Sân Mỹ Đình có thể sẽ bị đấu giá

05/07/2022 08:00 GMT+7

Cục thuế Hà Nội sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước đối với sai phạm của Khu liên hợp thể thao quốc gia nhưng tạm thời sẽ xuất hóa đơn lẻ cho đơn vị này.

Nợ hàng trăm tỉ đồng, mới chỉ nộp 47 tỉ

Theo số liệu của Cục thuế Hà Nội, tính đến ngày 29.6.2022, số tiền mà Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) đã nộp vào ngân sách nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là gần 47 tỉ đồng (trong khi tiền nợ thuế lên đến hơn 848 tỉ đồng - PV). Đối với số tiền nợ thuế của khu liên hợp, Cục thuế Hà Nội cho biết đã triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng các quy trình, quy định trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng như theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ. Áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng.

Do ban quản lý không nộp đủ thuế, sân Mỹ Đình sẽ bị kê biên tài sản và có thể đem đấu giá

Đ.Huy

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Anvi, đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội về bản chất thì khó cưỡng chế, nhưng nếu xếp khu liên hợp là loại hình đơn vị nhà nước có thu, doanh nghiệp (DN) nhà nước thì câu chuyện cưỡng chế hóa đơn có thể làm được. Vẫn theo vị luật sư trên, với các vi phạm về thuế, việc xử lý cũng phải công tư phân minh: “Về lý thì sẽ phải đóng cửa khu liên hợp, sân Mỹ Đình. Nhưng ở đây sân vận động là bộ mặt quốc gia, nếu không đóng cửa thì phải tìm ra ai chịu trách nhiệm, đơn vị nào đứng ra giải quyết. Nếu phải xử lý vấn đề tài chính, bán bớt tài sản đi, thu để bù lỗ tính vào tiền phạt… thì cũng cần phải làm nhanh, không nên chần chừ, suy đi, tính lại nữa bởi vấn đề này tồn tại quá nhiều năm rồi. Càng xử lý chậm, càng thêm gánh nặng cho nhà nước, khu liên hợp ngày càng chết”.

Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình nợ thuế gần 850 tỉ, cựu lãnh đạo mới nộp 300 triệu

Gỡ rối bằng cách nào ?

Luật sự Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật, cho biết: “Cưỡng chế hóa đơn là một trong những biện pháp mà cơ quan thuế sẽ áp dụng với các đơn vị kinh doanh nhằm xử lý tình trạng nợ thuế có khả năng thu hồi. Tại Công văn số 1695/TCT-QLN, ban hành ngày 22.4.2016, Tổng cục Thuế quy định các đơn vị kinh doanh bị cưỡng chế hóa đơn được tiếp tục sử dụng từng hóa đơn lẻ khi người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng từng hóa đơn lẻ cho từng lô hàng, hạng mục công trình hoàn thành để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục. Điều kiện để được sử dụng hóa đơn lẻ trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn là người nộp thuế phải có văn bản cam kết; thực hiện nộp ngay toàn bộ số thuế phát sinh trên hóa đơn lẻ; được sử dụng và nộp một phần tiền thuế nợ ít nhất bằng 15% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng. Như vậy, khi bị cưỡng chế hóa đơn, để không bị ngưng trên hoạt động kinh doanh; các DN có thể nộp văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn lẻ. Quy định trên được xem như giải pháp gỡ rối cực hữu ích cho các DN bị cưỡng chế hóa đơn. Do vậy, trong trường hợp này, để có thể thu tiền nhằm trả cho các khoản nợ bao gồm cả nợ thuế thì Khu liên hợp Mỹ Đình có thể thực hiện đề nghị xin được sử dụng hóa đơn lẻ”.

Để kiểm soát việc sử dụng hóa đơn và thu tiền thuế nợ, phía cơ quan thuế cho phép khu liên hợp xuất hóa đơn lẻ theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Như vậy, các hợp đồng ký kết giữa khu liên hợp với một số DN có giá trị hàng tỉ đồng vẫn có thể được tiếp tục thực hiện để khu liên hợp có tiền trang trải các khoản chi hoạt động. Tuy nhiên, khoản nợ thuế hiện tại của khu liên hợp là cực lớn nên những hợp đồng này là không đủ. Do đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ quản để phối hợp đôn đốc thu hồi nợ đọng và đưa ra các giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với khoản nợ lớn tại khu liên hợp.

Tình huống xấu nhất có thể xảy ra

Về vấn đề khác nghiêm trọng hơn là nếu trong vòng 1 năm tới (cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn từ tháng 6.2022 - 6.2023), khu liên hợp không thể trả hết số nợ thuế thì theo các chuyên gia về kinh tế và luật, khu liên hợp sẽ tiếp tục bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoá đơn. Đại diện khu liên hợp cho hay khả năng không trả được nợ thuế là rất cao vì mọi khoản thu nếu có của khu liên hợp là không thể đủ.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình: “Căn cứ điều 31 đến điều 37 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp sau: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Nguyên tắc áp dụng: DN bị áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo khi không áp dụng được các biện pháp trước đó hoặc đã áp dụng mà vẫn không đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế theo quyết định hành chính thuế”.

Theo chuyên gia luật, trong trường hợp khu liên hợp bất lực chi trả, hai công trình thể thao lớn nhất của đơn vị này là sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước đứng trước nguy cơ có thể sẽ được đem ra đấu giá. Một lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ Bộ VH-TT-DL cũng như Tổng cục TDTT đang rất bối rối chưa biết xử lý thế nào nếu tình huống trớ trêu này xảy ra. Nhưng cũng theo quan chức này, hai công trình trọng điểm của khu liên hợp là cơ sở vật chất thuộc quyền quản lý của nhà nước, không thể đấu giá. Do đó, ngành thể thao có thể sẽ phải xin ý kiến Quốc hội về vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.