Sản xuất tăng tốc

05/07/2022 06:20 GMT+7

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, nhiều công ty đạt mức tăng trưởng 2 chữ số cho thấy bức tranh sản xuất của VN trong 6 tháng đầu năm có nhiều gam màu sáng.

Lợi nhuận tăng đến 80%, xây thêm nhà máy mới

Hôm qua, khi đang có chuyến công tác dài ngày gặp gỡ với khách hàng tại châu Âu sau thời gian dịch Covid-19, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, phấn khởi nói: “Mọi thứ đều tốt hơn năm trước”. Ông chia sẻ kết quả hoạt động của công ty 6 tháng đầu năm nay khá ấn tượng khi doanh thu tăng trưởng đến 40% và lợi nhuận nhảy vọt thêm 80% so với cùng kỳ năm trước. Sau đại dịch, mức tiêu thụ toàn cầu nhìn chung vẫn chưa hồi phục như trước nhưng chủ yếu khó khăn đến với các công ty nhỏ, không có sự đầu tư vào công nghệ hay đa dạng hóa sản phẩm. Trái lại, đó là cơ hội cho các công ty lớn khi nhiều đối tác tìm đến. Không những thị trường xuất khẩu vẫn đang khá tốt, Phúc Sinh còn mạnh tay mở rộng hệ thống chuỗi cà phê tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và đã đạt được 10 cửa hàng. Mục tiêu của công ty là tiến tới đạt con số 20 cửa hàng vào cuối năm nay và tiếp tục kế hoạch mở rộng tiêu thụ sản phẩm cà phê rang xay đến tận tay người tiêu dùng trong nước. Công ty đã tuyển dụng thêm 15% nhân sự ở nhiều bộ phận khác nhau để đáp ứng hoạt động. Dù vậy, ông Thông cũng nhận định, 6 tháng cuối năm sẽ khó hơn, vì vậy doanh nghiệp (DN) sẽ phải bám sát thị trường, tăng hoạt động đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.

Tương tự, Công ty CP thực phẩm Sao Ta công bố thành quả sau 6 tháng hoạt động của năm 2022 gồm doanh thu đạt 118,6 triệu USD, tăng 36% và lợi nhuận ước tính tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hiện công ty đang trong quá trình mở rộng vùng nuôi thêm 270 ha và đến cuối năm 2024 sẽ hoàn tất, khi đó sẽ nâng diện tích nuôi tôm lên gấp đôi so với hiện tại. Song song đó, công ty đang xây dựng thêm nhà máy chế biến tôm có công suất khoảng 15.000 tấn và cũng sẽ đưa vào hoạt động từ quý 4/2022. Từ đó sẽ giúp tổng quy mô hoạt động của công ty tăng thêm gần 15%/năm. Với việc mở rộng hoạt động, Sao Ta đã liên tục tuyển dụng lao động và tăng thêm gần 500 người so với cuối năm 2021. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty, chia sẻ: “Giai đoạn 6 tháng còn lại của năm nay sẽ khó khăn hơn như nguồn cung nguyên liệu có khả năng bị thu hẹp vì nuôi tôm vụ 2 đang bị bất lợi do nước ngọt về sớm. Chi phí logistics tăng do giá dầu tăng và chuỗi cung ứng chưa tái lập hoàn thiện; Lạm phát tác động tâm lý người tiêu dùng, sức cầu không tăng như dự tính hay tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ tranh mạnh thị phần ở Mỹ khiến tôm VN khó cạnh tranh hơn. Dù vậy, với kết quả của 6 tháng đầu năm đã đạt được thì công ty cũng tự tin sẽ đạt được kế hoạch cả năm đã đưa ra”, ông Hồ Quốc Lực nói.

Đơn hàng tăng nhưng vẫn lo chi phí cao

Cũng tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nhưng một số DN đang lo chi phí sẽ ăn mòn lợi nhuận nếu DN không kiểm soát tốt. Đại diện Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 238 tỉ đồng, tăng 11%. Đơn hàng công ty ký đã đạt 60% so với kế hoạch năm 2022. Trong tháng 7 này, DN sẽ hoàn tất thủ tục để mua lại nhà máy sản xuất đồ nội thất tại Đồng Nai có diện tích 12.000 m2 với trị giá 3 triệu USD. Nhà máy mới tập trung sản xuất giường tủ, bàn ghế… xuất khẩu chủ yếu cho thị trường Mỹ và Canada. Với các tín hiệu khả quan từ thị trường trong nước và xuất khẩu, năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu trên 500 tỉ đồng và lợi nhuận phải đạt hơn 94 tỉ đồng, tăng hơn 55% so với năm vừa qua. Tuy nhiên, việc giá nguyên liệu, giá gỗ nguyên liệu gần đây có xu hướng tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, từ đầu năm đến nay, công ty tăng trưởng 15% do lượng đơn hàng tăng. Cụ thể sau 2 năm đại dịch, sức mua trên thị trường bị nén lại, 6 tháng qua, cho dù thế giới nhiều biến động, lạm phát, suy thoái… song sức mua có sự “bùng nổ” đáng kể. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc một mặt gây ảnh hưởng giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, song mặt tích cực là một số khách hàng từng mua hàng từ Trung Quốc đã chuyển lượng đơn hàng sang công ty tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, giá vật liệu mua vào của nhà máy trong 6 tháng qua cũng tăng từ 30 - 50% nên doanh thu tăng tốt mà lợi nhuận nếu không “co kéo” thu chi và giảm mức khấu hao máy móc thiết bị từ 100% xuống 50% thì coi như lỗ. Ông chia sẻ: “May quá, DN vẫn có lãi chút ít bởi cách như tôi nói, tính toán cân đối giảm mức khấu hao thấp nhất. 6 tháng tới thì khó đoán bởi thế giới biến động quá. Trong ngành sản xuất nhựa cao su liên quan chủ yếu đến giá dầu. Giá dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng thì ngành công nghiệp nhựa cao su nếu có tăng về sản lượng, doanh thu, song lợi nhuận năm nay khó tính”.

Theo dự báo của Bộ Công thương, sản xuất và thương mại trong thời gian tới kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của VN ký với các nước được thực thi đầy đủ cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí hy vọng giúp cộng đồng DN, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bộ cũng lưu ý những khó khăn về nguy cơ tiếp tục bị gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục giữ ở mức cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.