Sẵn sàng cho tình huống có biến chủng Covid-19 nguy hiểm hơn

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/04/2022 05:49 GMT+7

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn hôm qua (9.4), được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành.

Vắc xin vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình; an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận công tác phòng chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là tốc độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra. Cho nên, một trong những nhiệm vụ quan trọng tới đây là đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…

Bản tin Covid-19 ngày 9.4: Cả nước hơn 10,1 triệu ca | Sẵn sàng ứng phó biến chủng mới

Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2/2022, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới.

Nhấn mạnh vắc xin vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả, Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc trong nước với phương châm “không để bị động, bất ngờ về vắc xin, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp

TTXVN

Cần có phương án ứng phó biến chủng mới

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý phải theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như vi rút có thể thích ứng với vắc xin hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn.

“Phòng, chống dịch cần theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch, giải pháp, chuẩn bị nguồn lực thực hiện chương trình.

Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu để trong tháng 4 báo cáo Chính phủ kịch bản, phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn đi kèm với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê liên quan tới phòng chống dịch bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan.

Không làm xét nghiệm hàng loạt, định kỳ

Ngày 9.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có chỉ đạo các cơ sở y tế phát hiện sớm và chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ. Theo đó, khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám thì phải hỏi kỹ tiền sử tiêm vắc xin Covid-19, nếu chưa tiêm đủ liều thì bệnh viện tư vấn và tiêm cho bệnh nhân.

Song song đó là hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, phát hiện sớm những triệu chứng nghi mắc Covid-19, và khi mắc Covid-19 phải báo ngay cho cơ sở y tế.

Cũng theo Sở Y tế, Bộ Y tế vừa có dự thảo trong vấn đề sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 trong bệnh viện trong tình hình mới.

Theo đó, về sàng lọc, yêu cầu mang khẩu trang, vệ sinh tay, không bắt buộc khai báo y tế; đo thân nhiệt, giữ khoảng cách do bệnh viện chủ động quy định. Về xét nghiệm, không làm xét nghiệm hàng loạt, không làm xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú. Chỉ xét nghiệm đối với người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 sau khi đã được sàng lọc.

Duy Tính

Bộ GD-ĐT được yêu cầu phối hợp Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vắc xin cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý.

Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí an toàn; phối hợp Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch (trong nước và quốc tế) để bảo đảm dịch vụ du lịch thân thiện, an toàn; phối hợp các cơ quan rà soát các chính sách visa, du lịch để phục hồi và phát triển mạnh lĩnh vực này; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games 31 an toàn, hiệu quả, thành công.

Bắt buộc 100% cơ sở tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi phải ký số

Vắc xin tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi về Việt Nam

Ảnh

Úc cam kết viện trợ VN khoảng 13,7 triệu liều vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Facebook ĐSQ Úc

Theo Đại sứ quán Úc tại VN, gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ em đã tới sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vào tối 8.4.

Đây là số vắc xin dành cho trẻ em đầu tiên mà VN nhận được và nằm trong cam kết hỗ trợ vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ Chính phủ Úc. Đợt này, phía Úc đã chuyển giao 921.600 liều vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho trẻ em trong tổng số 13,7 triệu liều mà nước này dành cho VN. Cam kết này bổ sung cho 7,8 triệu liều vắc xin đã được chia sẻ và gói hỗ trợ vắc xin ngừa Covid-19 toàn diện của Úc trị giá 60 triệu AUD cho VN.

Trước đó, Chính phủ Úc cam kết viện trợ VN khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4 và được chia làm 2 đợt.

Đậu Tiến Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.