Sản phẩm khởi nghiệp gợi nhớ bữa cơm gia đình

Lê Thanh
Lê Thanh
25/11/2020 07:03 GMT+7

Dự án khởi nghiệp của một cô gái người miền Tây được yêu thích bởi sản phẩm giúp người dùng nhớ về bữa cơm gia đình.

Cô gái đó là Dương Thị Hồng Chuyên (34 tuổi, ở H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Theo Chuyên, khô cá là một trong những thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa thích, gắn liền trong mỗi bữa cơm gia đình, buổi tiệc; cũng là món ăn gợi nhớ quê hương đối với những người con xa xứ và nghề làm khô cá là một trong những ngành nghề truyền thống.
Tuy nhiên, Chuyên nhìn nhận trên thị trường chủ yếu là khô cá tươi, người tiêu dùng mua về phải chế biến, mất thời gian, không tiện lợi. Chính vì thế, cô nghĩ đến việc khởi nghiệp bằng dự án phát triển dòng sản phẩm tiện lợi từ khô cá.
Sản phẩm được làm từ khô cá lóc, cá chốt, cá cơm... chế biến bằng cách chiên giòn, sau đó rim lại với nước sốt me chua ngọt, không cần chế biến lại và có thể trộn gỏi, rau, dưa hoặc ăn với cơm, cháo... Vị khô chua ngọt vừa ăn, không mặn và tương đối mềm... Sản phẩm đem đến sự tiện lợi, không cần qua chế biến. Hình thức bao bì hiện đại, để trong gói có trọng lượng từ 70 - 150 gr, phù hợp với bữa cơm gia đình hoặc cũng có thể cung cấp cho các quán ăn, thuận tiện cho nhân viên văn phòng, công nhân...
"Đặc biệt, sản phẩm có thể bảo quản lâu, làm quà tặng một cách trang trọng, vận chuyển xa được, dễ dàng gửi cho bạn bè, người thân trong và ngoài nước", Chuyên chia sẻ.
Theo Chuyên, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không tẩm ướp chất bảo quản. Cơ sở sản xuất có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm, công bố sản phẩm, nhãn hiệu độc quyền, có mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đặc biệt, giá bán phù hợp với túi tiền của đa số người dân.
Cũng theo Chuyên, nơi cô sinh sống là H.Tân Hồng, huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp. Đây là địa phương có lượng thủy sản vô cùng phong phú. Người dân nơi đây chủ yếu phát triển ngành nghề khô cá, mắm và nước mắm là chủ yếu.
Tuy nhiên, những sản phẩm chỉ mang tính truyền thống nhỏ lẻ. Chính vì vậy, dự án khởi nghiệp này sẽ là tiền đề nhằm phát huy nguồn lợi của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều mẫu khác biệt, được nhiều người biết đến với số lượng ngày càng nhiều, góp phần quảng bá các loại đặc sản của H.Tân Hồng.
Cô gái người Đồng Tháp này cho rằng dự án khởi nghiệp mà cô đang theo đuổi sẽ góp phần giúp phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Qua đó tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra, dự án phát triển dòng sản phẩm tiện lợi từ khô cá được hình thành chắc hẳn sẽ đem đến giá trị cảm xúc gợi nhớ về bữa cơm gia đình, bữa tiệc đầm ấm, đặc biệt với những người con miền Tây xa xứ.
Chuyên cho biết thời gian tới, từ sản phẩm khô cá lóc rim me, có thể phát triển thêm nhiều loại sản phẩm khác như: cá chốt rim me, cá cơm rim nước mắm, ba khía trộn...
"Tôi sẽ tạo ra những sản phẩm mới, vừa chất lượng, vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Hy vọng sản phẩm này trong thời gian sớm nhất sẽ phủ sóng toàn quốc", Chuyên nói.
Chuyên đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, chi tiết cho việc quảng bá. Đó là sẽ tham gia các phiên hội chợ, giới thiệu sản phẩm địa phương, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm theo hướng nâng dần giá trị sản phẩm theo chuỗi giá trị. Song song đó, cô sẽ chủ động các hình thức truyền thông cho sản phẩm, tuyển đại lý trong - ngoài tỉnh, bán tại các điểm du lịch, trạm dừng chân… để tiếp cận người tiêu dùng.
"Chúng tôi cũng sẽ tham gia các phiên hội chợ, giới thiệu sản phẩm địa phương, nông nghiệp xanh, chợ phiên... và quảng bá, bán sản phẩm trên mạng xã hội...", Chuyên chia sẻ thêm.
Ngoài ra, Chuyên thường xuyên liên lạc với các hộ về thời gian bán cá, giá bán, các tổ hợp tác chăn nuôi... để có thể chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và liên tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.