Sắp thí điểm tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp

Vũ Hân
Vũ Hân
10/10/2020 15:45 GMT+7

Bộ TN-MT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào sản xuất, xây dựng kinh tế và thí điểm tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp.

Nguồn thu từ đất năm 2019 gấp 2,5 lần năm 2015

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo ngày 6.10 của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14 và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13 thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đề cập đến việc thực thi luật Đất đai 2013.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các văn bản liên quan đến đất đai được ban hành trong thời gian qua đã giải quyết tháo gỡ căn bản các nút thắt, khơi thông các điểm nghẽn về đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, giảm thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Qua đó, các văn bản này cũng góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
“Theo đánh giá của doanh nghiệp, chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng bình quân 0,27 điểm/năm trong giai đoạn vừa qua; tình trạng lãng phí đất đai đã được giải quyết (chỉ tính riêng trong năm 2019, xử lý hơn 1.300 dự án với 18.800 ha đất); nguồn thu từ đất tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015; số lượng đơn thư, khiếu kiện đất đai giảm trung bình 9%/năm (nhưng vẫn ở mức cao, chiếm trên 60% tổng đơn thư khiếu nại, tố cáo)”, báo cáo nêu.
Cũng theo ông Hà, hiện nay, Chính phủ đang xem xét để sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai, Nghị định quy định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai để tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Sắp có Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế

Các vấn đề dự kiến được sửa đổi bao gồm:
Thứ nhất là các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tháo gỡ vướng mắc trong xác định các công trình dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; cho phép điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình, nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất để đảm bảo sự linh hoạt trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phù hợp với thu hút đầu tư.
Có quy định xử lý đối với trường hợp đến hết kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; xử lý đối với trường hợp dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư để đảm bảo thống nhất với pháp luật về đầu tư.
Thứ hai là giải quyết vướng mắc trong việc xác định trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (bao gồm miễn một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian sử dụng đất) đối với các lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Thứ ba là việc xác định các dự án, công trình phải áp dụng điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích theo quy định tại điều 58 luật Đất đai; quy định về giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý cho người sử dụng đất liền kề để khai thác hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang lãng phí; quy định xử lý thu hồi đất đối với trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng nhà đầu tư không có quyền chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Thứ tư là hoàn thiện quy định về thoả thuận mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh theo hướng: bỏ quy định về UBND cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước khi nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất để thực hiện các quyền để cải cách thủ tục hành chính...
Thứ năm là hoàn thiện một số nội dung liên quan đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận như: bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình đối với trường hợp được cấp giấy phép tạm xây dựng để bảo đảm quyền lợi cho người dân; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận trong các dự án phát triển nhà ở theo hướng đơn giản giấy tờ, hồ sơ thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư; hoàn thiện quy định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai; bổ sung quy định về việc giao UBND cấp tỉnh quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.
Thứ sáu là hoàn thiện cơ chế, nhất là các cơ chế tài chính cho hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai để nâng cao chất lượng dịch vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thứ bảy là giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận, rút ngắn thời gian giải quyết, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Thứ tám là quy định cụ thể về các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; trình tự thực hiện; trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất trong tập trung, tích tụ đất đai; các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, hiện nay, Bộ TN-MT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và thí điểm tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.