Sau TNGT: Nghiêm cấm giữ phương tiện để giải quyết bồi thường khi tài xế không có lỗi

Phan Thương
Phan Thương
22/05/2022 11:20 GMT+7

Theo lãnh đạo Cục CSGT, đối với tai nạn giao thông (TNGT), sau khi xác minh tài xế không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.

Một số trang mạng xã hội đang đề cập đến vấn đề sau TNGT, dù tài xế cũng như phương tiện bị tạm giữ liên quan đến tai nạn được xác định không có lỗi nhưng phương tiện vẫn bị tạm giữ để các bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết “nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại”.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật trong một buổi giao lưu trực tuyến chuyên đề "giảm thiểu TNGT cho trẻ em" do Báo Thanh Niên tổ chức

NGỌC THẮNG

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc công an tạm giữ xe khi xảy ra TNGT nhằm đảm bảo cho việc xác minh các tình tiết làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm, cụ thể về lỗi xảy ra tai nạn, hậu quả của hành vi… nhằm xác định trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự của các bên liên quan.

Vì vậy, việc tạm giữ phương tiện tại hiện trường TNGT sẽ thực hiện theo quy trình tại Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA, rằng không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài và gia hạn đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp nhưng tối đa không quá 60 ngày.

“Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại”, đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh và cho hay đây là quy định tại Thông tư 63, nên không có việc khi tài xế không có lỗi nhưng vẫn bị tạm giữ phương tiện để buộc thỏa thuận bồi thường thiệt hại với bên còn lại.

“Bồi thường thiệt hại là thỏa thuận các bên. Nếu không thỏa thuận được thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa giải quyết theo quy định bộ luật Dân sự”, đại tá Nhật chia sẻ thêm.

Cũng theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, các quy trình trên sẽ được thực hiện đối với TNGT chỉ ở mức độ xử lý hành chính, còn đối với TNGT gây chết người, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc tạm giữ phương tiện sẽ được thực hiện theo quy trình tố tụng tại bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.