Sách giáo khoa đến hẹn lại... lo: Lúng túng vận hành nhiều bộ sách

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/07/2023 06:05 GMT+7

Việc vận hành nhiều bộ sách giáo khoa đến thời điểm này đã đi được hơn nửa "chặng đường", nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng hoặc vi phạm ở khâu lựa chọn sách giáo khoa dùng cho các cơ sở giáo dục ở địa phương mình.

KHÔNG ÍT ĐỊA PHƯƠNG CHỌN SGK VỪA CHẬM, VỪA SAI

Theo quy định, các địa phương cần hoàn thành việc chọn sách giáo khoa (SGK) chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tức vào khoảng tháng 4 hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều địa phương thường không thực hiện đúng thời gian quy định, ra quyết định lựa chọn SGK cho địa phương mình thường bị muộn dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ các công việc khác, như "chốt" bộ SGK sử dụng trong nhà trường và thông báo tới phụ huynh, học sinh; phối hợp với nhà xuất bản xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng SGK mới; cung cấp số lượng đăng ký SGK cho nhà xuất bản… Việc thông báo nhu cầu số lượng SGK của địa phương chậm muộn dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản trong cung ứng sách trước thềm năm học mới.

Sách giáo khoa đến hẹn lại lo: Lúng túng vận hành nhiều bộ sách  - Ảnh 1.

Ngay từ bây giờ phụ huynh đã chọn mua sách giáo khoa mới chuẩn bị cho con vào năm học mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Không những thế, việc lựa chọn SGK vẫn là câu chuyện gây lo lắng từ khi có nhiều bộ SGK đến nay. Để quy định về lựa chọn SGK, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30.1.2020 và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 25) ngày 2.8.2020 hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Song, trên thực tế vẫn nhiều địa phương vi phạm quy định trên trong quá trình lựa chọn SGK.

Đầu năm nay, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh trong việc lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK, giai đoạn từ 1.1.2021 - 31.5.2022 tại 6 tỉnh, gồm: Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Ví dụ, UBND tỉnh Khánh Hòa thành lập các hội đồng lựa chọn SGK lớp 6, lớp 7, lớp 10, song có một số hội đồng chưa bảo đảm thành phần theo quy định (theo quy định thì phải có ít nhất 2/3 thành viên tham gia hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó). UBND tỉnh Đắk Lắk công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 chậm 2 tháng so với quy định; thiếu sót trong khâu giao nhiệm vụ cho giáo viên của tổ chuyên môn không đúng chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK (Trường tiểu học Trần Quốc Toản, H.Krong Pak và Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, TX.Buôn Hồ)…

Thanh tra Bộ GD-ĐT đã yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, hạn chế, vi phạm trong lựa chọn SGK, báo cáo kết quả khắc phục về Bộ GD-ĐT. Các sở GD-ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc lựa chọn SGK.

Đề nghị sửa quy định để tránh "đi đêm" chọn SGK

Trong kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, một số đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ lo ngại có lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong việc chọn SGK ở địa phương và cho rằng những hướng dẫn của bộ vẫn còn "kẽ hở" cho việc "đi đêm" chọn SGK.

Sách giáo khoa đến hẹn lại... lo: Lúng túng vận hành nhiều bộ sách
 - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi quy định theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trả lời bằng văn bản về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc lựa chọn SGK theo Thông tư 25 được thực hiện cơ bản không có khó khăn, vướng mắc. Trong 63 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông gửi về đoàn giám sát của Quốc hội, chỉ có 5 tỉnh, thành phố có kiến nghị, đề xuất liên quan đến lựa chọn SGK. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn chi trả kinh phí lựa chọn SGK, tăng thời gian đọc bản mẫu SGK trước khi họp hội đồng.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc chọn SGK ở một số địa phương. "Qua quá trình thanh tra, Bộ GD-ĐT không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn SGK. Qua thống kê báo cáo của các địa phương, kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng cơ bản theo đề xuất của các nhà trường", văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.

Tuy nhiên, chưa đồng tình với phần trả lời này, để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương "một chương trình - nhiều SGK", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Bộ GD-ĐT sớm sửa đổi điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.