Rúp Nga lại lập đáy mới giữa lúc giá dầu giảm sâu

21/01/2016 09:02 GMT+7

Đồng rúp Nga (RUB) vừa rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ hôm 20.1. Lần đầu tiên, 1 USD đổi được đến 81 RUB.

Đồng rúp Nga (RUB) vừa rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ hôm 20.1. Lần đầu tiên, 1 USD đổi được đến 81 RUB.

Ảnh: AFPẢnh: AFP
Theo AFP, giá trị RUB lập ra hôm 20.1 thấp hơn mức giá mà nội tệ Nga từng trải qua trong giai đoạn đồng tiền này giảm mạnh vào tháng 12.2014.
Sau một ngày 19.1 tỷ giá ổn định, RUB lại tiếp tục giảm giá trị khi giá dầu tạo đáy mới trong vòng 12 năm trở lại đây. Bản tệ Nga phá kỷ lục về mức giá thấp nhất từng chạm đến trước đó là 80,1 RUB ngang giá 1 USD vào ngày 16.12.2014.
RUB cũng yếu đi so với euro, chạm mức đáy kể từ ttháng 12.2014 với 89 RUB đổi được 1 EUR. Vì khí đốt và dầu thô chiếm đến hơn một nửa nguồn thu ngân sách của Nga, việc giá năng lượng lao dốc nhanh chóng tạo áp lực lên giá trị đồng rúp.
Ngân hàng Trung ương Nga cùng ngày cho hay họ chưa xem xét việc tăng lãi suất để ngăn đà giảm giá của RUB như cái cách họ đã từng hành động vào tháng 12.2014. Khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất lên 17% trong một đêm.
“Hiện tại việc điều chỉnh giá thị trường đang diễn ra khá suông sẻ”, Ngân hàng Trung ương Nga cho hay, nói thêm rằng việc đồng rúp yếu đi là một mục tiêu vì nước này phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.
Song dự báo kinh tế bi quan là một thách thức rất lớn đặt ra cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được phần đông cử tri ủng hộ vì những năm điều hành đất nước có nền kinh tế ổn định và tương đối thịnh vượng. Tính đến thời điểm này, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự lạc quan giữa nền kinh tế khủng hoảng và chỉ ra rằng RUB yếu đi mở ra nhiều cơ hội hơn cho nước Nga.
Tổng thống Nga đã nói đùa về việc nhìn thấy nhiều quan chức chính phủ họp vào hôm 20.1, ngày mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới khai mạc ở Davos (Thụy Sĩ) với sự tham gia của nhiều doanh nhân và chính trị gia. “Họ đã từng đến đó với niềm hân hạnh to lớn nhưng năm nay họ không đi. Rõ ràng là họ không có đủ tiền mua vé”, ông Putin nói và cười.
Cuộc khủng hoảng kinh tế để lại tác động lớn hơn chuyện ảnh hưởng đến ngân sách du lịch của các quan chức Nga. Giá dầu thấp phức tạp hóa khả năng đáp ứng các cam kết chi tiêu xã hội của chính phủ nước này, và RUB hạ giá khiến người dân Nga ngày càng khó mua các loại thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu.
Hôm 19.1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ triển vọng kinh tế Nga, dự báo nước này sẽ suy giảm 1% trong năm nay. Chuyện Trung Quốc tăng trưởng yếu đi, USD mạnh lên và giá dầu sụt giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế đang gặp khó như Nga.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.