào sáng sớm 7.7 (giờ địa phương). Haiti vẫn chưa xác định được thủ phạm và chưa nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, giới chức Haiti đã bắn hạ 4 người, bắt giữ 2 tay súng và đang truy đuổi các nghi phạm còn lại.
Sau vụ ám sát chấn động, Haiti chìm trong khủng hoảng

Tổng thống Jovenel Moise của Haiti

Xã hội bất ổn

Cái chết của Tổng thống Moise càng khiến khủng hoảng thêm trầm trọng tại đất nước nghèo nhất Mỹ Latin với 11,4 triệu dân này. Theo AFP, hơn 3/5 dân số Haiti có mức sống dưới 2 USD/ngày. Đây cũng là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới khi xếp thứ 170/189 về Chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Ngân hàng Thế giới cho biết kinh tế Haiti sụt giảm 3,8% trong năm 2020 và đất nước này đang có số ca mắc Covid-19 tăng vọt.
Theo tờ The New York Times, Haiti là quốc gia duy nhất ở Tây bán cầu chưa nhận được vắc xin Covid-19.

Nhóm 28 nghi phạm ám sát tổng thống Haiti có 2 người Mỹ

Haiti là quốc gia cộng hòa do người da đen lãnh đạo đầu tiên giành độc lập từ tay Pháp năm 1804 sau hơn một thế kỷ làm thuộc địa. Sau đó, Haiti bị Mỹ chiếm đóng giai đoạn 1915 - 1934. Từ năm 1957 - 1986, người dân Haiti trải qua thời kỳ kinh hoàng dưới sự cai trị độc tài của François Duvalier và con trai Jean-Claude Duvalier. Gia tộc Duvalier biến Haiti thành địa ngục trần gian khi liên tục củng cố quyền lực và tàn sát thẳng tay người bất đồng chính kiến. Hiện tại, kinh tế và cơ sở hạ tầng Haiti vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau khi trận động đất thảm khốc năm 2010 san phẳng thủ đô Port-au-Prince và khiến khoảng 300.000 người chết.
Gần đây, các băng nhóm tội phạm gia tăng hoạt động ở Haiti với nhiều vụ tấn công vào cảnh sát, đốt phá nhà dân, bắt cóc đòi tiền chuộc và hành quyết ngay trên đường phố. Theo Liên Hiệp Quốc, 13.000 người Haiti phải rời bỏ nhà cửa ở thủ đô chỉ trong tháng 6 vì lo sợ. Chính phủ Mỹ và những người chỉ trích cho rằng tội phạm lộng hành vì Tổng thống Moise dùng họ để trấn áp đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến nhưng ông bác bỏ mọi cáo buộc.
Ông Moise là một nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi ngay từ khi được bầu làm tổng thống năm 2015 do cáo buộc gian lận. Đến ngày 7.2.2017, ông mới tuyên thệ nhậm chức, gây bất đồng về thời gian nhiệm kỳ của ông kết thúc. Đầu năm nay, người biểu tình và phe đối lập đổ ra đường yêu cầu ông Moise rời ghế. Họ cho rằng nhiệm kỳ 5 năm của ông kết thúc vào ngày 7.2. Tuy nhiên, ông Moise bác bỏ và tuyên bố đến năm 2022, nhiệm kỳ của ông mới chấm dứt, tờ The Washington Post đưa tin.
Vì vấn đề này, chính phủ của ông Moise không tổ chức được các cuộc bầu cử trong khi nhiệm kỳ của quan chức đã hết, khiến bộ máy quản lý khắp Haiti bị bỏ trống. Quốc hội Haiti cũng bị giải tán đầu năm 2020. Suốt một năm qua, ông Moise dùng sắc lệnh hành pháp để lãnh đạo đất nước. Nhà lãnh đạo này cũng đang cố gắng thông qua hiến pháp mới giúp tổng thống có nhiều quyền lực hơn và làm thêm nhiệm kỳ.

Tương lai bất định

Cái chết của ông Moise đã để lại khoảng trống quyền lực lớn tại Haiti. Hiện tại, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph tạm nắm quyền. Tờ The New York Times đưa tin ông Joseph tuyên bố thiết quân luật trong 15 ngày. Theo đó, lực lượng an ninh có thể vào nhà dân và thực hiện biện pháp đặc biệt để “bắt kẻ ám sát tổng thống”. Haiti cũng sẽ tổ chức quốc tang ông Moise trong 2 tuần, từ ngày 8.7.

Tổng thống bị ám sát, người kế nhiệm chết vì Covid-19, Haiti khủng hoảng lãnh đạo

CNN dẫn lời Chủ tịch Hội thẩm phán Jean Wilner Morin của Haiti cho biết với tình hình hiện tại, vẫn chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm ông Moise. Theo Hiến pháp năm 1987 (viết bằng 2 ngôn ngữ chính ở Haiti là tiếng Pháp và Creole Haiti), Chánh án Tòa án tối cao René Sylvestre sẽ kế nhiệm ông Moise. Tuy nhiên, ông Sylvestre vừa qua đời vì Covid-19.
Thật ra từ năm 2012, Hiến pháp Haiti đã được sửa đổi, cho phép Quốc hội bầu ra tổng thống lâm thời. Vấn đề là hiến pháp chỉ được sửa đổi trong tiếng Pháp chứ không phải cả 2 ngôn ngữ chính của nước này. Vì thế, theo The New York Times, Haiti hiện có 2 hiến pháp. Bên cạnh đó, Haiti hiện không có quốc hội và chỉ còn 1/3 Thượng viện tồn tại. Điều này khiến việc xác định người lãnh đạo đất nước sau vụ ám sát là một câu hỏi lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.