SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi, né miễn dịch

Liên Châu
Liên Châu
02/02/2024 15:00 GMT+7

SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới, gần nhất là biến thể JN.1. Việt Nam cùng các nhà khoa học quốc tế đang có các nghiên cứu đánh giá về biến đổi của virus này.

Đánh giá biến đổi của SARS-CoV-2

Sáng 2.2, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý 1/2024 và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.

Trao đổi tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Tăng cường công tác y tế dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong mùa lễ hội xuân 2024 là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong các tháng đầu năm nay".

Về diễn biến dịch Covid-19, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dẫn nguồn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Biến thể JN.1 (là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron) là biến thể mới nhất ghi nhận, đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Trong nước đã ghi nhận ca bệnh nhiễm JN.1 trong số bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Các đơn vị nghiên cứu duy trì lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân Covid-19, phân lập virus, giải trình tự gen để theo sát những biến đổi của SARS-CoV-2; hợp tác với các nhà khoa học các nước đánh giá về các biến đổi của virus.

WHO đánh giá, bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Trước thực tế biến thể JN.1 đang chiếm ưu thế tại nhiều nước, WHO lưu ý biến thể này có khả năng né miễn dịch, nhưng chưa có bằng chứng về sự tăng nặng so với các biến thể trước đó và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu.

Số mắc SARS-CoV-2 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là ở các quốc gia đang bước vào mùa đông, có thể làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện tại các cơ sở y tế.

Giám sát của WHO cho thấy, số ca nhập mắc Covid-19 nhập viện trong tháng 12.2023 tăng 42% so với tháng trước đó.

Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bệnh truyền nhiễm bùng phát

Bộ Y tế lưu ý, khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Trên phạm vi cả nước, đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi, né miễn dịch- Ảnh 1.

Các nhà khoa học trong nước thực hiện giải trình tự gen, đánh giá biến đổi của SARS-CoV-2

VIỆN VỆ SINH DỊCH TỄ T.Ư

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành và yêu cầu các đơn vị toàn ngành đặc biệt chú ý giám sát và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm: theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam; có các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người.

Thời gian qua, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới, gần nhất là biến thể JN.1.

Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của virus, mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng liên quan hoặc hiệu quả của vắc xin, thuốc điều trị, chẩn đoán, WHO phân các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm; biến thể đáng lo ngại; biến thể được theo dõi và biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số các ca bệnh nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp.

Theo thống kê của hệ thống giám sát dịch trong nước, các tuần gần đây, trung bình ghi nhận 50 - 55 ca mắc Covid-19/tuần. Hầu hết ca bệnh có triệu chứng nhẹ. 90 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.