Sao lại không công khai?

10/05/2019 04:48 GMT+7

124/150 dự án bất động sản bị tạm ngưng để rà soát đã được tiếp tục triển khai nhưng lại không công khai danh sách cụ thể vì “tránh tâm lý người dân lo ngại dự án từng bị rà soát, thanh tra” theo giải thích của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khiến nhiều người khó hiểu.

Đầu tiên xét về phía người dân, đối tượng mà TP "tránh tâm lý lo ngại", có thể khẳng định, việc công khai minh bạch dự án nào tiếp tục bị rà soát, dự án nào được triển khai chắc chắn sẽ giúp họ yên tâm hơn nhiều khi mua nhà cửa, đất đai. 124 dự án, tương đương với hàng ngàn, hàng vạn căn hộ, nền đất, đằng sau đó là hàng ngàn, hàng vạn khách hàng giờ "u u minh minh", không biết dự án mình mua trong tình trạng pháp lý thế nào thì làm sao mà an tâm? Còn nhớ những năm qua trên địa bàn TP xảy ra không ít tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người; bán khống dự án... không công khai thì người dân biết đâu mà lần?
Đứng về phía doanh nghiệp, chủ đầu tư nghiêm túc nào không muốn cơ quan có thẩm quyền công bố chính thức việc dự án của mình đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý, được tiếp tục triển khai hoàn thiện?
Đứng ở góc độ chính quyền, hoạt động rà soát, thanh tra, kiểm tra là công khai minh bạch. TP cũng đã từng công khai một loạt dự án tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở để rà soát lại hồ sơ pháp lý chặt chẽ theo quy định pháp luật. Đó là việc làm đúng đắn và cần thiết. Chỉ có điều, công khai việc "đóng băng" rà soát nhưng lại không công khai việc "phá băng" một cách sòng phẳng là hết sức khó hiểu.
Đúng là có tâm lý e ngại với các dự án bị rà soát, nhưng người dân sẽ hoang mang, e ngại hơn nếu không biết dự án nào được phá băng, dự án nào còn đóng băng. Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi các dự án pháp lý đầy đủ lẫn lộn với các hồ sơ chưa chuẩn chỉnh. Lo ngại không cần thiết của TP khiến thị trường bỗng dưng rối ren trong khi tất cả các đối tượng liên quan từ người dân, doanh nghiệp có lẽ không ai cần đến sự "tế nhị, giúp đỡ" này.
Trước đó, chính Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) - tổ chức của các doanh nghiệp trong ngành - đã nhiều lần kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra; nhanh chóng công khai các dự án được tiếp tục triển khai để tháo nút thắt cho thị trường bất động sản cũng như khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bởi tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, đóng băng đã làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, giới cò - đầu nậu dựa vào đó tạo khan hiếm giả, đẩy giá bất động sản tăng cao, ảo.
Hệ quả là cơ hội mua nhà, đất của nhiều người, nhất là những người có thu nhập trung bình, thấp ngày càng xa.
Quan trọng hơn, việc không công khai thế này sẽ khiến môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho cả người dân và doanh nghiệp trên thị trường bất động sản vốn đã tiềm ẩn khá nhiều rủi ro hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.