Sao Việt phẫn nộ nạn 'hôi của': Nhặt vài triệu không thể thay đổi cuộc đời

28/02/2021 14:01 GMT+7

Nhiều nghệ sĩ phản ứng gay gắt, lên tiếng chỉ trích hành vi 'hôi của' của một số người. Bên cạnh đó, họ cũng nêu quan điểm về cách xử lý những trường hợp 'chiếm đoạt tài sản' trắng trợn này.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ "hôi của" xảy ra trên đường khiến dư luận bức xúc. Theo đó, chỉ chưa đầy một phút, khổ chủ đã bị hàng loạt người gần đó "tẩu tán" tài sản trong chớp mắt. Điển hình, vụ cô gái mất 30 triệu trong 15 giây tại TP.HCM (xảy ra hôm 28.1); một phụ nữ ở Đồng Nai “mất trắng” 59 triệu chỉ trong 30 giây (xảy ra hôm 26.2)… gây xôn xao dư luận.
Theo camera nhà dân ghi lại, khi nạn nhân làm rơi túi tiền xuống đường, hàng loạt người tranh nhau nhặt, bất chấp sự van xin của người đánh rơi tiền. Thậm chí, những người này còn xúi giục trẻ em thực hiện hành vi xấu xí. Không chỉ nhận về sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng, những hành vi này còn bị giới nghệ sĩ lên án mạnh mẽ.

Phẫn nộ cảnh 'hôi của' 15 giây, lấy sạch 30 triệu của cô gái mang tiền đi trả nợ

Cô gái bị "hôi của" 30 triệu trong 15 giây xảy ra tại phường Tân Hưng, quận 7 (TP.HCM) hôm 28.1 khiến dư luận bức xúc

Ảnh: Chụp màn hình

Biết sai vẫn bất chấp “hôi của”

Chia sẻ với Thanh Niên, MC - Diễn viên Cát Tường không giấu được bức xúc. Cô cho rằng đây là hành vi mang tính “dây chuyền”, bị ảnh hưởng bởi số đông. “Đã nói chuyện hôi của thì không chỉ một vài người mà có rất nhiều người tham gia. Đó là tâm lý chung, vì khi một người nhào vô “hôi của” thì nhiều người khác quan sát, chờ tình thế thuận lợi sẽ lập tức làm theo. Tuy nhiên, không ai chịu chậm lại để nghĩ đến hậu quả của sự việc. Ví dụ người ta làm rơi 50 triệu, nhưng rất nhiều người giành giật nhau thì giỏi lắm mỗi người chỉ được vài ba triệu thôi. Vài ba triệu đó không thể cải thiện hay thay đổi cuộc đời của người đi hôi của đâu. “Của thiên trả địa” thôi, cái gì của người khác mà mình lấy đi, tước đoạt trên sự đau khổ của họ thì bản thân mình cũng sẽ nhanh chóng trả giá”, cô nói.

Cát Tường bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng "hôi của" của một số người thiếu ý thức

Ảnh: FBNV

Là người thường xuyên theo dõi tin tức thời sự, ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài bày tỏ ngán ngẩm khi hay tin. Cô chia sẻ: “Đồng tiền khiến nhiều người mất lý trí và nhân cách. Nhưng đạo lý ở đời cái gì không phải của mình, thuộc về mình thì đừng cố chiếm đoạt. Luật nhân quả mà, nếu mình lấy của người khác thì mình phải trả lại rất nhiều sau này, bằng nhiều cách khác nhau. Xét về luật pháp, đó là hành vi chiếm đoạt tài sản người khác, phải bị xử lý. Về lương tâm, xin mọi người hãy đặt bản thân mình vào hoàn cảnh người bị mất tiền của... sẽ hiểu được tâm lý của họ mà quyết định có nên làm điều đó hay không”.

Vụ “hôi của” 30 triệu: Người đàn ông áo tím chuyển khoản trả 1,5 triệu

Về phía nhà thiết kế Ngô Nhật Huy, anh cho rằng hành vi này vốn xuất phát từ “lòng tham và ý thức của mỗi người”. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy bức xúc vì hành động người đi đường "hôi của" tiền đánh rơi, được truyền thông đưa tin gần đây. Đây là một hành động thiếu văn minh và kém cỏi về ý thức. Chưa kể, họ đã làm ảnh hưởng đến giao thông và cả tính mạng của bản thân và người khác. Sâu thẳm trong con người, ai cũng có lòng tham cả. Nhưng hãy suy nghĩ trước khi hành động, đừng để người khác phán xét về đạo đức, nhân cách của mình cũng như tổn hại đến cuộc sống người khác”.

Nhà thiết kế Ngô Nhật Huy cho biết việc ''hôi của'' là hành vi ''thiếu văn minh và kém cỏi về ý thức''

Ảnh: FBNV

Chia sẻ với Thanh Niên, MC Quốc Bình cho rằng việc làm “kém duyên” trên vốn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết: “Việc hiểu biết về luật pháp và trả lại của rơi không phổ biến lắm. Theo quan niệm chung, nhiều người thấy của rơi thì cứ nhặt. Người dân cũng chưa quan tâm lắm về hình phạt của việc nhặt của rơi không trả. Điều này dẫn đến tình trạng thấy của rơi thì liền nhặt về làm của riêng. Còn trên mạng xã hội, những người phản đối gay gắt là những người có cập nhật thông tin, đầu óc, tư tưởng tiến bộ. Còn những người “hôi của” thì không quan tâm nhiều đến mạng xã hội, tin tức nên không biết đến những chuyện này. Cho nên, có những việc làm sai trái bị dư luận phản ánh gay gắt trên truyền thông thì họ cũng không quan tâm, không hay biết”.

Cần xử lý mạnh tay

Về phía Cindy Thái Tài, cô thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cần xử phạt mạnh tay những trường hợp "hôi của" bất chấp để làm gương, tránh tình trạng trên tái diễn. “Phạt thật nặng. Đây là điều cần thiết để răn đe và giáo dục dân trí. Tôi thấy đạo đức càng ngày càng xuống thấp. Họ coi thường pháp luật, sống thiếu lòng nhân và sẵn sàng ra tay, nhẫn tâm để đạt được mục đích riêng...”, chuyên gia catwalk nêu ý kiến.  

Cindy Thái Tài bày tỏ phẫn nộ trước tình trạng ''hôi của'' bất chấp của một số người

Ảnh: FBNV

Trong khi đó, MC Quốc Bình lại lựa chọn giải pháp nghiêng về khía cạnh giáo dục: “Tôi nghĩ những người “hôi của” không sợ bị phạt, nếu có truy tố thì họ cũng không sợ vì hình phạt không cao. Bây giờ có camera an ninh, camera hành trình trong các phương tiện giao thông ghi hình nên chúng ta mới biết sự việc. Cách cần làm là đánh vào ý thức của người dân, ngay từ việc giáo dục các em nhỏ về việc trả của rơi khi nhặt... sẽ hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, nam MC cũng nói thêm: “Về lý, cần tuyên truyền luật nhiều hơn để người dân ý thức được tầm quan trọng của vấn đề. Về tình, chúng ta cũng nên chia sẻ và lên tiếng để người khác hiểu và đặt bản thân họ vào tình huống bị người khác nhặt tài sản mà không trả lại. Lúc đó, mới biết cảm giác xót của sẽ ra sao”. Chứng kiến nhiều trường hợp nhặt của rơi trả lại, Quốc Bình bày tỏ vui mừng khi những hiện tượng tiêu cực liên quan đến vụ việc gần đây chỉ là số ít. Đồng quan điểm, nhà thiết kế Ngô Nhật Huy cho biết: “Bên cạnh những người có những hành vi không mấy đẹp đẽ vẫn còn vô số những người có lòng trắc ẩn và lương tri khi nhặt của rơi trả lại cho người mất”. 

MC Quốc Bình cho biết nhiều người ''hôi của'' vì thiếu hiểu biết

Ảnh: FBNV

Về phía nghệ sĩ Cát Tường, cô hi vọng khi đứng trước những tình huống cám dỗ bởi tiền bạc, mỗi người nên bình tĩnh, để có cách hành xử văn minh, tử tế. Cô bộc bạch: “Ở góc độ người bị mất của, sau sự cố đó họ có thể sẽ tán gia bại sản. Nhiều khi họ chỉ là người làm công, hoặc đó là số tiền mà họ dành dụm cả đời. Mọi người hãy sống chậm lại một chút. Nói chung, đây là vấn đề cần lên án mạnh mẽ. Nó ảnh hưởng đến phạm trù đạo đức của con người. Đây là hành vi xấu, không thể viện lý nào do nào để bao biện hết. Đó là hành vi suy đồi đạo đức”.
Hành vi "hôi của" bị xử phạt ra sao?
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trường hợp đối tượng "hôi của" tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử lý hành chính theo Điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Cụ thể, theo quy định này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Về mặt hình sự, theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Mặc khác, khung hình phạt tù cao nhất của tội danh trên là 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.