Rủi ro đầu tư PPP: 'Mình mua thời gian để thế hệ sau phải trả'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/07/2023 16:12 GMT+7

Ông Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học Fulbright Việt Nam, nói giải pháp cho các rủi ro trong dự án PPP hiện nay chủ yếu là "giãn ra để thế hệ sau phải trả, mua thời gian để ông nhiệm kỳ sau gánh rủi ro". Điều nay làm môi trường đầu tư PPP ngày càng nhếch nhác, không có nhà đầu tư PPP cho các dự án lớn.

Sáng 11.7, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Hội đồng Lý luận T.Ư, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Tư nhân ngại đầu tư, ngân hàng ngại xuống tiền và quan chức ngại ký"

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Đỗ Ngọc An cho hay, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức PPP ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.

'Mình mua thời gian để thế hệ sau phải trả, ông nhiệm kỳ sau gánh rủi ro' - Ảnh 1.

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Đỗ Ngọc An phát biểu khai mạc hội thảo

NGỌC THẮNG

"Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác", ông An nêu.

Theo ông An, điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tham luận tại hội thảo, ông Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học Fulbright Việt Nam, chuyên gia tư vấn ADB, cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai các dự án PPP ở Việt Nam hiện nay là cả Nhà nước lẫn tư nhân không dám làm vì chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro.

"Thời điểm hiện nay có thể nói tư nhân rất ngại đầu tư, ngân hàng rất ngại xuống tiền và quan chức rất ngại ký", ông Nghĩa khái quát.

Ông Nghĩa phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài rất ít đầu tư vào hạ tầng, chủ yếu đầu tư lĩnh vực năng lượng. 16 dự án năng lượng cơ bản không có trục trặc gì vì Nhà nước chấp nhận luật chơi của quốc tế với cam kết cực kỳ rõ ràng chứ không lùng nhùng như trong dự án hạ tầng, giao thông, đường sá.

"Ở các dự án BOT giao thông, nếu dân không trả phí một cái, trục trặc là Nhà nước ngay lập tức xả trạm ngay. Nếu ở nước ngoài như thế họ kiện ngay", ông Nghĩa nói và cho rằng, thời gian qua doanh nghiệp trong nước làm các dự án PPP bị vướng và rủi ro về pháp lý.

Nhà nước không chịu chia sẻ sòng phẳng với nhà đầu tư. Đầu tư tư nhân thì không mạnh mẽ được vì không ép Nhà nước cam kết được, và nếu có ép được cũng không buộc họ phải thi hành được. 

Ông Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học Fulbright Việt Nam, chuyên gia ADB

12 rủi ro khi triển khai các dự án PPP tại Việt Nam 

Theo ông Nghĩa, nghiên cứu của ADB chỉ ra 12 loại rủi ro xuất hiện phổ biến ở Việt Nam khi triển khai các dự án PPP. Trong đó 10/12 loại rủi ro chưa có cách giải quyết triệt để.

"12 rủi ro mà đến 10 loại chưa có cách xử lý thì làm sao người ta dám xuống tiền, dám đầu tư", ông Nghĩa nói, nêu ví dụ Nhà nước nói anh sẽ làm con đường này và độc quyền thu phí một thời gian, nhưng sau đó cũng Nhà nước không làm nữa mà lại làm con đường khác thì nguồn thu không đảm bảo được nữa.

Để thúc đẩy PPP, ông Nghĩa đề xuất Nhà nước phải hiểu doanh nghiệp cũng như những rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ. "Nếu rủi ro xảy ra Nhà nước phải có sẵn dòng tiền để trả", ông Nghĩa nêu.

'Mình mua thời gian để thế hệ sau phải trả, ông nhiệm kỳ sau gánh rủi ro' - Ảnh 3.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học Fulbright Việt Nam, chuyên gia ADB

NGỌC THẮNG

"Có một thành phố ở nước ta bị kiện và 1 triệu USD tiền thuê luật sư không biết lấy ở đâu. Khi xử chúng tôi thấy hóa ra ở mình lấy được tiền ngân sách quá khó. Thế thì bao giờ mới lấy được tiền để đền bù khi không thu được phí của đoạn đường?", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, hiện nay không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính xử lý những việc phát sinh như vậy. Mỗi một bộ, mỗi một ngành là một cõi trời riêng, không có ai chịu trách nhiệm chung cho việc này.

Từ đó, ông Nghĩa đề xuất nếu Chính phủ muốn thúc đẩy PPP thì phải có một quyết định chính trị dẫn dắt, không phải Nhà nước đầu tư mồi mà Nhà nước sẵn sàng có dòng tiền để chia sẻ rủi ro khi đầu tư. Sau đó, phải giao cho một cơ quan hiểu biết về rủi ro, đánh giá được rủi ro.

"Và những người làm việc trong cơ quan đó phải là chuyên gia giỏi, lương mỗi tháng phải 50, 70, 80 hay 200 triệu/tháng, chứ không thể là công chức 8 triệu/tháng được", ông Nghĩa nêu.

"Chỉ có Nhà nước thông minh thì mới làm cho cuộc chơi PPP diễn ra được, còn nếu không thì không nên làm PPP", ông Nghĩa nói, và cho rằng, nếu chấp nhận hết luật chơi của nước ngoài thì hóa ra Việt Nam phải cam kết trả nợ hết. Như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn càng chạy càng lỗ, rồi như điện càng chạy nhiều nước Việt Nam càng trả nhiều.

Ngược lại, nếu đầu tư như các nhà thầu xây dựng trong các dự án giao thông vừa qua thì chỉ cần dân không trả phí là xả trạm, sửa luật…

"Suy cho cùng giải pháp của mình là giãn ra để thế hệ sau phải trả, mua thời gian để ông nhiệm kỳ sau gánh rủi ro. Điều đó làm môi trường đầu tư PPP ngày càng nhếch nhác, không có nhà đầu tư PPP cho các dự án lớn", ông Nghĩa đúc kết.

"Đây là cơ hội để Việt Nam nếu muốn làm PPP thì phải thiết kế cơ chế chính trị để Nhà nước thông minh, hiểu rủi ro và sẵn sàng có dòng tiền trung, dài hạn để động đến là có tiền trả. Hai là có một thể chế khôn ngoan đủ nói chuyện với tư nhân, hệ thống đó cần những người giỏi và trả công xứng đáng cho người ta", ông Nghĩa nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.