Sách hay: 'Cõi người dưng' - chuyện tồn sinh xứ Mỹ

Thế Sang
Thế Sang
06/05/2023 07:25 GMT+7

"Khi tôi viết ra những dòng này, bọn họ đã tản mác khắp nước Mỹ…". Đó là những dòng dẫn vào tác phẩm Cõi người dưng - Nomadland: Đời du dân Mỹ thế kỷ 21 (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) của nữ nhà báo Jessica Bruder. Những ghi chép chân thực của cô cho thấy một hiện thực vừa sống động, vừa khắc nghiệt của xã hội Mỹ.

Khi nữ nhà báo Jessica Bruder rời căn hộ tiện nghi tại New York hoa lệ để lên sống trên một chiếc xe van được cải tạo lại, lên đường theo chân những du dân ("nomad") suốt hơn 24.000 km dọc ngang khắp nước Mỹ để ghi lại cuộc sống của họ, cô không nghĩ dự án của mình sẽ kéo dài đến như vậy - 3 năm. Những ghi chép về tác động của cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 2008 lên cuộc sống của những du dân đã gây kinh ngạc cho bạn đọc, nhưng chính quyển sách này, phần nào đó, lại cho thấy một tính cách rất Mỹ.

Sách hay: Cõi người dưng chuyện tồn sinh xứ Mỹ  - Ảnh 1.

Linda May và con chó Coco, người bạn đồng hành của bà

NXB cung cấp

Một cõi rất người Khi dịch quyển sách thuộc thể loại bút ký, phi hư cấu (non-fiction) Nomadland: Surviving America in the Twenty-First Century sang tiếng Việt, dịch giả Y Khương chia sẻ anh loay hoay chọn từ để cho thấy được đây là tác phẩm nói về một nhóm người hoàn toàn xa lạ, vì hoàn cảnh nên phải dọn vào sống trong xe nhưng ở họ đầy tinh thần tương thân tương ái, và thế là anh nảy ra cụm "cõi người dưng". Bị dạt ra khỏi số đông, họ tạo thành một cõi riêng, sống quây quần bên các khu lửa trại hay những buổi nhóm họp thường niên của cộng đồng mình, và giữa họ hình thành một sợi dây bền chặt, tương trợ lẫn nhau trên đường tồn sinh.

Jessica Bruder đã rong ruổi theo Linda May, Bob Wells, LaVonne Ellis, Charlene Swankie… từ những khu cắm trại, những bãi đậu xe chui, đến những hội chợ dành cho du dân, những kỳ Đại hội Lãng du trên bánh cao su (RTR), nơi du dân tụ tập nghe ngóng tin tức từ các nhà tuyển dụng, tám chuyện, mua sắm… để ghi chép tất tần tật chi tiết đời sống của họ. Những buổi tụ tập, trao đổi hàng hóa hợp rồi tan, họ buộc phải lên đường, họ là những người có tên nhưng không có địa chỉ. Ở Mỹ, không có một địa chỉ cố định đồng nghĩa với việc không tồn tại.

Những du dân này không muốn bị gọi là vô gia cư (homeless) mà họ chỉ đơn giản là những kẻ không nhà (houseless).

Sách hay: Cõi người dưng chuyện tồn sinh xứ Mỹ  - Ảnh 2.

Quyển sách Cõi người dưng - Nomadland: Đời du dân Mỹ thế kỷ 21 vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành

NXB cung cấp

Thoạt nhìn qua, người ta dễ nhầm họ với những người đã về hưu thong dong lái RV đi du lịch, nhưng thực chất đây là những cá thể bị hất văng ra khỏi đời sống truyền thống vốn đòi hỏi nhà cửa, tiện nghi đủ đầy, lương bổng hằng tháng được đảm bảo… để vào sống trong những "di động sản" - tức những chiếc van, RV, xe tải cắm trại, trailer du lịch hay thậm chí cả những chiếc sedan cũ mèm.

Jessica Bruder, nhà báo Mỹ, phóng viên kỳ cựu của các tờ như Fortune Small Business, The New York Times, The Washington Post, WIRE, Harper's Magazine, The Oregonian… Cô viết về nhiều vấn đề văn hóa đương đại Mỹ. Quyển sách Cõi người dưng đoạt giải Ryszard Kapuściński và giải Discover, được The New York Times gọi tên ở hạng mục quyển sách nổi bật (Notable Book).

Như Linda May, một phụ nữ trung niên, dọn vào sống trong một chiếc RV được bà tân trang và lắp đặt đủ mọi thứ từ nơi tắm, chỗ nấu nướng đến nơi ngủ, vì đơn giản, bà không có việc làm, phải rày đây mai đó khắp nơi để làm các công việc thời vụ, khi là quản lý trang trại, khi thì cào cỏ, khi là nhân viên nhặt hàng ở kho Amazon… để đổi lấy những đồng lương còm cõi. Có những ngày tủ lạnh hết đồ ăn, Linda May phải vay tiền ăn và chờ chi phiếu an sinh xã hội tới.

Khi cơ hội tìm việc thu hẹp dần theo tuổi tác tăng cao, như những du dân khác, Linda May buộc phải rong ruổi trên khắp các tuyến đường nước Mỹ. Họ lái xe từ khi ngày ló dạng đến khi bóng tối ập vào buồng lái, kéo theo cơn mỏi mệt của một ngày lái xe liên tục. Bởi họ biết, nơi miễn phí cuối cùng trên nước Mỹ là một chỗ đậu xe.

Vì đó là hiện thực của nước Mỹ

Rất nhiều du dân bị tác động trực tiếp của cuộc đại khủng hoảng nên phải lên đường, số còn lại, có những người đã có gia đình, họ chỉ đơn giản chống lại cách xã hội đang vận hành. Lấy mặt đường là giường và bầu trời là chiếu, "nhà" của họ có thể ở bất cứ đâu khắp nước Mỹ, đó có thể là sa mạc hẻo lánh, dọc đường, bãi đỗ xe của một khu mua sắm… Và vì thế, những dân xe tải này họ có một thuật ngữ gọi là "đậu xa" hay "đậu xe chui", chỉ việc tạt qua ngủ ban đêm, sáng hôm sau rời đi nhanh chóng, không để lại dấu vết, hay đậu để né cảnh sát hòng tránh những rắc rối.

Đó là một đời sống dẫu nhọc nhằn, có người cám cảnh phải chạy ăn từng bữa, nhưng đổi lại, họ được sống đời tự do. Như Linda, ở tuổi quá 60, khi công việc không có, ví thì rỗng, bà chọn xe như là một cách để không phụ thuộc vào con cái, khi nhà của con gái quá chật và có quá nhiều miệng ăn. Nhiều lần, Linda, hay những du dân khác, từng nghĩ đến cái chết trong thoáng chốc, nhưng rồi họ lại mơ ước và sống tiếp. Và cứ lâu lâu, Linda lại về thăm gia đình, xong xuôi, bà lại lên đường. Rất nhiều du dân khác cũng làm như thế.


PHIM CHUYỂN THỂ ĐOẠT GIẢI OSCAR

Sách hay: Cõi người dưng chuyện tồn sinh xứ Mỹ  - Ảnh 5.

Đạo diễn Chloé Zhao và tượng vàng Oscar

Reuters

Năm 2020, tác phẩm được chuyển thể thành phim Nomadland, do Chloé Zhao chỉ đạo, biên kịch kiêm luôn vai trò sản xuất. Phim có minh tinh Frances McDormand đóng chính vai Fern. Các nhân vật trong sách như Charlene Swankie, Linda May và Bob Wells vào vai chính họ trong phim. Tại giải Oscar lần thứ 93, phim đoạt giải Oscar Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (cho Chloé Zhao) và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Frances McDormand).


Jessica Bruder liên tục phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh các nhân vật để đưa vào sách. Bằng những quan sát tinh tế của một nhà báo, viết bằng một tâm thế nhập cuộc, sống như những du dân thực thụ, Jessica Bruder đã viết nên quyển sách - như các cây bút đánh giá quốc tế nhìn nhận là "chi tiết", "phi thường" và "choáng ngợp" - cho thấy một mảnh hiện thực có thể nói ba phần mộng mơ, bảy phần khắc nghiệt về hoàn cảnh mà thế hệ "boomers", tức những người sinh sau Thế chiến thứ hai, phải trải qua. Họ làm quần quật cả đời mà vẫn không có được cuộc sống no ấm khi về già. Nhưng chí ít, họ đã không tuyệt vọng.

Hay cũng có thể gọi họ - những kẻ bị dạt ra khỏi dòng văn hóa chủ lưu của nước Mỹ - là những kẻ mang một tính cách rất Mỹ. Sống đến kiệt cùng, không bi lụy, không ta thán. Tạp chí New Yorker gọi Cõi người dưng là quyển sách "phơi ra một hố sâu giữa những gì nước Mỹ muốn là và những gì nước Mỹ thực sự là". Tờ Los Angeles Times gọi tác phẩm của Jessica Bruder "hấp dẫn, một nghiên cứu chuyên sâu và gây ám ảnh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.