Rong phủ kín đầm An Khê, người dân tạm nghỉ giăng lưới bắt cá nhưng... vui

28/10/2023 10:50 GMT+7

Rong phủ kín làn nước nên việc giăng lưới bắt cá gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng nhiều người dân mưu sinh trên đầm An Khê (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) vô cùng phấn khởi vì điều ấy hứa hẹn cá tôm dồi dào.

Tạm nghỉ thả lưới chuyển sang chăm bón cây

Những ngày này, ông Trần Quang Long ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) treo lưới bên hiên nhà thay vì chèo thuyền mưu sinh trên đầm An Khê như mọi ngày. Bởi vì, lượng rong trong đầm khá nhiều nên việc thả lưới bắt cá gặp khó khăn.

Theo ông Long cùng nhiều người dân địa phương, rong xuất hiện chừng 6 tháng trước và ngày càng lan rộng. Rong vướng vào lưới nên khó dính cá. Sau khi thu lưới, họ phải gỡ từng cọng rong khá vất vả và dễ bị hư hại. Vì vậy, nhiều người dừng thả lưới bắt cá dẫu đây là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình.

"Rong nhiều quá nên phải tạm nghỉ chứ thả lưới cũng không bắt được bao nhiêu. Vậy nên nhiều người nghỉ làm đầm chứ không riêng gì tôi", ông cho biết.

Rong phủ kín đầm An Khê, người sống bằng nghề đánh cá phấn khởi - Ảnh 1.

Một góc đầm An Khê

TRANG THY

Ông Tướng Văn Minh, trưởng thôn Phú Long và là người nhiều năm mưu sinh trên đầm An Khê, cho biết: "Trên địa bàn thôn có hàng trăm người thả lưới bắt cá trên đầm An Khê. Mỗi ngày, họ thu nhập đôi ba trăm nghìn đồng, có bữa trúng đậm được cả tiền triệu, gặp hôm bắt ít cũng đủ mang về chế biến thức ăn trong bữa cơm gia đình. Hiện nay do rong lan rộng trong nước nên nhiều người tạm dừng đánh bắt. Một số người chịu khó mưu sinh thì đợi khi trời không có gió mới mang lưới ra thả cách xa nơi có rong. Thế nhưng, lượng cá đánh bắt được chẳng đáng là bao".

"Cá lượn lờ trong khu vực có rong để tìm kiếm thức ăn và sinh sản chứ ít khi bơi ra ngoài. Vì vậy, nhiều hộ tạm nghỉ thả lưới chuyển sang chăm bón các loại cây hoa màu", ông nói.

Rong phủ kín đầm An Khê, người sống bằng nghề đánh cá phấn khởi - Ảnh 2.

Những chiếc thuyền nằm bờ vì người dân không thể thả lưới bởi rong quá nhiều

TRANG THY

Dành cho ngày sau

Với ông Minh và nhiều người thả lưới bắt cá trên đầm An Khê, rong phát triển là điều đáng mừng vui. Vì đó là điều kiện cho tôm cá sinh sôi, hứa hẹn đánh bắt được nhiều.

8 năm trước, rong cũng lan rộng trong đầm rồi tự phân hủy với lượng cá tôm nhiều vô kể. Người dân dùng vợt vớt tôm, tép nổi dày trên mặt nước. Cá, cua, rạm cũng khá dồi dào đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong vùng.

"Rong là nơi trú ngụ và giúp các loại thủy sản trong đầm sinh sôi. Khi nào có rong thì nhất định sau đó sẽ có nhiều tôm, tép, cá, cua, rạm... Qua đó, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản cho bà con đánh bắt lâu dài và để dành cho con cháu sau này", ông Minh vui vẻ tâm sự.

Rong phủ kín đầm An Khê, người sống bằng nghề đánh cá phấn khởi - Ảnh 3.

Ông Minh (phải) và ông Long không thể thả lưới vì rong nhiều nhưng vô cùng phấn khởi vì đầm sẽ dồi dào cá tôm

TRANG THY

Ông Phạm Kim Oanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Khánh cho biết trên địa bàn xã có 258 hộ với 574 lao động khai thác thủy sản trên đầm An Khê. Đầm còn là nơi mưu sinh của khoảng 60 hộ dân P.Phổ Thạnh cư trú ven bờ. Trung bình mỗi ngày một hộ thu được 200.000 đồng. Theo ông, tổng thu nhập hàng năm từ việc đánh bắt thủy sản trên 18 tỉ đồng, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Vậy nên trong thời gian qua, xã đã chú trọng công tác tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven đầm để khai thác lâu dài.

"Chúng tôi tuyên truyền để bà con hiểu rõ tác dụng của việc khai thác thủy sản bền vững, không dùng lưới kéo mắc dày, lồng nhử lưới dày và kích điện đánh bắt theo kiểu tận diệt. Lực lượng chức năng sẽ tuần tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng sẽ lắp đặt camera ghi hình tầm xa và có độ phân giải cao để phát hiện, xử lý những ai vi phạm...", ông Oanh nói.

Đầm An Khê có diện tích 355 ha nằm cạnh di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đầm và khu vực phụ cận là không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh cổ. Đầm An Khê cùng 4 điểm di tích liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.