Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ - Kỳ 8: Người xưa chơi quần vợt

18/07/2015 06:35 GMT+7

Năm 1902, chính quyền thuộc địa cho xây dựng một khu thể thao gồm sân đá banh, quần vợt... tại khu vực nay là Cung văn hóa Lao động TP.HCM.

Năm 1902, chính quyền thuộc địa cho xây dựng một khu thể thao gồm sân đá banh, quần vợt... tại khu vực nay là Cung văn hóa Lao động TP.HCM.

Quần vợt là môn thể thao lạ của Sài Gòn xưa - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Quần vợt là môn thể thao lạ của Sài Gòn xưa - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Khu này có tên gọi Club Sportif Saigonnais, là nơi gặp gỡ của dân chơi thể thao ngoại quốc và một số người Việt quốc tịch Pháp có tên tuổi.
Thú chơi tao nhã
Trong khu Club Sportif Saigonnais có hồ bơi và mấy sân đánh quần vợt. Thông lệ từ 17 giờ, sau khi tan sở, các tay chơi quần vợt thường tới đây tập dượt hoặc thách nhau thi tài cao thấp để... ăn nhậu. Môn quần vợt thời đó mới chỉ có những Pháp kiều và một vài người Việt giàu có chơi thôi. Tới những năm 1930 - 1945, bắt đầu xuất hiện những tay vợt người Việt lừng danh, phía Bắc có Tịch, miền Trung có Yến, Bính và ở Sài Gòn nổi danh với: Chim, Năm Nửa, Sáu Nhánh, Giỏi, Bửu...
Thời đó quần vợt là môn thể thao lạ nên người Việt, nhất là phụ nữ đi xem Tây và một số người Việt nhà giàu hoặc có địa vị trong chính quyền Pháp đánh quần vợt rất đông. Xung quanh thú chơi tao nhã, quý tộc này có tự trào bằng thơ thời đó ai cũng biết: “Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi/Chốc nữa lau khô lão lại chơi/Biểu diễn sân quen hay đáo để/Nắn dồi banh mới sướng mê tơi/Người trên ập xuống phều phào thở/Kẻ dưới nâng lên khúc khích cười/Đối thủ gặp nhau mùa nắng nhọc/Quần lâu thấm mệt ngả lăn nhoài”.
Môn thể thao quần vợt ngày trước thường dành cho giới thượng lưu chứ không đại trà như bây giờ. Người muốn chơi quần vợt phải có tiền bạc rủng rẻng: sắm hai cái vợt, một hộp banh, mấy bộ quần áo gồm quần soọc màu trắng, mấy cái áo may ô trắng, nón thể thao đội đầu, khăn lông... rồi ăn uống phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ mới đủ sức ra sân quần vợt chơi hàng giờ.
Ngoài việc phải trả tiền thuê sân rất đắt, mướn em nhỏ nhặt banh, tiền phí đóng hằng tháng cho hội quần vợt đi thi đấu nên thời đó đếm trên đầu ngón tay chỉ có mấy người Việt dám chơi môn quần vợt, còn đa số người ngoại quốc.
Nhà thơ Hương Thủy (Hoàng Trọng Thược) thấy cảnh chơi quần vợt... lạ mắt quá nên đã “tức cảnh sinh tình” sáng tác bài thơ Vịnh lão tướng quần vợt rất hay và dí dỏm: “Càng già càng dẻo lại càng dai/Lão tướng ra quần chẳng kém trai/Đấu mấy hiệp liền không đuối sức/Tranh ba ngày tiếp chửa mòn hơi/Khi mau, khi chậm, khi mơn ngắn/Lúc xuống, lúc lên lúc thọc dài/Gác lại gác qua phô đủ kiểu/Mòn lông banh nỉ lão còn chơi/Cân sức cho nên chẳng dám lơi/Chống đỡ gay go trào bọt mép/Cò cưa dai dẳng toát mồ hôi/Chơi trưa, chưa phỉ còn chơi tối/Đánh chiếc xong rồi, lại đánh đôi/Phút chốc mưa đâu tuôn xối xả/Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi”.
Đánh quần vợt giỏi được đặt tên đường
Trong số những tay vợt ở Sài Gòn đã chiếm giải quán quân hạ các tay vợt ngoại quốc có cặp Chim - Giao là nhiều lần giành chức vô địch nhất, rồi mới tới Năm Nửa, Giỏi, Bửu... Hai tay vợt Chim - Giao không những đoạt giải trong nước mà còn sang tới Malaysia chiếm giải quán quân.
Họ làm rạng danh giới quần vợt nước Việt thời đó khá dữ dội. Điều đặc biệt, ít ai biết hai tay vợt Chim và Năm Nửa không học trường lớp nào cả mà chỉ đi lên từ người nhặt banh. Tranh thủ lúc giải lao, cả hai tập đánh, nghiên cứu những đường banh hay, đẹp và hiểm hóc của những tay vợt ngoại quốc trên sân quần vợt rồi... học lóm. Vậy mà chỉ ít lâu sau Chim, Giao, Năm Nửa đã trở thành những nhà vô địch quần vợt của đất Sài Gòn và họ đã hạ các tay vợt người Pháp nổi danh như Cochet, Tilden...
Sau này, khi nhà vô địch quần vợt Chim mất vào năm 1952 ở tuổi 53, người ta dành cho đặc ân chôn trong nghĩa địa người Âu và tạc tượng bán thân đặt tại mộ, được trao tặng nhiều huy chương lục lạc. Có giải thưởng hai nhà vô địch Chim, Giao “trúng mánh” nguyên một chiếc xe hơi mới cáu.
Là người có đầu óc kinh doanh, ông Giao dành dụm từ tiền giải thưởng mua xe hơi làm ăn và mở tiệm buôn bán đồ thể thao đặt tên là “Giao Sport” ngay gần khu Club Sportif Saigonnais. Tiệm bán đồ thể thao tồn tại tới năm 1975 mới đóng cửa. Còn Chim vì nhà nghèo nên tiền thưởng chỉ đủ trả nợ và nuôi sống gia đình. Năm 1955, nhờ có thành tích làm rạng danh giới quần vợt từ VN tới Malaysia nên người ta đã chọn một con đường ngắn ở Q.1 để ghi tên ông.
Rất tiếc tên đường lại ghi sai là: Nguyễn Văn Chiêm (đáng lẽ phải ghi là Chim). Trong khi từ xưa tới nay, trong sách báo Việt - Pháp đều ghi rõ là Chim. Tuần báo Trong Khuê phòng (số cuối tháng 9.1935) tại Sài Gòn cũng đã in hình với chú thích rõ: “Cochet và Chim trước khi đánh đơn”. Rất tiếc là vì nhà quán quân Chim sau này đã quá cố nên không thể lên tiếng để đính chính tên đường cho mình được.
Để kết thúc bài viết về môn thể thao đánh quần vợt xưa ở Sài Gòn nói riêng và xứ Đông Dương thời Pháp thuộc nói chung, xin mượn lời thơ của tác giả Trần Văn Tâm - một cựu Đốc phủ sứ của Sài Gòn “hí họa” vui vui có tựa đề Vịnh tơ-nít (quần vợt) với cách vận dụng từ phiên âm độc đáo: “Cuộc chơi bày đặt tự phương Tây/Tơ-nít vừa lòng cả gái trai/Banh nắm hai hòn nhồi đúng điệu/Vợt cầm một cán đánh cho ngay/“Cúp-pê” sát lưới nằm trong mức/“Xì-mách” vô khuôn chớ xỉa ngoài/Rồi “xét” mồ hôi ra ướt áo/Xệ đùi, mỏi gối lại phồng tay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.