Sách bồi dưỡng giáo viên quá cẩu thả

07/07/2008 00:41 GMT+7

Cách đây ít lâu, trên Báo Thanh Niên, nhà giáo Trần Hữu Tá đã góp ý những sơ suất cẩu thả của đợt bồi dưỡng giáo viên Văn bậc THPT hè 2007. Những tưởng ngành GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm và năm nay sẽ khá hơn, nào ngờ...

Có thể chỉ ra nhiều điều bất cập, từ chuyên môn đến khâu tổ chức, sinh hoạt mà nếu lãnh đạo Bộ muốn biết thì chỉ cần hỏi các báo cáo viên hoặc các học viên lớp bồi dưỡng cốt cán phía Nam là rõ. Thiếu sót do năng lực tổ chức cũng có, nhưng do tinh thần trách nhiệm thì nhiều hơn. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin nói đến một số sai sót dứt khoát không được phép mắc của tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 12 môn Ngữ văn do NXB Giáo dục ấn hành, phát cho học viên cốt cán của 2 đợt bồi dưỡng ở Cửa Lò (Nghệ An) và nhà khách Ba Son (TP.HCM).

Tập tài liệu dày tới 200 trang khổ lớn. Nhìn vào danh sách người biên soạn, chúng tôi rất tin tưởng: 2 GS tổng chủ biên 2 bộ sách cơ bản và nâng cao là đồng chủ biên, ngoài ra có tới 9 GS, TS là đồng soạn giả. Thế nhưng, đọc kỹ tập sách này, chúng tôi hoang mang, vì thấy có nhiều sai sót. Hỏi GS Trần Đình Sử về những sai sót trên thì được thầy trả lời: "Có ai trao đổi gì với tôi đâu! Họ "phong" tôi là đồng chủ biên nhưng ngoài bài của mình, tôi không hề được đọc bài nào khác! Đã không được "biên", sao dám nhận là "chủ" ?! Tôi đã viết thư cho 2 ông: Cục trưởng Cục Nhà giáo và Giám đốc NXB Giáo dục để bày tỏ ý kiến về vụ in sách này".

Kết cấu vênh lệch, thiếu nhất quán, vừa thừa vừa thiếu của tài liệu hướng dẫn chứng tỏ hệ thống bài ở đây rơi vào tình trạng "góp gạo thổi cơm chung" và thiếu hẳn một bàn tay điều hành chung, thực sự có năng lực và tinh thần trách nhiệm. 

Sách gồm 3 phần, riêng 20 trang của phần thứ nhất "Những vấn đề chung về đổi mới giáo dục THPT" lẽ ra không nên có. Bởi vì 2 tập Hướng dẫn thực hiện chương trình SGK lớp 10 (in năm 2006) và lớp 11 (in năm 2007) đã có. Năm ngoái in lại đã là thừa, năm nay lại in, thực lãng phí. Phần thứ hai của tài liệu dành cho bộ cơ bản (tr 21-135) và phần thứ ba dành cho bộ nâng cao. Vì thiếu người điều hành trong thực chất, nên cấu trúc của 2 phần khác nhau khá nhiều, từ tiêu đề đến việc tổ chức bài vở. Các tài liệu trong phần thứ ba khá gọn, ngược lại ở phần thứ hai, ngoài các bài mang tính định hướng cần thiết của các GS Phan Trọng Luận, Trần Đăng Suyền, lại kèm theo hàng loạt bài "Đọc thêm" (tr 37-57) được tuyển chọn khá tùy tiện.

Là sách hướng dẫn, yêu cầu về tính khoa học đương nhiên phải cao, vậy mà tiêu chuẩn tuyển chọn bài vở đã không được tôn trọng, mà ngay cả quy cách ghi chú xuất xứ của từng bài cũng quá cẩu thả. Bài "Một số tư liệu về Ơnit Hêminhuê" (tr 47-57) có ghi chú: “Trích giáo trình ĐH từ xa”. Hỡi ôi, hàng chục trường ĐH đã và đang làm công việc này, vậy tập giáo trình này tên là gì, của trường nào, xuất bản năm nào, do ai viết? Muốn tra cứu, đối chứng, giáo viên chúng tôi chắc sẽ vô phương!

Phần cuối sách chúng tôi rất chờ đợi, vì rất mới mẻ: Giới thiệu đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm (tr 190-198). Người biên soạn giới thiệu 4 bài, gồm 42 câu xoay quanh 3 tác phẩm rất có giá trị (Tây tiến, Rừng xà nu, Vợ nhặt). Buồn thay, càng đọc chúng tôi càng ngơ ngác vì không thấy dấu tích của văn chương đâu cả. Xin nêu ra đây mấy dẫn chứng:

Bài Rừng xà nu, câu 5:

Cụ Mết đãi người đi xa về bằng món ăn nào?

A. Canh tàu môn bạc hà và mấy con cá chua
B. Canh rau cải và mấy con cá chua
C. Canh rau ngót và thịt lợn rừng
D. Canh tàu môn bạc hà và thịt nhím

(Đáp án: Chọn A)

Và câu 6:

Cơm gạo trắng cụ Mết cho Tnú ăn ghế với loại củ nào?

A. Củ mài B. Củ pomchu 
C. Củ cải D. Củ khoai mì

(Đáp án: Chọn B)

Đây là cách ra đề trắc nghiệm cho môn Văn ư? Định kiểm tra kiến thức chăng? Chẳng lẽ bắt học sinh phải nhớ đến tên các loại rau, củ rất khó nhớ ngay cả với thầy cô của nó! Và nhớ phỏng có ích gì? Để bồi dưỡng năng lực cảm thụ, thấy được cái hay cái đẹp của tình ý, hình ảnh, ngôn ngữ của tác phẩm ư? Chắc chắn sẽ có tác dụng ngược. Những câu trắc nghiệm như trên sẽ góp phần tích cực vào việc mài mòn đặc trưng của bộ môn Văn.

Châu Lệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.