Rưng rưng với bộ ảnh “Vượt qua bóng tối” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
31/12/2019 15:39 GMT+7

Những người mê ảnh đều quen thuộc với tên tuổi nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, nhưng với bộ ảnh Vượt qua bóng tối vừa nhận được giải nhất (Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM), cảm xúc rưng rưng đã khiến nhiều người phải bật khóc.

“Tôi là đứa trẻ kém may mắn trong gia đình và phải sống tự lập tự nhỏ…”, mỗi khi mở lời nói về cuộc đời, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong luôn mở đầu bằng tâm sự nặng trĩu lòng như vậy. Rồi nhờ nhiều lần nhìn thấy bạn bè hay mang ra khoe những bức ảnh cảm động về gia đình còn lưu giữ, anh chợt nhận ra mình... mê mẩn với ảnh, với nghề chụp ảnh và chọn để gắn bó trở thành nghiệp.

Thầy Nguyễn Phi Hùng (Hiệp sĩ giao thông) trong giờ dạy cho các em định hướng

Thầy Nguyễn Đình Hậu hướng dẫn các em thực hiện các động tác thể dục

Thầy Nguyễn Văn Thanh - giáo viên khiếm thị trong giờ dạy nhạc cho em Quang Anh

Tất bật cùng miếng cơm, manh áo với đủ trải nghiệm trong giai đoạn làm một trẻ em đường phố đúng nghĩa, giữa Sài Gòn bon chen nhưng cũng đầy nghĩa khí,Trần Thế Phong có điều kiện gắn với các trẻ em bụi đời, khuyết tật, kém may mắn.
Đủ thứ cả. Anh kể: “Cuộc sống như nhân duyên của trời đất đã đưa tôi tới gặp các em khiếm thị tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Các bạn ấy cũng có hoàn cảnh bơ vơ giống chim non như tuổi thơ tôi. Chính vì vậy mà những cuộc trò chuyện ấy tựa như mưa dầm, thấm vào tận trái tim tôi lúc nào không biết. Hình ảnh tràn đầy sức sống, hồn nhiên, lạc quan của các em nhỏ khi không may mắn mất đi ánh sáng của cuộc đời. Chỉ còn lại tâm hồn là thật trong trẻo, ngôi trường và các thầy cô tại đây bỗng chốc trở thành nguồn sáng lớn lao của các em".

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong luôn tràn đầy tình yêu đối với trẻ em kém may mắn

Từ đó, anh trân trọng tình yêu thương, tâm huyết của các thầy cô đã chăm sóc, giáo dục cho các em khiếm thị từng bước để hòa nhập vào cuộc sống. Anh mong ước các em sẽ vượt qua bóng tối để tìm được ánh sáng cho chính mình và sẽ là những tấm gương tỏa sáng trong cuộc sống. Vì vậy mà mỗi góc bấm máy dường như cảm xúc cũng rung lên theo từng tiếng tách tách của tiếng bấm máy…”.

Cô Phạm Thị Thúy Hằng tập cho học sinh định hướng di chuyển

Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Hữu Thế kiểm tra bài cho các em

Giáo viên dạy các bé lớp mẫu giáo tập làm quen với chữ nổi Braille

Giờ học tiếng Anh

Bằng sự lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi và trái tim ngập tràn sự thương yêu, bộ ảnh Vượt qua bóng tối chụp tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM - “Những bức ảnh được chụp bằng tất cả cảm xúc từ trái tim tôi, với sự cảm phục những ý chí nghị lực, lạc quan của các em khiếm thị…”, như lời nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tâm sự đã lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo và được trao giải nhất, Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM lần 2 vừa trao cuối năm 2019.

Em Bảo Châu cảm nhận bài hát bằng thính giác do cô Trần Thị Tuyết Loan luyện tập

Giáo viên lớp 1C hướng dẫn các em tập viết chữ nổi Braille

Cô Như Hoa luyện tập cho các em thực hành đi thăng bằng

Cô Ngọc Diệp ôn bài học cho các em trước kỳ thi lên lớp

Trước niềm vui quá lớn ngay thềm năm mới, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tâm sự: “Với tôi giải thưởng lần này có thể là một trong những giải thưởng mang đến cho tôi niềm vui và đáng nhớ nhất, cùng nhiều cảm xúc đan xen khi bộ ảnh được đánh giá cao, qua nhiều hội đồng thẩm định và đặc biệt mang đến nhiều cảm xúc thật cho người xem. Thử hỏi, là nghệ sĩ nhiếp ảnh còn điều gì hạnh phúc hơn thế”.
Dịp này, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cũng vinh dự nhận được Bằng khen của UBND TP.HCM vì những đóng góp của anh cho nghệ thuật và cộng đồng. Xin chúc mừng tay máy Trần Thế Phong cùng những đứa con tinh thần của anh luôn chạm đến trái tim và cảm xúc người xem.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.