Sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

20/09/2022 06:38 GMT+7

Xe container chở sầu riêng lăn bánh từ Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) ngày 19.9 sang Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan ( Trung Quốc ) đã mở màn cho trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Thị trường rộng lớn của trái sầu riêng VN

Sau hơn 4 năm đàm phán và trải qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ với tiêu chí ngặt nghèo, thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi VN xuất khẩu chính ngạch. Trong đợt đầu tiên, hơn 100 tấn sầu riêng được các doanh nghiệp (DN) thu mua, đóng gói tại Đắk Lắk được thông quan nhanh chóng.

Xe sầu riêng đầu tiên của VN di chuyển sang Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) để làm thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc

Phan Hậu

Đại diện DN có lô hàng đầu tiên xuất khẩu vào Trung Quốc, ông Vũ Ngọc Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk), chia sẻ: “Sau nhiều ngày chuẩn bị, chuyến hàng đầu tiên được thông quan thuận lợi ở cả phía VN và Trung Quốc là sự kiện đặc biệt, nhiều cảm xúc. Bắt đầu từ đây, quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường rộng lớn cả về số lượng và có rất đông người tiêu dùng yêu thích loại trái cây này”.

Theo ông Huy, khi DN này khảo sát nhu cầu của thị trường Trung Quốc, thì ngoài ăn trái tươi, sầu riêng được một số nhãn hiệu bánh bao nổi tiếng ở Trung Quốc dùng làm nhân bánh. Bánh bao vị sầu riêng bán rất đắt hàng. Sầu riêng còn được sử dụng để sản xuất đồ uống, bánh kẹo và đưa vào nhiều món ăn khác nhau. “Đối tác của chúng tôi đặt hàng khoảng 500.000 tấn quả tươi/năm, vấn đề bây giờ là tiếp tục mở rộng diện tích và kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc để xuất khẩu được thuận lợi”, ông Huy nói.

“Hải quan Trung Quốc đã thống nhất, trường hợp phát hiện các DN giả mạo, gian lận về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ đình chỉ ngay lập tức, tạm dừng việc thu mua, đóng gói cũng như xuất khẩu của các đơn vị có các hành vi vi phạm mà không cần chờ phía Trung Quốc có văn bản thông báo. Đây sẽ là biện pháp Cục Bảo vệ thực vật kiên quyết áp dụng để bảo vệ nông dân, các nhà vườn, DN làm ăn chân chính cũng là bảo vệ thị trường xuất khẩu bền vững cho trái sầu riêng VN”.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

Trực tiếp sang VN đón hàng lô hàng đầu tiên, ông Lâm Long Đức, Tổng giám đốc Công ty chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc), cho biết người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, rất thích ăn sầu riêng. Nếu so sánh với sầu riêng Malaysia và Thái Lan, chất lượng sầu riêng VN đạt “một chín, một mười”. Mỗi năm, DN của ông Long đang nhập khẩu trên 500.000 tấn sầu riêng tươi từ Thái Lan và Malaysia nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các đối tác phân phối, bán lẻ. “Tôi đã nhiều lần đến thăm, ăn thử sầu riêng ở Đắk Lắk và rất hài lòng với các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của sầu riêng ở đây. Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới có thể nhập khẩu được thật nhiều sầu riêng đưa về Trung Quốc”, ông Đức chia sẻ.

Kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết trong đợt đầu tiên đánh giá, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 26 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tại VN. Tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3.000 ha, chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ bé với với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các DN VN đã có hợp đồng, khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Theo đó, vấn đề kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở sản xuất cho các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sẽ là một thách thức. Mới đây, cơ quan kiểm dịch thực vật tại Lạng Sơn đã ghi nhận một số mã số vùng trồng vườn mới chỉ có quả non hoặc chưa ra quả nhưng đã có sầu riêng đưa lên biên giới.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ được cập nhật bổ sung vào hệ thống giúp các cửa khẩu biết hiện nay đang có những mã số nào được Trung Quốc phê duyệt. Bên cạnh đó, các mã số được cấp cũng được chuyển về cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương để phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Ông Hoàng Trung theo dõi công tác kiểm dịch thực vật đối với xe sầu riêng VN đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc ngày 19.9 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Ông Trung cũng cho biết để chấm dứt việc “cho mượn” mã số để xuất khẩu từng xảy ra trên một số loại trái cây, nông sản khác thì cơ sở sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được Trung Quốc phê duyệt nếu ủy quyền cho các DN khác thì phải làm thủ tục ủy quyền bằng văn bản. Giấy tờ ủy quyền này phải gửi về cơ quan kiểm dịch thực vật vừa để thuận lợi trong kiểm tra, giám sát khi làm thủ tục xuất khẩu, đồng thời giúp các đơn vị bảo vệ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không bị giả mạo, gian lận.

Ông Trung cho rằng chưa có quy định xử lý về hành vi gian lận, giả mạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng vẫn có đầy đủ các biện pháp để xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.