Sàn thương mại điện tử thúc đẩy trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

01/09/2022 09:39 GMT+7

Kế hoạch về trung tâm dữ liệu người dùng Việt Nam được đặt ra để phù hợp với các quy định mới về bảo mật thông tin và quyền riêng tư.

Trung tâm dữ liệu (Data Center) được sử dụng để lưu trữ thông tin người dùng và nhiều tập đoàn công nghệ lớn có thể tính tới việc đặt hạ tầng này tại Việt Nam. Đây được cho là động thái mới trong việc đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và cơ sở dữ liệu do chính phủ Việt Nam đặt ra đối với doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Kế hoạch về trung tâm dữ liệu lưu trữ thông tin người dùng tại Việt Nam sẽ phù hợp với các quy định mới của chính phủ

anh qUÂN

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Howard Hao Wang - Giám đốc Công nghệ (CTO) của Tập đoàn Lazada cho biết: "Chúng tôi luôn tôn trọng luật pháp nước sở tại và do vậy, đang phối hợp với các bộ phận, đối tác có liên quan để đưa ra giải pháp đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ khi có cập nhật về các quy định mới".

Theo ông, nhiều quốc gia nơi Lazada hoạt động đều có các quy định về đảm bảo an toàn cho dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng. Trên thế giới, yêu cầu làm chặt về an ninh dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư bắt đầu từ năm 2018 khi châu Âu chính thức áp dụng Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu (GDPR). Tiếp đó, Đông Nam Á cũng áp dụng bộ tiêu chuẩn tương tự có tên PDPC.

Quyền riêng tư và an ninh dữ liệu đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, không chỉ riêng Lazada. Các đơn vị, bất kể quy mô, đều chú trọng tới vấn đề trên, đặc biệt nhóm hoạt động trong lĩnh vực liên quan trực tiếp tới công nghệ, thương mại điện tử. Trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), blockchain... đều đang được khai thác nhằm tăng cường trải nghiệm cho người dùng, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của chính họ.

"Tôi cho rằng AI là công nghệ thành công nhất trong vòng 15 - 20 năm qua. Với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đã ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ khi người mua truy cập sàn thương mại điện tử sẽ được AI giới thiệu sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của họ. Các công cụ AI còn dùng trong phân tích dữ liệu, xu hướng mua hàng để tăng cơ hội kinh doanh cho người bán. Với kho vận, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra lộ trình giao hàng nhanh nhất, tối ưu cả thời gian lẫn chi phí, giảm rủi ro bị hủy đơn hàng. Lợi ích khác có thể kể đến như chống spam, giảm hiện tượng tạo đơn hàng giả để phá rối, rà soát về sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng lên sàn...", CTO Howard đề cập thêm khi nhắc tới các công cụ để bảo vệ dữ liệu người dùng tại sự kiện LazMall Brands Future Forum (BFF) 2022 tổ chức tại Singapore sáng 1.9.

Chia sẻ thêm bên lề sự kiện, ông James Dong - Giám đốc Điều hành (CEO) Lazada Group nhận định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển tại Đông Nam Á và còn nhiều cơ hội tại đây, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã mang tới nhiều sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng.

"Tôi nhận thấy trong 5 năm tới Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực với tốc độ phát triển nhanh chóng như chúng ta từng chứng kiến ở Thái Lan hay Philippines. Các chỉ số dự báo tăng trưởng nội bộ của Lazada đang rất tương đồng với kết quả của các công ty nghiên cứu thị trường liên quan tới Việt Nam", ông James Dong bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.