Sân khấu TP.HCM nỗ lực dự liên hoan kịch nói toàn quốc

23/12/2021 07:00 GMT+7

Sau 2 năm gần như “tê liệt” vì dịch bệnh, sân khấu TP.HCM đang nỗ lực để chuẩn bị cho Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP này.

Liên hoan đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho biết thời điểm tổ chức Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM đã được chọn là 3.1.2022. “Chúng tôi gọi đây là Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM chứ không gọi là liên hoan khu vực”, ông Dương nói.

Trước đó, các đoàn kịch ở TP này đã không thể tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tổ chức tại TP.Hải Phòng do việc đi lại quá khó khăn tốn kém. Dự kiến tổ chức thi trực tuyến của Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng không thể thực hiện do có quá nhiều ý kiến phản đối vì lo ảnh hưởng chất lượng vở diễn. Hiện có khoảng 26 vở diễn tham dự liên hoan.

Vở Công lý như mặt trời của sân khấu 5B

H.K

Theo dự kiến, các vở kịch sẽ diễn tại địa điểm quen thuộc của từng đơn vị. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi, thu hút các đơn vị sân khấu tham gia. NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, nói: “Tiền đâu mà chúng tôi ra tới Hà Nội dự thi. Sân khấu xã hội hóa 2 năm khổ sở, giờ lên sàn tập là mừng lắm rồi, nếu đi xa thì chúng tôi bỏ cuộc”.

Đạo diễn Ái Như lần đầu cho sân khấu Hoàng Thái Thanh đi thi. Bà cho biết: “Thật lòng chúng tôi không nghĩ tới huy chương gì đâu, mà vì lâu quá không gặp khán giả, nhớ nhung chịu không nổi, giờ chỉ cần bước lên rạp là anh em có sức sống, phấn khích, hâm nóng lửa nghề”.

NSND Hoàng Yến, Giám đốc Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM, tâm sự: “Nghệ sĩ chúng tôi 2 năm chịu đựng dịch, ảnh hưởng về kinh tế lẫn sức khỏe, tâm lý, nhưng mọi người cố gắng xốc dậy, coi như có một cú hích để mình nỗ lực. Thắng thua không quan trọng bằng gặp lại nhau, cùng truyền năng lượng cho nhau”.

Ông Trần Hướng Dương cho biết thành phần ban giám khảo sẽ đa dạng. Trong đó có cả giám khảo miền Nam lẫn miền Bắc, có cả người thuộc hệ thống sân khấu công lập lẫn ngoài công lập. “Sẽ có ít nhất một nửa giám khảo vừa chấm Liên hoan kịch nói toàn quốc diễn ra tại TP.Hải Phòng vào chấm thi lần này”, ông Dương nói.

Những giám khảo này, theo ông Dương, cũng sẽ cân đối chất lượng khi chấm. Có nghĩa là số lượng huy chương cho vở diễn và diễn viên vẫn phải tuân thủ quy định không vượt quá 35% tổng số vở diễn và diễn viên tham gia. Tuy nhiên, ông Dương cho biết ban tổ chức sẽ cân nhắc giải thưởng trên cơ sở chất lượng nghệ thuật. Có nghĩa là lượng huy chương có thể ít đi so với tỷ lệ 35%. Các huy chương này được tính để xét các danh hiệu, các giải thưởng nhà nước.

“Không khí chuẩn bị vở rất tốt”

Một số vở trong liên hoan tới đây chỉ vừa ra đời trên cảm hứng từ cuộc sống thực tế qua cơn đại dịch, như Blouse trắng (sân khấu Trịnh Kim Chi). Vở làm khá hoành tráng, tạo bối cảnh một bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, quy tụ gần 40 diễn viên trong vai bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân… và nhiều trang thiết bị y tế khác, khá tốn kém kinh phí. NSƯT Trịnh Kim Chi có số lượng học trò rất đông nên thừa sức chọn người.

Đạo diễn Nguyên Đạt thì dựng vở Thiên sứ cho Công ty nghệ thuật Nam Phong, cũng nói về những người đã xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Vở Thử thách thần chết của Công ty nghệ thuật Gia Bảo đề cao một lớp trẻ đã lấy trái tim mình chiến đấu với thần chết.

Một số vở khác như: Ngôi nhà trên thuyền, Ngã rẽ (sân khấu Phú Nhuận) thì NSND Hồng Vân chủ yếu dành đất diễn cho thế hệ diễn viên trẻ như Lê Lộc, Hoàng Thy, Xuân Trang, Hòa Hiệp, Tuấn Dũng… hy vọng họ được giải sau nhiều năm cống hiến. Đạo diễn Nguyên Đạt dựng thêm Chuyện làng (Hội Sân khấu TP.HCM) thể loại dân gian, Mảnh vỡ (sân khấu Sen Việt) thể loại tâm lý xã hội.

Còn lại đa số là vở cũ nhưng đã được thẩm định qua nhiều suất biểu diễn thành công. Chẳng hạn, Sài Gòn có một ngã tư, Bạch Hải Đường (Hoàng Thái Thanh); Tình lá diêu bông, Công lý như mặt trời (5B), Ngược gió (sân khấu Thế giới trẻ - Sài Gòn Phẳng); Mưa bóng mây (Công ty nghệ thuật biểu diễn Hero của NSƯT Ngọc Trinh và đạo diễn Ngọc Hùng) đều là kịch tâm lý xã hội; và duy nhất vở Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế giới Trẻ) thuộc thể loại kịch lịch sử.

Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết các đoàn muốn tổ chức liên hoan vào tháng 3.2022 để kịp chuẩn bị. Tuy nhiên, việc tổ chức tháng 1 cũng không khiến các đoàn bỏ cuộc. “Thời gian như thế thì phải nỗ lực rất lớn. Không khí chuẩn bị vở rất tốt”, ông Giàu nói. Về việc liệu tổ chức gấp có ảnh hưởng chất lượng vở diễn không, ông Giàu cho rằng ảnh hưởng nếu có cũng không lớn, vì các nghệ sĩ đều đang rất cố gắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.