Sân khấu náo nức đón xuân

Hoàng Kim
Hoàng Kim
27/01/2022 06:23 GMT+7

Sau 2 năm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 , tết năm nay các sân khấu TP.HCM vui mừng khi được hoạt động trở lại.

Những vở diễn hấp dẫn nhất đã được chuẩn bị để “chiêu đãi” khán giả dù khó khăn vẫn còn đó.

Cứ diễn đã, mọi thứ tính sau

Khó khăn ở đây là tâm lý một số khán giả vẫn lo lắng khi đến chỗ đông người, cho nên một số đơn vị chọn hình thức giãn cách, chỉ bán vé nửa rạp, khán giả ngồi cách ghế. Như vậy trung bình mỗi rạp khoảng 400 ghế chỉ bán được 200 vé, lời lãi không nhiều, có thể nói là huề vốn trong đêm thôi (thuê rạp, điện nước, cát sê nghệ sĩ, công nhân, hậu đài, âm thanh, ánh sáng...), hoặc bù lỗ một phần nào đó.

Vở cải lương Nhật thực, Sân khấu Sen Việt

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF, nói: “Giờ này mà còn tính lời lỗ gì nữa. Có mở màn cho anh em hoạt động là mừng lắm rồi. Lỗ một tí cũng bù được, còn hơn đóng cửa”. Đạo diễn Ái Như, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, cho rằng: “Quan trọng là phải giữ lửa nghề cho nghệ sĩ, chứ xa sân khấu lâu mọi thứ sẽ lễnh loãng, nhạt phai. Thật sự là nghệ sĩ chúng tôi nhớ sân khấu như điên, cứ diễn trước đã, mọi thứ tính sau. Vé bán cũng không ồ ạt nhưng cũng có hy vọng”. Riêng “bà bầu” Hồng Vân thì hớn hở báo tin: “Trước liên hoan chúng tôi đã bán vé rồi, và bán rất chạy. Nhất là 2 vở tham dự liên hoan, chưa biết thắng thua thế nào nhưng khán giả đã mua vé”.

Vở Ngôi nhà trên thuyền, Sân khấu Phú Nhuận

H.K

Khó khăn nữa là không kịp thời gian dựng kịch tết nên nhiều đơn vị lấy vở cũ ra diễn lại. Nói là cũ chứ thực ra mới dựng năm rồi và chỉ diễn vài suất đã nghỉ dịch nên tính ra vẫn mới toanh. Chẳng hạn Bạch Hải Đường (Hoàng Thái Thanh), Rồi mắc cái gì cười, Đẹp lắm nha (Sân khấu 5B), Ngược gió, Cuộc chiến sắc đẹp (Sân khấu Thế Giới Trẻ)... Một số vở cũ hơn nhưng từng ăn khách cũng được diễn lại như Sài Gòn có một ngã tư, Bao giờ sông cạn, Nửa đời ngơ ngác (Hoàng Thái Thanh), Ngũ quý kỳ phùng, Cậu đồng (IDECAF), Người vợ ma, Ma nữ không chồng, Thân sâu hồn bướm (Sân khấu Phú Nhuận), Bao giờ mẹ lấy chồng, Lò võ tiếu lâm (Sân khấu Thế Giới Trẻ), Tía ơi con lấy chồng, Tin thì linh, không tin cũng linh (Sân khấu 5B).

Quan trọng là phải giữ lửa nghề cho nghệ sĩ, chứ xa sân khấu lâu mọi thứ sẽ lễnh loãng, nhạt phai. Thật sự là nghệ sĩ chúng tôi nhớ sân khấu như điên, cứ diễn trước đã, mọi thứ tính sau.

Đạo diễn Ái Như (Sân khấu Hoàng Thái Thanh)

Đặc biệt, vài đơn vị dựng vở mới tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc thì sẵn đó lấy ra diễn, cũng có chút khí thế. Sân khấu Hồng Vân có Ngã rẽ, Ngôi nhà trên thuyền, Sân khấu Sen Việt có Mảnh vỡ, Chuyện làng và dựng thêm chương trình tổng hợp Nghệ sĩ mừng xuân. 5B dựng chùm hài kịch mới Sướng quá xuân.

Đặc biệt vở Khóc giữa trời xanh của Công ty Sử Việt mới toanh và lộng lẫy thì “ông bầu” Sĩ Hoàng hẹn sau tết, chứ “đầu năm người ta kiêng chữ khóc lóc, ai đi coi!”. Còn NSND Hoàng Yến, Giám đốc Nhà hát Thế Giới Trẻ, vừa có vở Thành Thăng Long thuở ấy đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc, cho biết: “Khán giả yêu mến vở này, muốn xem, nhưng chúng tôi không có rạp để diễn. Đành khất lại sau rằm, đã có mấy trường trung học đặt suất rồi. Khán giả chính của chúng tôi là học sinh nên cứ chờ nhập học đã”.

Cải lương khả quan

Năm nay tuy không thấy vở hoành tráng kiểu như Nàng Xê Đa nhưng cải lương vẫn có nhiều tác phẩm cho khán giả thỏa mãn. Nhà hát Trần Hữu Trang Đứa con họ Triệu, Tiếng trống Mê Linh, đoàn Vũ Luân có Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Dương Quý Phi (đều diễn tại nhà hát này). Nhóm Chí Linh - Vân Hà thì chọn Nhà hát TP.HCM diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Đoàn Huỳnh Long tái ngộ khán giả tại rạp Hồng Liên với vở Mạnh Lệ Quân. Và Sân khấu Sen Việt làm mới vở Nhật thực để diễn tại lầu 2 Hội Sân khấu TP.HCM.

Nhìn chung, vẫn là những vở cũ, nhưng đều nổi tiếng với nhiều thế hệ nghệ sĩ, nên giờ tái diễn khán giả vẫn thích. Nhất là đoàn Huỳnh Long, nghệ sĩ Bình Tinh cho biết vé của suất mùng 8, mùng 9 đã hết sạch. Nhóm Chí Linh - Vân Hà cũng bán gần sạch vé.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.