Rước họa do dùng chung đơn thuốc

17/07/2017 08:36 GMT+7

Nhiều người tự sử dụng đơn thuốc cũ khi bị ốm với các biểu hiện na ná đợt ốm trước, thậm chí dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác để điều trị, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trò chuyện với chúng tôi khi đang chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Phan Thị H. (ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bà được phát hiện cao huyết áp, điều trị tại bệnh viện gần nhà và được hẹn khám lại sau một tháng. Tuy nhiên, khi hết thuốc, thấy người quen có đơn do bác sĩ của bệnh viện tuyến trung ương kê, cho rằng thuốc tốt hơn nên bà mượn đơn này rồi ra tiệm mua thuốc về uống.
“Tôi dùng thuốc thì cảm thấy mệt mỏi, tưởng là bị cảm nên uống thêm thuốc cảm. Nhưng hôm sau nữa, khi quá mệt, tự dừng thuốc, thì lại thấy người tỉnh táo hơn. Đi khám, các bác sĩ cho biết, trong đơn tôi tự mua về uống có thuốc làm chậm nhịp tim chứ không chỉ điều trị cao huyết áp”, bà H. nói.
Theo TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, không ít bệnh nhân bị tăng huyết áp, tim mạch chỉ đến khám, điều trị sau thời gian dùng thuốc theo đơn của… người quen. TS Thành lưu ý, một khảo sát cho thấy, trước đây từng có đến 58% người mượn đơn thuốc và 51% người mượn vỉ thuốc đi mua thuốc uống trước khi đến khám tăng huyết áp, tim mạch tại các bệnh viện. Tỷ lệ này đã giảm nhiều nhưng hiện cũng còn khoảng 5 - 10%.
PGS - TS nguyễn Tiến Dũng, công tác tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý về hiện tượng các mẹ “bỉm sữa” thường lên mạng chia sẻ kinh nghiệm dùng thuốc, đồng thời cho biết thêm, trước đây, ước tính có đến 40 - 50% các bà mẹ đưa con đến khám sau khi đã mua kháng sinh cho con uống. Tình trạng này đã giảm hơn nhưng hiện vẫn còn tồn tại. Thậm chí, không ít bà mẹ cứ thấy con sốt, ho là lại đem đơn thuốc từ lần khám trước ra hiệu thuốc mua cho con uống.
Nguy hiểm đến tính mạng
Việc các bậc cha mẹ dùng chung đơn thuốc trên mạng do các bà mẹ “bỉm sữa” chia sẻ vì tự chuẩn đoán là con mình có các triệu chứng tương tự, theo bác sĩ Dũng là rất nguy hiểm. Bởi vì, với các bệnh nhi có thể cùng triệu chứng nhưng căn nguyên gốc gây bệnh có thể khác nhau do vi rút hoặc vi khuẩn nên chỉ định điều trị khác nhau. Do đó, bác sĩ khám bệnh kê đơn trên từng người bệnh cụ thể chứ không kê đơn theo bệnh lý chung.
“Thậm chí, trẻ có thể bị uống tăng liều do cùng lúc uống hai thuốc nhưng thực chất là cùng hoạt chất, khác nhau về tên thương mại. Quá liều dùng rất hại cho gan, thận, thậm chí ngộ độc. Việc tự chẩn đoán và điều trị là hết sức nguy hiểm, bởi có thể khiến bệnh nặng hơn, ví dụ với sốt xuất huyết, một số thuốc có thể làm tăng tình trạng xuất huyết, nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

tin liên quan

Báo động kháng thuốc ở Việt Nam
Việt Nam được coi là vùng trũng của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, nhất là kháng thuốc kháng sinh. Việc kháng thuốc khiến bệnh thường kéo dài; ngay cả cảm cúm, viêm họng bây giờ kéo dài cả mấy tuần mới khỏi.
Thời gian qua, Trung tâm Dị ứng miễn dịch - Lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận các bệnh nhân dị ứng thuốc do tự mua thuốc uống hoặc theo hướng dẫn của nhân viên nhà thuốc. Một số các trường hợp nhập viện do các phản ứng dị ứng như: mày đay, ngứa, phát ban, thậm chí bị hội chứng Stevens-Johnson hoặc Lyell (biểu hiện là các ban phỏng nước toàn thân, đặc biệt là loét hốc tự nhiên, có thể kèm theo truỵ tim mạch, suy thận).
“Tự dùng thuốc hết sức nguy hiểm. Ví dụ, cùng bị bệnh về tim, thuốc cho bệnh nhân A uống tốt nhưng với bệnh nhân B lại có thể gây nguy hiểm, thậm chí thiệt mạng. Hoặc một số thuốc huyết áp cần chỉ định/chống chỉ định rất nghiêm ngặt. Bệnh nhân có khi dùng rất tốt nhưng một thời gian sau thì suy giảm chức năng thận nhưng không biết. Do đó, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tim mạch, huyết áp và trong mọi tình huống khi có bệnh”, bác sĩ Đồng Văn Thành lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.