'Săn' mây thấu kính gây bão mạng xã hội

Giang Phương
Giang Phương
27/11/2022 06:00 GMT+7

Sau khi những bức ảnh mây “đĩa bay” - còn gọi là mây thấu kính - trên núi Bà Đen được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội , nhiều bạn trẻ hào hứng tìm đến Tây Ninh để “săn” mây.

Vượt hơn 100 km về Tây Ninh “săn” mây

Trong 2 ngày (25 - 26.11), sau khi những bức ảnh mây “đĩa bay” trên núi Bà Đen gây bão mạng xã hội, nhiều bạn trẻ hào hứng đến Tây Ninh đi “săn” mây.

Bạn trẻ hào hứng đi “săn” mây thấu kính

Giang Phương

Từ sáng sớm, Nguyễn Trà My (26 tuổi, ngụ tại TP.Tây Ninh) háo hức đi tìm những góc ảnh đẹp để săn mây trên đỉnh núi Bà Đen. My chia sẻ: “Sau khi nhìn thấy những bức ảnh mây thấu kính ở núi Bà Đen gây bão mạng những ngày qua, mình rất muốn được nhìn thấy ngoài đời thực và được chụp ảnh cùng với cảnh tượng thiên nhiên đẹp mắt này”.

Tương tự, Trần Thị Bích Ngọc (27 tuổi, ngụ P.4, Q.8, TP.HCM) cùng nhóm bạn cũng vượt quãng đường hơn 100 km để về Tây Ninh “săn” mây. Bích Ngọc hớn hở nói: “Dù biết là không phải cứ đi là sẽ gặp được hiện tượng kỳ thú này nhưng nếu không đi thì chắc chắn sẽ không có cơ hội nhìn thấy”.

Hình ảnh mây thấu kính thu hút nhiều người trẻ những ngày qua

Trong 2 ngày qua, hiện tượng mây thấu kính nhỏ, không đẹp mắt như ngày trước đó. Thế nhưng, Bích Ngọc khẳng định không tiếc về chuyến đi xa và hứa hẹn sớm trở lại Tây Ninh để “săn” bằng được cảnh mây độc lạ. Bởi theo Bích Ngọc, cái gì ly kỳ, hiếm có thì sẽ khó bắt gặp.

Trong khi đó, Nguyễn Thành Tuấn (28 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Tây Ninh) thì chia sẻ: “Dù mây không đẹp được như hôm qua nhưng thật tuyệt vời khi mình vẫn kịp bắt gặp khoảnh khắc mây “đĩa bay” nho nhỏ và xinh xinh hôm nay trên đỉnh núi. Thế này vẫn may mắn rồi”.

Chúng tôi cũng bắt gặp anh Nguyễn Thanh Lâm (ngụ xã Thạnh Bình, H.Tân Biên) trong chuyến đi “săn” mây thấu kính ven chân núi Bà Đen. Anh Lâm kể anh cũng đã vượt quãng đường gần 60 km để về núi Bà Đen sau khi nhìn thấy những bức ảnh mây “đĩa bay” trên mạng xã hội. Anh Lâm hào hứng nói: “Mình là dân nhiếp ảnh nên vừa hay tin ở ngay quê mình có hiện tượng đẹp, hiếm thấy thì đâu thể làm ngơ ngồi nhà được”.

Thế nên, từ 4 giờ 30 sáng ngày 25.11, anh vác theo máy ảnh cùng chiếc xe gắn máy đi tìm những góc ảnh đẹp hướng về núi, đường dẫn đẹp, không vướng vật cản… và chờ “săn” mây. Đúng 6 giờ sáng, sau khi thử nhiều vị trí, anh cũng chọn được một góc ảnh có hồ nước ven chân núi và “săn” được một vài tấm ảnh mây thấu kính nho nhỏ trên đỉnh núi Bà Đen.

Anh Lâm cho biết bản thân anh cũng không thấy tiếc nuối bởi mỗi thời khắc sẽ có những hình tượng độc đáo riêng, cộng với thời tiết tốt cũng sẽ tạo ra màu sắc đẹp cho từng bức ảnh. Đó cũng là động lực cho những chuyến đi sau của anh.

Giải mã hiện tượng ‘mây đĩa bay’ siêu hiếm bao phủ đỉnh núi Bà Đen

Không dám tin ảnh mình được chia sẻ khắp cả nước

Trước đó, vào sáng sớm 24.11, hình ảnh đám mây tròn xoe khổng lồ nhìn rất đẹp mắt trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh được chia sẻ rần rần khắp các trang mạng xã hội.

Một trong những người “săn” được ảnh mây “đĩa bay” đầu tiên gây bão mạng là anh Đỗ Vinh Quan (36 tuổi, ngụ KP.1. P.2, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Quan hào hứng kể chuyện “săn” mây độc đáo của mình: “Chứng kiến cảnh mây đẹp quá nên tôi lấy điện thoại ra chụp lại rồi chia sẻ lên trang Facebook cá nhân cho bạn bè xem. Không ngờ những bức ảnh lại gây bão mạng. Thậm chí, tôi còn không dám tin ảnh của mình được chia sẻ khắp cả nước”.

Anh Quan kể chiều 23.11, khi từ rẫy ở núi Bà Đen về nhà, anh đã thấy mây tụ nhiều trên đỉnh núi nên cũng lấy điện thoại ra chụp vài tấm. Nhưng đến sáng sớm hôm sau, khi trên đường lên rẫy thì anh đã vô cùng thích thú khi chứng kiến hiện tượng tự nhiên lạ mắt, đó là một đám mây tròn xoe nằm gọn giữa đỉnh núi Bà Đen. Anh chụp lại vài tấm bằng điện thoại rồi chia sẻ lên mạng xã hội khoe với mọi người và bất ngờ “gây bão” mạng.

Bỗng dưng thành người nổi tiếng, anh được người dân khắp nơi gọi điện, nhắn tin tới tấp hỏi thăm để biết đường đi “săn” mây. Anh Quan cho biết: “Tôi thật may mắn khi mình có thể chứng kiến cảnh đẹp thú vị này”.

Theo người dân địa phương, thỉnh thoảng họ cũng chứng kiến hiện tượng đám mây tròn như thế này. Tuy nhiên, đám mây này rất lớn mà lần đầu tiên người dân chứng kiến được.

Mây thấu kính vì đâu mà có?

Ngay sau khi hình ảnh mây “đĩa bay” lan truyền trên mạng xã hội, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn), chuyên gia về biến đổi khí hậu, cũng chia sẻ lại hình ảnh này cùng những lý giải chi tiết về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên núi Bà Đen.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, mây thấu kính là một loại mây hiếm gặp, được hình thành ở tầng đối lưu và cực kỳ đặc biệt. Tiến sĩ Huy lý giải điều kiện để hình thành mây thấu kính là có một dòng không khí khô mà lạnh di chuyển theo phương ngang song song mặt đất đi vào một khu vực có dòng không khí nóng ẩm đang bốc hơi ổn định từ một quả núi hay đồi. Khi lớp không khí ẩm tại quả núi bị đẩy lên cao gặp khối không khí khô và lạnh đi vào từ gió ngang thì nó ngưng tụ lại thành những đĩa mây chồng lên nhau. Núi Bà Đen tròn như một giá thể để hai khối không khí tương tác và xoáy quanh nó tạo thành đĩa mây thấu kính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.