Sai phạm tại Công ty Tân Thuận: Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và sẽ làm rõ cá nhân khác

Phan Thương
Phan Thương
01/03/2022 05:57 GMT+7

Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, bị can Tất Thành Cang chấp thuận cho cấp dưới thực hiện chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, thể hiện lỗi cố ý, gây thất thoát cho nhà nước.

Tháng 1.2022, ông Tất Thành Cang bị TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù do liên quan sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần của Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty Nguyễn Kim với giá thấp. Ông Tất Thành Cang đang kháng cáo kêu oan bản án trên.

Ông Tất Thành Cang lãnh 10 năm tù trong sai phạm tại Sadeco

NGỌC DƯƠNG

Cuối tháng 2.2022, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận, 100% vốn Văn phòng Thành ủy) đối với bị can Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận), Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) và 8 đồng phạm.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố Trần Công Thiện, Tất Thành Cang và 8 đồng phạm khác phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Giá chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường

Trước đó, theo kết luận điều tra, xác định ông Tất Thành Cang và đồng phạm có sai phạm trong chuyển nhượng dự án khu dân cư (KDC) ở Phước Kiển (H.Nhà Bè) và một phần dự án KDC Ven Sông (Q.7) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, gây thất thoát tổng cộng hơn 248 tỉ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, theo Cơ quan An ninh điều tra, do Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự vẫn chưa có kết quả định giá tài sản tại các thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông và thời điểm khởi tố vụ án; thời điểm ký hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án KDC Phước Kiển nên chưa có cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự cụ thể đối với các bị can trong vụ án tại các thời điểm liên quan.

Cụ thể, đối với dự án KDC Phước Kiển, bị can Thiện căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá của Công ty kiểm toán và tin học (ngày 17.4.2017), mục đích thẩm định là “tư vấn giá trị đất để phục vụ đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty”, sau đó làm đơn giá chuyển nhượng gần 325.000 m2 với giá 1.290.000 đồng/m2. Khi được Văn phòng Thành ủy yêu cầu công ty thỏa thuận lại giá chuyển nhượng, thì ngày 9.2.2018, Công ty Tân Thuận ký phụ lục hợp đồng chỉnh đơn giá lên 1.768.000 đồng/m2. Đến tháng 4.2018, khi Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị các bên hủy hợp đồng chuyển nhượng thì Công ty Tân Thuận đã trả lại tiền cho Công ty Quốc Cường Gia Lai và tiền lãi suất theo ngân hàng do 2 công ty thỏa thuận là hơn 21 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo kết luận điều tra, Công ty Tân Thuận đồng ý chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp tại dự án KDC Ven Sông cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai và thống nhất giá chuyển nhượng là 20 triệu đồng/m2. Giá do Công ty Tân Thuận xây dựng, đề xuất.

Với 10% vốn góp còn lại của Công ty Tân Thuận, các bên thống nhất phương án hoán đổi thành sàn căn hộ, đơn giá hoán đổi là 23 triệu đồng/m2.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, việc chuyển nhượng tại dự án KDC Phước Kiển, KDC Ven Sông tại Công ty Tân Thuận đã vi phạm điểm c khoản 1 điều 31 luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, khi không “đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch”.

Tiếp tục xem xét xử lý trách nhiệm bà Nguyễn Thị Như Loan ?

Tuy nhiên, ngày 11.10.2021, Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung một số vấn đề, trong đó có nội dung làm rõ trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai). Ngày 3.12.2021, Cơ quan An ninh điều tra kết luận điều tra bổ sung khẳng định chưa phát hiện bà Loan có thông đồng, câu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi khi ký các hợp đồng chuyển nhượng.

Ngày 30.12.2021, Viện KSND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung các nội dung: khẩn trương tiến hành định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại các thời điểm: Thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông tháng 11.2017, thời điểm khởi tố vụ án tháng 12.2019, thời điểm các bên hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển tháng 5.2018. Từ đó, để xác định chính xác tài sản nhà nước bị thất thoát vào các thời điểm, xác định trách nhiệm của từng bị can ứng với số tiền nhà nước bị thất thoát.

Ông Tất Thành Cang cố ý trong sai phạm tại dự án KDC Phước Kiển

Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, ông Tất Thành Cang giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM từ ngày 5.2.2016 - 7.1.2019. Đối với việc chuyển nhượng dự án KDC Phước Kiển, ông Cang đã không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, là vi phạm quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố. Từ đó, bị can chấp thuận cho cấp dưới thực hiện chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, thể hiện lỗi cố ý, gây thất thoát cho nhà nước hơn 168 tỉ đồng.

Đối với dự án KDC Ven Sông, chưa có tài liệu chứng cứ thể hiện ông Tất Thành Cang có liên quan đến những sai phạm tại dự án này, do đó không có cơ sở xem xét trách nhiệm.

Về yêu cầu này, theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, Cơ quan An ninh điều tra đã có yêu cầu định giá gửi Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố, nhưng đến nay Hội đồng định giá vẫn chưa có kết quả định giá.

Bên cạnh đó, theo Viện kiểm sát, Cơ quan An ninh điều tra nhận định “việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển và chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông là không bắt buộc phải đấu giá. Việc đấu giá chỉ là một trong những căn cứ để đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, mang lại lợi ích cao nhất cho công ty và chủ sở hữu”. Vì vậy, Viện kiểm sát đề nghị Cơ quan An ninh điều tra xác định rõ nhận định trên dựa vào căn cứ, quy định nào.

Về nội dung này, kết luận điều tra bổ sung lần 2 thể hiện ngày 20.1.2022, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản (kèm theo quyết định trưng cầu giám định) gửi Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT… tham gia tiến hành giám định trình tự, thủ tục chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp và chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông, KDC Phước Kiển có vi phạm quy định pháp luật và việc chuyển nhượng có phải tổ chức đấu giá hay không. Nhưng, đến nay Cơ quan An ninh điều tra vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của các bộ liên quan.

Ngoài ra, đối với bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai), Cơ quan điều tra nêu sẽ tiếp tục xem xét xử lý trách nhiệm sau, trên cơ sở kết luận giám định của Bộ Tài chính, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT, và kết quả điều tra. Đồng thời truy thu hơn 21 tỉ đồng mà công ty đã nhận từ Công ty Tân Thuận khi 2 bên thỏa thuận hủy hợp đồng tại dự án KDC Phước Kiển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.