Sản xuất, xuất khẩu dần khởi sắc trở lại

06/09/2023 06:31 GMT+7

Chỉ số PMI VN tháng 8 vượt ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng; nhiều ngành xuất khẩu vào câu lạc bộ tỉ USD... cho thấy sản xuất - xuất khẩu của VN đang khởi sắc trở lại.

Tín hiệu hồi phục

Vừa xong kỳ nghỉ lễ đầu tháng 9, dự án sản xuất trứng gà của Công ty CP Mebi Farm đang bắt đầu triển khai lắp dựng và hoàn thiện trang trại gà đẻ công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Bà Lâm Thúy Ái, đại diện dự án trên, cho biết: "Những khó khăn từ tình hình thế giới đã khiến dự án "trễ hẹn" một thời gian dài nhưng những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tăng tốc để sớm cung ứng sản phẩm ra thị trường vì tình hình chung đã có tín hiệu hồi phục, chúng tôi từng bước hoàn chỉnh nhà máy để đón đầu sức mua tăng trở lại".

Sản xuất, xuất khẩu dần khởi sắc trở lại  - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng các hội chợ để tìm kiếm bạn hàng

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, thừa nhận Bình Dương đang lo ngại về doanh số giảm khi thị trường xuất khẩu ảm đạm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Ngành gỗ Bình Dương vận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tổ chức các hội chợ trong nước, tham gia hội chợ nước ngoài. Tận dụng những thị trường mà lâu nay ngành gỗ bỏ trống như thị trường Trung Đông. Từ đó sẽ có những đơn hàng, tuy không lớn nhưng đủ để các DN chống chịu trong thời gian này. Đáng mừng là thị trường Mỹ cũng đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.

Xuất siêu đạt đến 20,19 tỉ USD

Theo Tổng cục Thống kê, nhiều chỉ số cho thấy tốc độ tăng trưởng đang phục hồi hơn trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt 4.043.900 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỉ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng xuất siêu đạt đến 20,19 tỉ USD, là con số kỷ lục trong 40 năm qua.

Đối với xuất khẩu thủy sản, tình hình kinh doanh trong tháng 8 đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhận định: "Tới hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản chưa có xu hướng hồi phục rõ ràng, tuy nhiên sang đến tháng 8, kim ngạch thủy sản ước đạt 846 triệu USD, cao hơn hẳn so với những tháng trước. Riêng cá tra đạt khoảng 167 triệu USD, ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Xuất khẩu tôm tuy chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng".

Sản xuất, xuất khẩu dần khởi sắc

Theo đại diện VASEP, các loại hải sản nhập khẩu vào VN để chế biến, gia công cũng đóng góp một phần cho doanh thu ngành hải sản. Cụ thể, trong khi đa số DN đều bị sụt giảm thời gian qua, thì vẫn có những DN đạt doanh số cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ loại hình chế biến này. Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch và an toàn thực phẩm Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) kết thúc chương trình thanh tra một số DN chế biến xuất khẩu cá tra, nhằm đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ. Kết quả thanh tra tích cực đã khẳng định uy tín và chất lượng cá tra VN, đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong những tháng tới.

Sản xuất, xuất khẩu dần khởi sắc trở lại  - Ảnh 3.

Triển vọng tăng trưởng cuối năm

Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) mới nhất của S&P Global cho biết trong tháng 8.2023, ngành sản xuất của VN đã ghi nhận một số dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Do khi nhu cầu phục hồi đã giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. S&P Global nhận định, ngành sản xuất phục hồi trở lại đã phản ánh những dấu hiệu cải thiện của nhu cầu. Cụ thể, các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong vòng 6 tháng trở lại đây, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng là nhẹ khi có một số báo cáo cho thấy nhu cầu còn yếu.

Tương tự, trong khoảng thời gian này, sản lượng ngành sản xuất cũng tăng trưởng trở lại, kết thúc thời kỳ giảm sản lượng kéo dài 5 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ là nhẹ. Trong đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực hàng hóa đầu tư cơ bản có dấu hiệu phục hồi khả quan nhất. Trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng, các công ty đã tăng mạnh hoạt động mua hàng. Báo cáo của S&P Global nhận định, đây là lần tăng đầu tiên trong 6 tháng trở lại đây, các công ty đã tăng mạnh hoạt động mua hàng và được xem mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9.2022. Từ đó, tồn kho hàng mua cũng tăng tháng thứ hai liên tiếp.

Kích cầu tiêu dùng, thu hút khách du lịch quốc tế, giải ngân mạnh vốn đầu tư côngNền kinh tế chưa thể tăng trưởng bứt phá trong những tháng cuối năm nhưng triển vọng sẽ tốt hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhất là thu hút khách du lịch quốc tế. Cùng với đó là giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn từ cơ chế, chính sách đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm có tính lan tỏa cao. Trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nâng cao tỷ lệ vốn thực hiện cũng là giải pháp quan trọng góp phần vào tăng trưởng chung.

TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh khó khăn, các mặt hàng nông, thủy sản tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Bộ NN-PTNT cho biết 8 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 59,69 tỉ USD, nhóm ngành này đang xuất siêu 6,72 tỉ USD. Trong đó, một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng ấn tượng như rau quả 3,45 tỉ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỉ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỉ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỉ USD, tăng 2,3%; sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng 26,1%...

Quỹ đầu tư VinaCapital cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng xuất khẩu của VN. Theo VinaCapital, đang có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi trong quý 4/2023, bởi lượng đơn đặt hàng dần được cải thiện, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang VN...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.