Sám hối trước Đại tăng, hiểu thế nào cho đúng?

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
31/03/2019 22:00 GMT+7

Tại sao sám hối là then chốt của sự tu hành? Thanh Niên đã có buổi phỏng vấn Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó tổng biên tập báo Giác Ngộ , Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học.

* Trước tiên xin Hòa thượng chia sẻ về ý nghĩa của việc sám hối trong đạo Phật?

- Hòa thượng Thích Giác Toàn: Pháp sám hối trong đạo phật, tất cả trong chùa từ xưa đến nay thường làm trong tháng thì các ngày rằm, 30 đều có Pháp sám hối và nghi sám hối cho tăng ni và phật tử. Sáng 30 hay hành lễ Bồ Tát sám hối. Các chư Tăng trong chùa ở các viện tập hợp hết cùng cử hành Pháp sám hối cho nhau. Để tự mình thanh lọc các nghiệp tội, hành trì thiệt nhẹ nhàng trong nửa tháng tu tập. Quanh năm và cả cuộc đời như vậy. Chứ không phải đợi đến có việc gì rồi mới sám hối.

Trong lịch sử phật pháp Việt Nam, có vua Trần Thái Tông, vị vua Thiền sư đầu đời Trần, khi lên núi định xuất gia. Sau đó, Quốc sư Phù Vân khuyên vua: “Đã là bậc minh quân thì nên lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Cho nên đã làm vua thì phải về lo việc nước, việc dân cho thật tốt. Giờ phút rảnh rỗi thì để tâm chuyên nghiên cứu kinh Phật. Tu như vậy thì tốt hơn”. Vua Trần Thái Tông quay trở lại lo việc dân việc nước. Nhưng rồi Ngài có soạn bộ sách bây giờ vẫn còn lưu lại là “Khóa hư lục”, nghĩa là lục thời sám hối khoa nghi có 6 thời để sám hối. Vua tự viết ra, dựa vào kinh điển Phật để Ngài tự sám hối. Sám hối cho thật kỹ thì sám hối 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Mình nghe vậy mình ngạc nhiên, vậy mắt mình, tai mình tạo tội gì? Có nhiều người giận ai mình liếc một cái người ta muốn “chết”, còn bén hơn lưỡi kiếm nữa. Lỗ tai mình nghe mình thêm bớt là cũng khổ rồi... Nên vua Trần Thái Tông mới nghĩ để mình tu tốt nhất thì có 6 thời công phu để sám hối. Còn Tổ Sư Huệ Năng thì Ngài chủ trương sám hối tự tánh, tự kiểm soát 3 nghiệp của mình từ nhiều đời nhiều kiếp rồi tự mình thanh lọc sám hối. Tự mình khởi phát sám hối.

Hòa Thượng Thích Giác Toàn Ảnh: Hoàng Thắng

* Thưa Hòa thượng, ý nghĩa quan trọng nhất của việc sám hối là gì?

- Sám hối là để tự nhận lỗi và sửa lỗi, mục tiêu là vậy thôi. Trong nhà phật mình gọi sám hối gọi là “Sám kỳ tiền khiên, hối kỳ hậu quá”, tức mình ăn năn lỗi trước để chừa bỏ lỗi sau. Dùng tâm thành kính, quỳ lạy trước Phật, bồ tát, sư trưởng, đại chúng nói ra hết không giấu diếm, nói ra hết các tội mình lỡ phạm. Cái chính là thật tâm chí thành bày tỏ ăn năn hối hận, để sám hối để người khác hoan hỉ tha lỗi cho mình. Tương ứng với ngoài đời, trong gia đình khi mình có lỗi thì mình xin lỗi. Đó là hình thức xin lỗi, nhưng ở đây trang nghiêm hơn gọi là sám hối. Chính mình cảm thấy mình có lỗi với tập thể, tổ chức, thì mình quỳ trước tập thể, tổ chức để mình chân thành sám hối, mình xin lỗi, sửa lỗi.

* Hình thức phạt sám hối trước Đại Tăng, hình thức đó có ý nghĩa gì? Tầm quan trọng đối với một vị Thầy khi đối diện với hình phạt đó?

- Sám hối không gọi là phạt. Các chư tăng, Hòa thượng lớn mà biết mình có lỗi thì quỳ trước Phật mình xin sám hối. Còn Đại Tăng là khi nào mình sống chung với công chúng, chùa mình có những vị lớn, nhỏ, trên thì có những vị Hòa Thượng, Tôn Đức, Thượng Tọa, Đại Đức… số đông thì gọi là Đại Tăng. Để khi mình có lỗi thì mình quỳ trước Đại Tăng thành kính, bộc bạch những gì mình nghĩ là mình biết có lỗi và mình xin các vị từ bi hỷ xả tha lỗi cho mình. Rồi mình chí thành đảnh lễ nhận lỗi, sám hối. Gọi là sám hối trước Đại Tăng.

* Với Phật giáo VN, khi nào thì áp dụng hình phạt sám hối trước đại Tăng?

- Khi có lỗi, ít nhiều tùy cái sự việc. Các vị có trách nhiệm thì mới khuyên những vị có lỗi nên đến trước Đại Tăng hoặc đến trước một số vị có trách nhiệm trực tiếp với mình để xin sám hối. Ví dụ mình ở trong quận có 10 chùa, 1 tỉnh có 30 chùa, thì các vị Hòa Thượng thượng Tọa chính các bậc hòa thượng lớn trong quận, trong tỉnh, họ chứng minh cho mình sám hối.

* Trong kinh điểm của Đức Phật, có bậc Thầy nào sám hối trước Đại Tăng không?

- Nhắc đến Thầy chợt nhớ liền Đức Phật có một hôm dạy cho Ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất là đệ tử trí tuệ đệ nhất trong 10 vị đệ tử lỗi lạc, giỏi nhất của Đức Phật. Có một hôm Ngài vừa đi qua mùa an cư, lễ Đức Phật, đi hành đạo xứ khác. Ngài vừa rời khỏi tịnh xá thì có một vị tăng trẻ hơn thưa với Đức Phật rằng Ngài Xá Lợi Phất ỷ lớn đi ngang con còn đánh con cái rồi mới đi. Đức Phật biết là Xá Lợi Phất không bao giờ đánh ai, vậy mà vị tăng này lại vu oan cho Xá Lợi Phất. Nên Đức Phật cho mời Ngài Xá Lợi Phất trở lại để đối diện trước Đức Phật và vị tăng này. Khi đối diện trước Đức Phật thì vị tăng này buộc lỗi Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Xá Lợi Phất mới bộc bạch: “Bạch Đức Thế tôn, con coi thân con như đất, như nước, như lửa, như gió. Ai muốn coi con như thế nào cũng được hết. Đất ai muốn đem thờ cũng được, còn ai muốn chà đạp lên cũng được. Con coi thân con cũng giống như vậy nên con không dám đụng chạm gì ai hết. Con coi con như cái đồ lau, ai muốn dùng nó lau bụi bặm… con cũng hoan hỉ. Con coi con như cây chổi, quét dọn đồ dơ con cũng chấp nhận. Con coi thân con như chén mỡ đặc, hay như đầu con bò bị rụng sừng nên con không dám đụng chạm ai hết. Bạch Đức Thế Tôn chứng minh cho con. Khi đó Đại chúng đã tụ tập lại để nghe. Thì Xá Lợi Phất mới chân thành thưa với Đức Phật và Đức Phật cũng chứng minh. Đó là một trong những buổi sám hối, đơn giản, nhanh mà trước đại chúng, có Đức Phật chứng minh. Đức Phật xác chứng, các bậc cao tăng ở trên chứng minh cho mình. Mình có lỗi, mình xin lỗi, sám hối để hết lỗi. Vậy thôi. Còn mình có oan ức thì cũng được không sao.

* Có phải hình thức sám hối trước đại tăng là một hình thức phạt rất là nặng đối với các vị Thầy là trụ trì?

- Mình muốn nghĩ nó nặng thì nó nặng, nó nhẹ thì nó nhẹ… Nhưng đó là việc thông thường khi mình có lỗi, tùy mức độ nặng nhẹ.

* Thầy có lời khuyên gì dành cho các Phật tử không?

- Mình tu từ từ mình chỉ có thể đi chùa, lễ Phật cầu phước. Nhưng mà cầu phước không chưa đủ, mình phải tự tu dưỡng thân của mình, cái này rất quan trọng. Tu dưỡng thân của mình để mình lắng được cái nghiệp nhiều đời nhiều kiếp của mình. Chứ không phải đợi cho ai làm cho mình hết nghiệp của mình, mình phải tự chuyển nghiệp xấu quấy ác nơi chính thân-ngữ-ý của mình, thanh lọc nó và tu tập. Thì cái đó là cái tốt nhất.

* Xin cảm ơn Hòa thượng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.