Sài Gòn tiệm xưa quán cũ: 'Đổi đời' nhờ gánh cháo bà Út

Lê Vân
Lê Vân
21/09/2022 06:24 GMT+7

Bán rong khắp khu chợ Cầu Muối, nay thế hệ thứ 4 của một gánh cháo đã có tiệm cháo khang trang với giá món không hề rẻ nhưng vẫn thu hút đông khách ở Sài Gòn.

Chiếc nồi đúc xuyên thế kỷ

Trước tiệm cháo bà Út mà nay đổi thành “Cháo lòng cô Út” ở đường Cô Giang, Q.1, TP.HCM vẫn là chiếc nồi đúc nhôm độc đáo, có một không hai ở Sài Gòn. Nồi được đúc từ hai chiếc thau nhôm ghép lại, đặt nghiêng góc 45 độ trên lò than củi để giữ nóng liên tục và người múc cháo không bị hơi trong nồi làm phỏng. Chị Đinh Thị Hồng, 48 tuổi, là thế hệ thứ 4 của gánh cháo gia đình. Xưa, bà nội chị Hồng cũng nấu cháo bằng chiếc nồi đồng như vậy, mãi tới những năm 2000, chiếc nồi đồng bị lủng và chị thay bằng chiếc nồi nhôm như hiện nay.

Vợ chồng chị Hồng - thế hệ thứ 4 của gánh cháo bà Út năm xưa

Quán cháo lòng cô Út rộng chừng gần 40 m2, nằm ngay mặt tiền đường Cô Giang. Vào những năm trước 1975, bà cố chị Hồng sống ở Bình Chánh nhưng lên khu chợ Cầu Muối bán cháo nuôi đàn con nheo nhóc vì nghề ruộng không đủ sống. Chị Hồng nhớ lại: “Hồi còn bà cố thì gánh cháo hổng có tên. Ai mua cứ kêu cháo bà Có - vì tên bà là Lê Thị Có. Tới đời bà Út, con gái bà Có, thì mới lấy tên là cháo bà Út. Nghe người già trong nhà kể là hồi đó bà cố nuôi con đâu có đồ ăn, phải nấu cháo rồi đi vòng vòng khu chợ Cầu Muối, có mấy cái lò mổ heo xin đồ thừa không ai bán về nấu cho có tí thịt. Sau lâu dần mới chế ra mấy món kèm cháo như bây giờ. Hồi đó chỉ có xương đầu cổ heo dạt không còn miếng thịt nào, về hầm nhừ thiệt nhừ thì thành cháo mà ngọt bùi đậm đà biết bao nhiêu với mấy đứa con đói ăn nheo nhóc”.

Gánh cháo bà Út nổi tiếng từ khi khu chợ Cầu Muối trở thành chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1975. Bà Út thường quảy hai gánh, một bên là nồi cháo, một bên là chén, dĩa, đồ nêm như hành, tiêu, gừng xắt chỉ đi khắp chợ bán cho tiểu thương, dân lao động nghèo. Tô cháo hồi xưa có khi chỉ vài ngàn đồng, rồi tăng dần theo thời giá. Chị Hồng ngậm ngùi: “Bà Út tui hồi đó ốm nhom ốm nhách à, vậy mà gánh gánh cháo đi khắp nơi. Sau gánh không nổi thì mới đóng cái xe củi, rồi lên đời xe nhôm… Vậy mà nuôi cả đàn con, đàn cháu”. Bà Út nương theo gánh cháo mà sống cho tới năm 2016 thì mất. Gánh cháo được giao lại cho chị Hồng, là đứa con thứ út của người chị gái bà Út. Thành ra khi tiếp quản gánh cháo, chị Hồng đổi lại thành “Cháo lòng cô Út” - cho trẻ bớt lại”, chị Hồng tếu táo nói.

Chiếc nồi đúc độc đáo tự chế xuyên thế kỷ của “Cháo lòng cô Út”

LÊ VÂN

“Dồi chiên cô Út - muốn ăn phải ghé sớm nha hong?”

Cô Ba của chị Hồng dặn người khách ghé mua dồi chiên như vậy khi món dồi của quán đã hết veo từ giấc trưa. Chị Hồng nói: “Dân văn phòng ghé ăn cháo đông lắm, ào cái chỉ 1 - 2 tiếng là vơi cả nồi cháo mấy chục lít. Dồi chiên là nhanh hết nhất, khách tới giấc chiều là chỉ còn bộ lòng thôi. Dù khách đông và tất bật làm hàng từ tờ mờ sáng tới chiều tối, quán cháo lòng cô Út vẫn chỉ có 3 người phụ là ba cô cháu trong nhà”. Bà Ba giải thích: “Đông vậy chứ mấy chục năm nay làm miết cũng lẹ lắm. Một lần tui bưng được 5 - 7 tô, Hồng chỉ ngồi múc cháo, chia lòng dồi ra dĩa. Coi vậy chứ chi phí mặt bằng cao, sợ thuê thêm thì không đủ trang trải”. Ghé tiệm “Cháo lòng cô Út”, thực khách sẽ mê muội với món dồi chiên được làm từ phèo non hoặc thú linh dồi với huyết và thịt nạc xay, mang đậm phong vị người Sài Gòn. Chị Hồng chia sẻ: “Tui ăn thử dồi huyết của người Bắc rồi, thấy cũng ngon nhưng khách tôi xưa giờ thích miếng dồi chiên có ruột đặc, đậm đà và có chút ngọt ngọt. Món dồi này hồi xưa bà Út tui bán đắt lắm, có ngày phải làm cả chục ký. Tới giờ cũng vậy”.

Quán “Cháo lòng cô Út” cũng dời tới lui nhiều bận dọc theo đường Cô Giang. Phần vì giá mặt bằng cao, lại lên hoài không thấy xuống. Phần vì con đường này ngày càng đắt đỏ vì ngay trung tâm Q.1 nên nhiều “ông lớn” nhảy vào thuê với giá cao ngất. “Dời 9 - 10 lần rồi đó, nhưng ráng kiếm chỗ nào ngay con đường này. Vì khách người ta quen tới đây ăn rồi. Với lại từ đời bà cố đã bán quanh khu Cầu Muối này nên mình cứ thích bán ở đây thôi”, bà Ba nói.

Để làm món dồi chiên, chị Hồng và bà Ba phải dậy từ 2 giờ sáng, nhận đồ lòng nóng từ lò heo rồi sơ chế, làm tới 5 - 6 giờ sáng là đẩy xe ra tiệm thuê bày bán. “Tiệm mình có bán trên Grab food, Now food nữa, khách o-đờ (order) điện thoại ting ting hoài. Thời bà Út mà được vầy chắc khỏi đẩy xe đi bán rong”, chị Hồng cười hể hả khoe.

Thực đơn quán cháo hiện có giá dao động từ 45 - 60 ngàn đồng/tô. Quán mở cửa suốt từ 6 giờ sáng tới 7 giờ tối. Buổi chiều, chồng chị Hồng sẽ “thay ca”. Gánh cháo từ trước năm 1975 của giới kẻ chợ, dân lao động nghèo hôm nay đã nâng tầm thành một món ăn văn phòng dân dã nhưng giá “sang chảnh” không thua gì những quán ăn khác. “Chưa thấy đứa nào con cháu trong nhà chịu học nấu để giữ nghề bà cố. Thôi cứ bán, mai này cũng có chuyện mà kể với tụi nhỏ về gánh cháo gia đình đã nuôi đủ đàn con, cháu ăn học trưởng thành”, chị Hồng bộc bạch. (còn tiếp)

Sài Gòn tiệm xưa quán cũ

Dân chơi 'hệ' cơm tấm, bánh mì Sài Gòn

Thời gian ngừng lại ở tiệm trà trăm tuổi

Ăn 'tô xe lửa' ở tiệm phở Tàu Bay

Ai còn nhớ phá lấu mâm ông già Tiều?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.