Sân chơi không chuyên nghiệp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/12/2020 08:23 GMT+7

Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, người có bức sơn mài bị cào tới 5 vết tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020, cho biết ông sẽ không tham gia kỳ triển lãm tới nữa. Nữ họa sĩ Trần Thu cũng có quyết định tương tự.

Tác phẩm của bà là một dạng vật thể sáng, cần cắm điện để sáng từ bên trong, lại bị bố trí rất xa ổ điện. Suốt triển lãm, sợi dây cắm điện từ tranh cứ lòng thòng như một trò đùa. Nó cũng cho thấy triển lãm này không hề có thiết kế trưng bày. Điều đó cũng dẫn đến ban tổ chức không hề biết việc mất tác phẩm.
Có nhiều tác giả chia sẻ mình sẽ dừng cuộc chơi trên sân Triển lãm mỹ thuật Việt Nam từ sau triển lãm này. Sự thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức, dẫn đến xước, vỡ, mất tác phẩm khiến họ thấy mình không được tôn trọng. Ứng xử với tác giả có tác phẩm “bị thương” cũng khiến họ khó vui.
Chẳng hạn, ông Phạm Hùng Anh, tác giả bị mất tranh, cho biết tới giờ ông chưa hề nhận được văn bản chính thức nào của ban tổ chức. Mượn lại tác phẩm đã bán cho người yêu tranh để mang đi triển lãm, giờ đây tranh mất, ông Hùng Anh hiện đang ở thế vô cùng kẹt.
Bộ VH-TT-DL sau nhiều năm vẫn không thể có một địa điểm triển lãm với thiết kế ánh sáng, hệ khung dây treo tranh, diện tích đảm bảo triển lãm mỹ thuật toàn quốc có chất lượng. Đã vậy, cách thi công lại cẩu thả. Điều đáng ngạc nhiên, ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, biết rằng cách tổ chức như vậy sẽ gây xước tác phẩm, nhưng vẫn tiếp tục để cách đó xảy ra. “Tôi không dám thay đổi”, ông Thế Anh nói tại buổi họp báo trước triển lãm.
Triển lãm mỹ thuật Việt Nam là một sân chơi để nghệ sĩ tạo hình có cơ hội xem tác phẩm, giới thiệu tác phẩm của mình. Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức đã đẩy Triển lãm mỹ thuật Việt Nam tới đây vào nguy cơ bị nhiều nghệ sĩ quay lưng để giữ an toàn cho tác phẩm.
Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn chất lượng cũng như độ lan tỏa của sân chơi văn hóa nghệ thuật này sẽ sụt giảm đáng kể. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam “có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc” mà Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đặt ra.
Tổ chức Triển lãm mỹ thuật Việt Nam là một chủ trương đúng để tạo sân chơi cho nghệ sĩ tạo hình trong cả nước. Việc tổ chức triển lãm 3 năm/lần thay vì 5 năm/lần trước đây cũng là để đáp ứng mong muốn học hỏi, giao lưu chính đáng của nghệ sĩ. Kinh phí tổ chức tiền tỉ của triển lãm hiện lấy từ ngân sách nhà nước. Tiền đền bù tác phẩm hư hại có khả năng cũng sẽ lấy từ nguồn này.
Chính vì thế, ngành văn hóa cần xem lại cách tổ chức triển lãm cho phù hợp hơn. Chỉ có cách đó, uy tín của một hoạt động, một sân chơi do nhà nước tổ chức mới được nâng lên trong lòng các nghệ sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.