Rừng phòng hộ núi Dinh bị ‘xẻ thịt’

19/11/2018 06:27 GMT+7

Rừng phòng hộ núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhiều năm qua có hàng loạt công trình, nhà kiên cố, biệt thự mọc lên. Ngoài ra, hoạt động khai thác đá làm ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp rừng phòng hộ này.

Rừng phòng hộ (RPH) núi Dinh là một trong những khu rừng quan trọng góp phần cân bằng sinh thái trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) và khu vực lân cận. Thế nhưng, hiện trên RPH có hàng loạt cơ sở, nhà kiên cố, hàng quán được xây dựng. Từ phản ánh của người dân về tình trạng xâm chiếm RPH để xây dựng, đầu tháng 11, PV Thanh Niên đến đây ghi nhận thực tế.
[VIDEO] Công trình, quán nhậu, mỏ đá đe dọa rừng phòng hộ núi Dinh
Từ nhà kiên cố, hàng quán...
Từ chân núi Dinh (xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) lên đỉnh núi, ở khúc cua đầu dốc, một bảng hiệu lớn của một quán nhậu đập ngay vào mắt. Quán xây kiên cố, chuyên phục vụ tiệc sinh nhật, liên hoan… Bên trong quán dựng nhiều nhà tôn, mái che rộng lớn và bàn ghế bày san sát. Càng lên cao, có rất nhiều chùa chiền và hàng quán. Có nhiều quán rộng cả trăm mét vuông che lều bạt, để ghế, võng, lụp xụp hai bên đường lên núi, nhếch nhác.
Quán nhậu nằm giữa rừng phòng hộ, “bóp nghẹt” suối Tiên
Quán nhậu nằm giữa rừng phòng hộ, “bóp nghẹt” suối Tiên
Phía sau các hàng quán, bên dưới là dòng suối Tiên quanh năm chảy róc rách cũng đang bị “bóp nghẹt” bởi các quán nhậu che lều bạt, bám dọc suối dài hàng trăm mét. Khi chúng tôi đến, nhân viên chuẩn bị bàn ghế, quạt lửa đỏ rực để làm đồ nhậu phục vụ thực khách ngay bên bờ suối, thuộc RPH.
Họ xây vậy cũng để có chỗ ở để giữ rừng, không dùng mục đích khác nên về luật có thể sai nhưng về tình có thể thông cảm
Ông Châu Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý RPH thuộc BQL RPH tỉnh BR-VT

Tiếp tục lên núi, hai bên đường có 3 căn nhà kiên cố nằm giữa RPH. Trong đó, căn nhà gỗ xây kiểu nhà sàn, mái ngói đỏ, xung quanh nhà là khu đất được phát dọn bằng phẳng, dựng nhiều bồn chứa nước loại lớn và xây dựng một số công trình phụ. Cổng những căn nhà thường đóng im ỉm và nuôi chó dữ để bảo vệ. Xung quanh nhà được rào kín bởi lưới thép, bọc luôn cả khu vực rừng kéo dài hàng trăm mét. Theo người dân, căn nhà gỗ mái ngói và nhà lầu là của một “đại gia” Sài Gòn và một “đại gia” tại TP.Vũng Tàu.
Trên đường mòn đi vào hướng chùa Hang Mai, gần đỉnh núi cũng có nhiều căn nhà xây dựng kiên cố, lợp tôn nằm chễm chệ giữa RPH.
Đến mỏ đá “xẻ thịt” rừng phòng hộ
Dọc tuyến đường Bà Rịa - Châu Pha (H.Tân Thành), chỉ một đoạn vài ki lô mét nhưng có hàng loạt mỏ đá. Từ ngoài đường lớn cách mỏ đá hơn 100 m đã thấy từng triền núi bị bạt phẳng, lởm chởm đá. Các mỏ khai thác đá nối liền nhau tạo nên vệt ăn sâu vào vách núi kéo dài cả ki lô mét. Các con đường nhánh trong khu dân cư nối với đường Bà Rịa - Châu Pha bị xe tải vào ra chở đá chạy ầm ầm, bụi cuốn mù mịt. Xe tải chở đá cày xéo hằng ngày khiến những con đường này nát bươm, sục bùn đất, gồ ghề. Người dân dùng cả thùng phuy, đá tảng và bê tông bỏ dọc hai bên đường để “giảm tốc” xe tải chở đá.
Hàng loạt điểm khai thác đá, bạt chân núi Dinh như đại công trường nham nhở chạy dọc theo QL56, tuyến tránh TP.Bà Rịa ảnh: TIỂU THIÊN
Hàng loạt điểm khai thác đá, bạt chân núi Dinh như đại công trường nham nhở chạy dọc theo QL56, tuyến tránh TP.Bà Rịa Ảnh: TIỂU THIÊN
Tại các mỏ đá, hàng loạt máy xay đá chạy ầm ầm, bụi đá bay mù mịt. Xe tải vào ra chở đá nườm nượp. Bãi khai thác rộng cả ngàn mét vuông ngay dưới chân núi Dinh, ăn vào RPH. Núi đá bị bạt phẳng và tạo vực sâu hoắm xuống hơn cả 100 m. Những vạt rừng với cây cối trên núi nhìn cheo leo rất dễ đổ sập. Máy khoan, máy múc hoạt động liên tục.
Các bãi đá ngổn ngang nối tiếp nhau và nham nhở như một đại công trường khổng lồ. Một người dân lo ngại: “Các mỏ khai thác, đào sâu cả 100 m xuống như vậy, mà lại nằm trên núi thì việc hoàn thổ sau khai thác là điều khó khả thi. Nhiều mỏ hiện nay có xu hướng xin giấy phép lấn sâu vào núi, “cắn” luôn vào RPH để khai thác đá”.
Còn tại khu vực núi Dinh dọc theo tuyến QL56 tuyến tránh TP.Bà Rịa, hoạt động khai thác đá cũng diễn ra vô cùng rầm rộ. Bên cạnh QL56 là những bãi khai thác đá rộng cả héc ta, tạo ra hố sâu hoắm cách đường gần cả 100 m. Những mảng núi bị vạt phẳng, có nơi bị cày xới nham nhở. Bên trái đường là các bãi xay đá khổng lồ nối liền nhau với hàng chục máy xay đá hoạt động. Từng đống đá xay lớn như núi nối liền nhau kéo dài cặp sát QL56 chạy dài hàng trăm mét.
Cấp phép làm nhà lá, nhưng hiện hữu nhà kiên cố
Liên quan đến việc xâm phạm RPH núi Dinh, PV Thanh Niên làm việc với Ban Quản lý (BQL) RPH tỉnh BR-VT. Ông Châu Anh Đức (Trưởng phòng Quản lý RPH thuộc BQL RPH tỉnh BR-VT) xác nhận hiện trên khu vực RPH có 11 ngôi chùa xây dựng nhiều năm trước đây và hiện hữu nhà kiên cố ngay giữa rừng. Theo ông Đức, BQL rừng đã có báo cáo về tỉnh những ngôi chùa xây dựng trong khu vực RPH. Hiện tỉnh yêu cầu các chùa giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng, cơi nới thêm để chờ phương án xử lý.
Căn nhà một trệt một lầu (đối diện nhà gỗ) xây dựng giữa rừng phòng hộ
Căn nhà một trệt một lầu (đối diện nhà gỗ) xây dựng giữa rừng phòng hộ
Về căn nhà gỗ mái ngói và căn nhà lầu xây kiên cố nói trên, ông Đức cho biết, năm 2011 Giám đốc BQL RPH có công văn số 290, 291 về việc chấp thuận việc xây dựng chòi tạm để bảo vệ rừng nhận khoán cho ông Phạm Tiến Tịnh (ngụ P.An Phú, Q.2, TP.HCM) và ông Nguyễn Văn Tiếp (ngụ P.Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu). Hai công văn này thể hiện, đồng ý cho hai ông Tịnh, Tiếp, mỗi người sử dụng không quá 200 m2 đất RPH làm lán trại tạm để canh giữ rừng giao khoán.
Công văn cũng ghi rõ “chỉ được cất bằng vật liệu nhẹ như: tranh, tre, lá… không được xây cất bằng vật liệu kiên cố”. Ông Đức giải thích “họ xây vậy cũng để có chỗ ở để giữ rừng, không dùng mục đích khác nên về luật có thể sai nhưng về tình có thể thông cảm. Chúng tôi sẽ ghi nhận và cho kiểm tra lại hai căn nhà này”. 
Nhiều hệ lụy từ khai thác đá
Ông Đức cho biết thêm qua thống kê hiện có 18 mỏ đá với diện tích 409,42 ha tiếp giáp với RPH. Việc xác định và thống nhất ranh giới giữa đất rừng và khu vực được phép khai thác đá rất phức tạp. Các doanh nghiệp được cấp phép thì khai thác tối đa trữ lượng, khai thác sát hoặc lấn vào ranh RPH. Có trường hợp cơ quan thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ và cho thuê đất chồng lên đất RPH, điển hình như: Mỏ đá lô số 0 xã Châu Pha, H.Tân Thành chồng lấn 7,8 ha RPH; mỏ đá lô số 8 (P.Kim Dinh, TP.Bà Rịa) chồng lấn 13,9 ha rừng trồng.
Theo ông Đức, các mỏ đá tiếp giáp hoặc chồng lấn vào khu vực RPH dẫn đến khó kiểm soát người ra vào rừng để đảm bảo công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Việc khai thác đã làm phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ lâu, gây ô nhiễm nặng môi trường tại khu vực RPH. Các mỏ đá khai thác sâu, dốc dưới khu vực chân núi RPH dẫn đến nguy cơ sạt lở, kéo theo đất và cây rừng đổ theo. Khai thác đá làm ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống người dân xung quanh, mất an toàn giao thông khi các xe chở đá ra vào liên tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.