Rưng rưng đôi bàn tay tình nguyện với những đường nứt nẻ chực rớm máu

10/08/2021 11:08 GMT+7

“Những hôm lột bao tay ra, những đường nứt nẻ, có chỗ chực rớm máu. Nhưng tôi vẫn muốn làm, vì mọi người làm được thì tôi cũng làm được”, lời chia sẻ kèm hình ảnh đôi bàn tay của tình nguyện viên khiến nhiều người cảm động.

Trương Đình Diệu, được mọi người thường gọi là Hoài Biệt (31 tuổi, quê Quảng Ngãi) vào TP.HCM lập nghiệp mới được hơn 4 tháng thì đợt dịch căng thẳng lần thứ 4 bùng phát. Nghỉ việc không lương, cuộc sống chưa ổn định ở vùng đất mới nhưng thấy nhiều người trẻ khác tham gia hỗ trợ chống dịch, nghĩ mình cũng có sức trẻ tại sao không tham gia. Thế là từ đầu mùa dịch đến nay, không quản ngại khó khăn hay nguy hiểm, Hoài Biệt tham gia tình nguyện hỗ trợ ở nhiều nhiệm vụ khác nhau để cùng thành phố vượt qua dịch bệnh. Vì phải mang găng tay cả ngày nên Hoài Biệt cho biết đến lúc mở găng tay ra thì ai cũng sửng sốt với đôi bàn tay của mình, khi lớp da ướt sủng vì thấm mồ hôi và những đường chỉ tay nứt nẻ, rát buốt do ngâm mồ hôi quá lâu, nên rất khó chịu.

Đôi bàn tay với những đường nứt nẻ, có chỗ như chực rớm máu sau một ngày hỗ trợ chống dịch của Hoài Biệt

Dẫu nhiều khó khăn nhưng luôn động viên nhau cố gắng

Hoài Biệt kể trước kia khi còn ở quê, anh chàng rất nhiều lần tham gia tình nguyện cho nhiều chương trình. Trong đó có kêu gọi, quyên góp để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu vùng xa của tỉnh. Khi vào TP.HCM, thấy dịch bệnh bùng phát rất căng thẳng nên Hoài Biệt quyết tâm đăng ký và tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch.
“Có lần, lướt các trang mạng xã hội, thấy nhiều bạn trẻ cũng tham gia tình nguyện chống dịch, trong đó có vài người bạn và mình nghĩ: Người ta làm được, người ta không ngại nguy hiểm thì cớ gì mình không làm được. Và ngay trong thời điểm đó, mình nhắn tin cho vài người bạn, hỏi thăm cách thức đăng ký và sau đó được hồi đáp địa điểm, thời gian để mình được tham gia”, Hoài Biệt chia sẻ.

Hoài Biệt (ngoài cùng bên phải) cùng cả đội của mình, mặc dù công việc hỗ trợ chống dịch có vất vả nhưng tinh thần của các bạn lúc nào cũng tràn đầy năng lượng

Công việc đầu tiên của anh chàng là tham gia trực chốt ở các hẻm cách ly, sau đó là điều phối lấy mẫu tại TP. Thủ Đức, vận chuyển hàng hóa ở quận Bình Thạnh, hỗ trợ bếp ăn từ thiện ở quận Gò Vấp, hỗ trợ công tác nhập liệu ở quận 3 và đến nay, anh chàng tham gia xuyêt suốt với vai trò trưởng nhóm điều phối tiêm vắc xin ở quận 3 thuộc Quận đoàn quận 3 quản lý.

"Đã không ít người ngăn cản, họ cho rằng làm những điều nguy hiểm. Nhưng mình nghĩ, nếu ai cũng sợ nguy hiểm thì làm sao có thể chiến thắng được dịch bệnh. Khi đi làm công việc này bọn mình đều sợ, rất sợ nhưng cái mình sợ nhất đó là dịch cứ mãi kéo dài đầy nguy hiểm"

Tình nguyện viên HOÀI BIỆT

“Bọn mình phải đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ xuyên suốt cả ngày làm việc và chỉ được cởi ra khi ăn cơm. Công việc của tụi mình có những ngày phải đứng dưới nắng nóng thường xuyên nên sau 1 ngày làm việc, đến khi mở găng tay ai nấy cũng sửng sốt khi lớp da ướt sủng vì thấm mồ hôi và những đường chỉ tay nứt nẻ, rát buốt do ngâm mồ hôi quá lâu, gây khó chịu. Vì da mình và một số bạn nhạy cảm nên bị ngứa, nổi mụn nước và khi cọ sát sẽ dễ bị chảy máu theo đường nứt. Thấy vậy, các bạn trong nhóm mang theo kem dưỡng, thuốc xoa để khi ai cần thì dùng, cho đỡ cảm giác khó chịu”, chàng trai trẻ kể lại.

Hoài Biệt được hớt tóc khi tham gia hỗ trợ chống dịch

Cũng theo Hoài Biệt, không chỉ đôi bàn tay bị ảnh hưởng mà hầu như tâm lý ai cũng bị ảnh hưởng vì nghĩ: “Lúc nào mình cũng có thể tiếp xúc gần với F0, khả năng lây nhiễm rất cao”. Nhưng tất cả đều vui vẻ, động viên nhau để cùng hoàn thành tốt công việc.
“Ngoài công việc mỗi người đảm trách thì bọn mình còn phải dọn vệ sinh, phân loại rác thải sau mỗi ngày làm việc. Có những bạn vì đứng quá lâu hay đi lại nhiều nên gót chân bị tê, các khớp cũng bị chuột rút nhưng đều phải tự xử lý. Chưa kể, những lần yêu cầu người dân sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế, nhưng có không ít người dân vì quá nóng vội mà quát tháo, họ thiếu ý thức không tuân thủ, thậm chí lên tiếng lớn với bọn mình. Đã không ít bạn nhụt chí, nhưng bọn mình vẫn hay nhắc nhở nhau cùng cố gắng. Vì là trưởng nhóm nên khi các tình nguyện viên khác gặp khó khăn mình phải thường xuyên giải quyết những mâu thuẫn, hiểu lầm đó để mọi người hiểu hơn, thông cảm hơn cho công việc của bọn mình”, Hoài Biệt kể.

Bác sĩ ơi! Làm sao tránh lây Covid-19 cho người thân? | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Quyết tâm bám trụ thành phố để hỗ trợ chống dịch

Công việc hỗ trợ chống dịch của các tình nguyện viên là bất chấp ngày hay đêm, dù ngày nắng gắt hay mưa xối xả thì các bạn vẫn tham gia không ngừng nghỉ. Vậy động lực từ đâu để các bạn luôn nhiệt huyết và quyết tâm như vậy?
“Thật sự có đi mình mới hiểu được cái cực khổ của nhiều y bác sĩ, của lực lượng tuyến đầu. Hôm trước rảnh được vài phút, mình có gặp chị bác sĩ kia, chị ấy tâm sự một câu khiến mình chạnh lòng. Đó là “hơn 2 tuần rồi chị chưa được về nhà, con chị mới bỏ bú, chị nhớ con lắm”. Và đó là một trong những động lực giúp mình và mọi người quyết tâm mỗi ngày để tham gia, hỗ trợ, đỡ đần được phần nào hay phần đấy, để những lực lượng tuyến đầu sớm được về với gia đình”, Hoài Biệt tâm sự.
 

Mặc dù ba mẹ cứ bảo về quê để tránh dịch, nhưng Hoài Biệt vẫn quyết tâm bám lại thành phố tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, với mong muốn một ngày không xa TP.HCM sẽ khoẻ lại

Và anh chàng bày tỏ thêm: “Mình muốn đại dịch được sớm đẩy lùi, để cuộc sống trở lại như trước kia. Trẻ em được đến trường đều đặn, mọi người lại vào guồng quay của công việc. Mình muốn mọi người hiểu hơn về công việc của bọn mình đang làm. Vì khi tham gia làm tình nguyện viên chống dịch, mình hầu như giấu gia đình, bạn bè. Gia đình cứ bảo mình về quê, nhưng mình nhất quyết bám trụ ở đây, và cùng mọi người tham gia chống dịch. Đã không ít người ngăn cản, họ cho rằng làm những điều nguy hiểm. Nhưng mình nghĩ, nếu ai cũng sợ nguy hiểm thì làm sao có thể chiến thắng được dịch bệnh. Khi đi làm công việc này bọn mình đều sợ, rất sợ nhưng cái mình sợ nhất đó là dịch cứ mãi kéo dài đầy nguy hiểm”.
Điều mà hiện nay Hoài Biệt cũng như tất cả các tình nguyện viên tham gia chống dịch mong muốn nhất là ý thức trách nhiệm từ mỗi người trong công tác phòng chống dịch. “Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng chống dịch trong thời điểm hiện tại. Thái độ tốt sẽ giúp những tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch như tụi mình, cùng các y bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp mọi người sớm quay lại với cuộc sống bình yên hạnh phúc. Để rồi một ngày không xa sắp tới, chúng ta sẽ đối diện nhau bằng nụ cười thật tươi mà không phải thông qua lớp khẩu trang ngột ngạt kia nữa”, Hoài biệt gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.