Sách 'vỡ lòng' về quốc sử do Tản Đà soạn

04/04/2020 06:23 GMT+7

Đó là cuốn Quốc sử huấn mông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty CP sách Tao Đàn liên kết phát hành (ảnh).

Sách được Tản Đà soạn, Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô tham đính, Nghiêm Hàn ấn quán cho ra mắt bạn đọc lần đầu năm 1924. Công ty Tao Đàn đã khôi phục nguyên vẹn dựa trên ấn phẩm in đầu tiên để cuốn sách đến với công chúng hôm nay.
Đầu thế kỷ 20, Tản Đà (1889 - 1939) nổi lên như một ngôi sao sáng về thi ca. Song vốn xông xáo, bút lực của Tản Đà đi vào nhiều lĩnh vực từ văn chương, báo chí, đến sử học. Trong Lời tựa cho lần xuất bản đầu tiên của Quốc sử huấn mông năm 1924, Tản Đà viết: “Tôi học ít tài kém, dám đâu nói đến việc làm sử; chỉ vì một phiến cảm tình đối với các trẻ con giai gái trong nước, muốn cho từ lên sáu, lên tám, đã thông hiểu quốc ngữ thời nên biết quốc sử ra làm sao. Vậy nên phỏng theo các lối sử đông tây, đem sự tích trong mấy nghìn năm, chép yếu lược làm một bổn sách”.
Là sách “vỡ lòng” về lịch sử nên cuốn sách nhỏ gọn, tóm lược lịch sử nước ta từ vua Hùng cho đến khi Lê Lợi đánh thắng nhà Minh, giành lại độc lập, ban bố Bình Ngô đại cáo. Trong sách, Tản Đà giải thích ngắn gọn, dễ hiểu nhiều thuật ngữ cổ sử như 8 nghĩa trong quốc sử là: cương, mục, phụ lục, phụ khảo, tiểu ký, sử án, sử biện, sử luận.
Tuy nhiên, cuốn sách biên tập không được đều tay, nhiều lỗi chính tả còn sót trong nhiều trang. Đặc biệt, có những lỗi biên tập dạng chú thích theo kiểu có cũng như không, đôi chỗ, chú thích làm rối thêm cho người đọc. Ví dụ, đoạn viết về Ngô Quyền có câu: “Vua Ngô từ Ái Châu nổi quân, giết Công Tiện, phá Hoằng Thao mà giang sơn lại có chủ trương vậy” (tr.38). Người biên tập chú giải như sau: Chủ trương: nghĩa là “chủ tể”. Chú như vậy lại khiến bạn đọc mất thêm công đi tìm từ điển để tra xem “chủ tể” nghĩa là gì. Thật là làm khó người đọc hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.