Rủi ro tiềm ẩn với mô hình đóng học phí một lần

06/04/2024 05:39 GMT+7

Hợp đồng vay vốn giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục ngoài công lập hay đóng học phí một lần cho cả khóa tuy không mới nhưng đến vụ việc của Trường quốc tế AISVN và hệ thống Anh ngữ Apax Leaders đã cho thấy rõ nhiều rủi ro và kẽ hở.

HUY ĐỘNG HÀNG NGÀN TỈ ĐỒNG

Hợp đồng vay vốn giữa trường ngoài công lập và phụ huynh (PH) đã xuất hiện tại TP.HCM ít nhất từ 10 năm trước. Theo đó, hợp đồng thực hiện là sự thỏa thuận theo hình thức song vụ, tức quyền lợi của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Trường mong muốn có khoản vốn tức thì và PH được cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian hợp đồng có hiệu lực. Hợp đồng gồm những điều khoản căn bản, mang tính chất công bằng về quyền lợi của hai bên.

Tuy nhiên, từ tháng 9.2023 đến nay, một số PH căng băng rôn tố cáo và yêu cầu Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường quốc tế AISVN) hoàn trả khoản tiền vay như đã cam kết sau khi con em họ hoàn tất thời gian học tập tại trường. Thời điểm đó, ông N.C.T, PH có con học Trường quốc tế AISVN, cho biết vào tháng 2.2018, nhà trường thông qua người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Út Em (Chủ tịch Hội đồng trường) ký hợp đồng vay vốn của ông với tổng số tiền khoảng 5 tỉ đồng, lãi suất 0%. Điều kiện của hợp đồng vay tiền là hai con của ông T. được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi hai người con kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường. Đến tháng 12.2022, ông T. đã hoàn thành thủ tục chuyển trường và có nhiều buổi gặp gỡ, làm việc với đại diện nhà trường. Phía nhà trường hẹn đến tháng 3.2023 sẽ hoàn trả số tiền đã vay theo hợp đồng. Tuy nhiên, qua nhiều tháng chờ đợi, theo vị PH này, vẫn không nhận được bất cứ đồng nào…

Rủi ro tiềm ẩn với mô hình đóng học phí một lần- Ảnh 1.

Học sinh Trường quốc tế AISVN trong ngày trở lại trường sau thời gian nghỉ vì không có giáo viên

PHCC

Khi đó, trong phản hồi bằng thông cáo báo chí với phóng viên Thanh Niên, đại diện nhà trường là bà Nguyễn Thị Út Em lý giải chậm trả tiền cho PH vì trường gặp khó khăn trong những năm đại dịch Covid-19 và "đang đẩy mạnh việc tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động tài chính". Dự kiến việc tái cấu trúc này sẽ được hoàn tất chậm nhất trong quý 1/2024. Cũng theo thông cáo báo chí, nhà trường sẽ xây dựng các phương án, cơ chế giải quyết công nợ để đảm bảo sự công bằng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, hoàn tất việc hoàn trả gói đầu tư giáo dục cho PH "với phương thức trả dần sau khi tái cấu trúc".

Thế nhưng, đến tháng 3.2024, câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi khoảng 1.200 học sinh (HS) đang theo học tại trường này phải nghỉ học do giáo viên đồng loạt không đến trường. Nguyên nhân do trường này nợ lương giáo viên, nhân viên, các khoản tiền cung cấp dịch vụ xe đưa đón… từ tháng 1 khiến hoạt động của trường bị ngừng trệ, HS phải gián đoạn việc học.

Cũng theo số liệu được trường này báo cáo với tổ công tác của UBND TP.HCM vào tháng 10.2023, trường ký kết 3 loại hợp đồng với PH, gồm: hợp đồng đồng hành (6 hợp đồng); hợp đồng có hoàn lại (1.231 hợp đồng), tương đương 3.600 tỉ đồng; hợp đồng trọn khóa không hoàn lại (224 hợp đồng), tương ứng 442 tỉ đồng. Cũng theo báo cáo của nhà đầu tư, có 328 hợp đồng đã được hoàn lại với tổng số tiền 720 tỉ đồng, còn hơn 900 hợp đồng với 2.880 tỉ đồng chưa hoàn lại.

Rủi ro tiềm ẩn với mô hình đóng học phí một lần- Ảnh 2.

Phụ huynh mong muốn cơ quan chức năng quản lý và có công cụ phối hợp xử lý hiệu quả mỗi khi có rủi ro xảy ra như vụ Apax Leaders

NGỌC LONG

PHỤ HUYNH ĐÓNG HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG, TRUNG TÂM ĐÓNG CỬA

Tương tự, hệ thống Anh ngữ Apax Leaders gây xôn xao dư luận thời gian qua khi đột ngột đóng cửa nhiều trung tâm rồi liên tục trễ hẹn hoàn học phí. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đông đảo PH vì để được hưởng các ưu đãi như giảm học phí hay tặng thêm buổi học, họ phải đóng trước hàng chục đến hàng trăm triệu đồng trong một lần, thậm chí mở thẻ tín dụng để trả góp.

Khi nhận tin cựu Tổng giám đốc Apax Leaders Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Trần Văn Nghiêm (ngụ Q.7, TP.HCM) cùng hơn 290 PH là nạn nhân của chuỗi trung tâm này đã gửi đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Trước đó, ông Nghiêm cũng đại diện cho hàng trăm PH nhiều lần gửi thư đến các cơ quan chức năng.

"Trong khoảng 380 PH nhóm tôi, chỉ 25 người nhận lại toàn bộ học phí, hơn 10 người được trả cỡ 80% và chỉ vài người nhận 5%. Có thể thấy con số này chỉ chiếm vài phần trăm và về bản chất đây là cách tạm thời đối phó với PH", ông Nghiêm chia sẻ và cho biết thêm không ít PH đóng học phí một lần trị giá hàng trăm triệu đồng, trong đó có nhiều người phải trả góp qua thẻ tín dụng do Apax Leaders hỗ trợ mở.

"Điều chúng tôi mong mỏi nhất bây giờ không phải là đòi được tiền mà là hy vọng cơ quan chức năng có thể xét xử nghiêm minh, triệt để trường hợp của Shark Thủy và Tập đoàn Egroup để cảnh báo những đơn vị khác có ý định vi phạm tương tự", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Rủi ro tiềm ẩn với mô hình đóng học phí một lần- Ảnh 3.

Từ tháng 9.2023, một số PH căng băng rôn tố cáo và yêu cầu Trường quốc tế AISVN hoàn trả khoản tiền vay như đã cam kết sau khi con em họ hoàn tất thời gian học tập tại trường

PHCC

TRƯỜNG CÓ ĐƯỢC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG HUY ĐỘNG VỐN ?

Câu chuyện của Trường quốc tế AISVN thực hiện các hợp đồng với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng và mất khả năng thanh khoản dẫn đến việc "ăn đong" từ nay đến hết năm đã đặt ra câu hỏi: Trường học có được thực hiện hợp đồng huy động vốn?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thành Huân, Giám đốc Công ty Luật sư 11, khẳng định hiện nay, không có bất cứ quy định nào cấm trường dân lập huy động vốn. Ở một góc độ khác, tại khoản 2 điều 16 Nghị định 16/2015 còn cho phép cả trường công lập tự chủ về tài chính được vay vốn, huy động vốn thì không có lý do để cấm trường ngoài công lập huy động vốn.

Tuy nhiên, theo luật sư Huân, quy định tại khoản 6 điều 27 Nghị định 46/2017 về điều kiện để trường trung học hoạt động giáo dục thì ngoài việc phải được cấp phép, có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ, địa điểm, cơ chế tổ chức thì bắt buộc phải có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục. Do đó, "việc huy động vốn dẫn đến mất khả năng chi trả là dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy nguồn lực tài chính của nhà trường đang gặp vấn đề lớn. Các cơ quan quản lý giáo dục cần vào cuộc để thẩm định lại điều kiện hoạt động của trường. Nếu nguồn lực tài chính không bảo đảm duy trì, phát triển hoạt động giáo dục hoặc có hành vi kê khai gian dối về tài chính trong hồ sơ hoạt động thì có thể đình chỉ hoạt động của nhà trường theo điều 30 Nghị định 46/2017/NĐ-CP", Giám đốc Công ty Luật sư 11 viện dẫn.

Còn thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia giáo dục độc lập, cho rằng bản chất của "gói đầu tư giáo dục" mà các trường phổ thông quốc tế, song ngữ thường tiếp thị với PH là một hợp đồng vay vốn hay huy động vốn. Trong đó PH đồng ý đóng trước một khoản tiền (cho vay) trong nhiều năm (có thể tới 15 năm) đổi lại HS được học miễn phí hoặc được giảm học phí tới 40% hoặc hơn so với đóng lẻ từng năm.

Mặt tích cực của gói đầu tư này là PH có tiền nhàn rỗi hoặc có khả năng đóng phí nhiều năm sẽ được hưởng chiết khấu trên học phí rất cao, không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí từng năm (khoảng 10 - 15%) nếu đóng lẻ. Nhưng mặt trái là PH sẽ phải theo trường suốt một thời gian dài ngay cả khi nhu cầu có thay đổi, hoặc chất lượng trường học đã thay đổi. Ngoài ra, việc trao trước số tiền lớn cho trường học cũng kèm theo rủi ro là trường hoàn toàn có khả năng gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Món tiền đó không được bảo hiểm, và nếu trường phá sản thì cũng chỉ thực hiện theo luật phá sản của doanh nghiệp vì hầu hết trường tư hoạt động như một công ty hay doanh nghiệp vì lợi nhuận.

Chính vì thế, theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, khi lựa chọn tham gia gói đầu tư, PH cần tìm hiểu kỹ ai là chủ trường, uy tín của họ tới đâu, mức độ cam kết của họ với phát triển trường cũng như chất lượng giáo dục tới đâu, tiềm lực tài chính của họ ra sao… Nếu kế hoạch và năng lực quản lý tốt thì PH có thể cân nhắc tham gia để "cả hai cùng thắng". Nhưng nếu không có thông tin đáng tin cậy, PH cần cân nhắc vì khả năng trường mất tiền, mất khả năng trả nợ, không còn tài sản để giữ cam kết với phụ huynh là rất cao. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.