Sản xuất ti vi giảm hơn 40%, nhưng sắt thép, phân bón... tăng vọt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/12/2021 09:43 GMT+7

Báo cáo cập nhật hết tháng 11 của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,6% so cùng kỳ năm ngoái

ng.ng

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II ước tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, thép cán tăng 35,4%; sắt thép thô tăng 10,7%; phân DAP tăng 30,9%; xăng dầu các loại tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,6%...

Tuy nhiên, ngược lại, có một số sản phẩm tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như sản xuất ti vi các loại ước giảm đến 40,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí ước giảm 18,4%; dầu thô ước giảm 5%; bia các loại ước giảm 7,8%...

Báo cáo cho rằng, các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến chế tạo có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: sắt thép các loại, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,8 tỉ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng hơn 37% về lượng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33,6 tỉ USD, tăng 39,8%; gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 13,25 tỉ USD, tăng 20%; hàng dệt và may mặc ước đạt 28,89 tỉ USD, tăng hơn 7%; giày dép các loại ước đạt 15,54 tỉ USD, tăng 3,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 45,05 tỉ USD, tăng gần 12%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 51,97 tỉ USD, tăng 11,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 9,38 tỉ USD, tăng 14,3%; hóa chất ước đạt 2,2 tỉ USD, tăng 39,5%; sản phẩm hóa chất đạt 1,75 tỉ USD, tăng 32,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 4,4 tỉ USD, tăng 34,2%...

Bộ Công thương nhận xét, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất, thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu.

Tuy nhiên, Bộ nhấn mạnh, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp ở trong khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp. Thế nên, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp cũng cao hơn. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong khu đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%, trong khi đó các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp con số này là 83,5% và 65,5%. Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.