Rơm rạ, vỏ trấu tưởng vứt đi nhưng lại giúp nông dân 'bán ra tiền'

29/12/2021 17:30 GMT+7

Rơm rạ, vỏ trấu thường bị đốt hoặc bỏ lãng phí ngoài đồng ruộng sau thu hoạch, nhưng khi Tập đoàn TH thu mua để phục vụ chăn nuôi bò sữa thì các “phụ phẩm” đó trở thành nguồn thu nhập ổn định của người nông dân.

Người nông dân hiện đã có thu nhập ổn định từ rơm - phụ phẩm nông nghiệp trước đây thường bị bỏ đi và lãng phí

TH True Milk

Chi tiền tỉ mua rơm rạ, vỏ trấu

Tạo sinh kế, góp phần tăng thu nhập cho người dân luôn nằm trong số những mục tiêu ưu tiên của Tập đoàn TH khi triển khai các dự án. Đối với người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, kể từ khi dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa công nghệ cao chính thức được vận hành, người nông dân vùng bắc Trung bộ ngỡ ngàng khi nhiều loại phụ phẩm như rơm, vỏ trấu bao lâu nay chỉ là chất đốt hoặc bỏ đi sau mỗi vụ thu hoạch lại thành sản phẩm bán ra tiền. Cụ thể từ năm 2011, Tập đoàn TH đã chính thức tiến hành thu mua rơm, vỏ trấu (các phụ phẩm nông nghiệp), thân cây ngô… để chăn nuôi bò sữa.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Bá Trường, Quản lý kế hoạch Công ty Agitech (thuộc Tập đoàn TH) cho biết, doanh nghiệp này đã hỗ trợ hàng nghìn nông dân trồng ngô sinh khối (để chế biến thức ăn cho bò sữa) và TH bao tiêu đầu ra. TH cũng thu mua rơm rạ, vỏ trấu để dùng làm nền chuồng cho trang trại bò với 45.000 con tại Nghệ An. Ban đầu, TH mua những phụ phẩm (rơm, vỏ trấu) này chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An nhưng đến nay địa bàn thu mua đã mở rộng ra nhiều địa phương trên toàn quốc.

Trước đây, người dân địa phương trồng ngô để lấy hạt theo hướng tự cung, tự cấp với thời gian thu hoạch lâu, sau khi thu hoạch bắp thì thân cây ngô cũng bị bỏ đi. Thân cây ngô, rơm rạ, trấu xem như phụ phẩm, bà con thường đốt, vứt bỏ dưới đồng. Từ khi TH hướng dẫn trồng ngô sinh khối (lấy toàn bộ thân cây và bắp non) rồi thu mua, người dân tham gia vào liên kết sản xuất thức ăn cho bò sữa nên giá trị kinh tế từ ngô, rơm, trấu,… cao hơn nhiều.

Với ngô sinh khối, vừa bán được giá, vừa không còn cảnh những cánh đồng đầy thân cây héo úa sau thu hoạch bắp

TH True Milk

“Giờ người dân có định hướng trồng ngô sinh khối, dùng phụ phẩm theo hướng hàng hóa. Từ khi có sự liên kết của TH, nếu có diện tích đất phù hợp bà con sẽ chuyển sang trồng ngô và xem đó là sản phẩm mang lại thu nhập tốt. Rơm rạ, trấu,… bà con cũng gom về bán cho công ty, trở thành hàng hóa có giá trị, không còn đốt bỏ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, môi trường”, ông Trường cho hay.

Năm 2021, công ty thu mua gần 140.000 tấn ngô (giá 1,2 triệu đồng/tấn), hơn 11.000 tấn vỏ trấu (giá 1,23 triệu đồng/tấn) và gần 7.000 tấn rơm đóng bánh (giá 3 triệu đồng/tấn). Việc dùng ngô sinh khối (bảo đảm quy trình canh tác, trồng trọt và thu hoạch đạt chuẩn về độ sạch và hàm lượng dinh dưỡng) làm thức ăn cho bò sẽ nâng cao chất lượng sữa, giúp giảm khoảng 60% chi phí so với việc mua cỏ nhập khẩu.

“Chúng tôi hướng dẫn và hỗ trợ về giống, phương thức, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bà con, để kiểm soát chất lượng nguồn thức ăn cho bò. Ngoài ra, công ty luôn thu mua với giá cao hơn giá trên thị trường ngô hạt từ 1,5 - 2 lần cho bà con”, ông Trường nói.

Những sản phẩm xanh, sạch của mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

TH True Milk

Thu lãi tới 75 triệu đồng/ha/năm

Ông Trường cho biết, việc thu mua thân cây ngô sinh khối và các phế phẩm nông nghiệp là sự kết hợp đôi bên cùng có lợi giữa công ty và người dân. Công ty ký hợp đồng thu mua để người dân yên tâm sản xuất và có được nguồn lợi nhuận ổn định. Với doanh thu bình quân đạt 40 triệu đồng/ha, người dân có lợi nhuận khoảng 20 - 25 triệu đồng. Mỗi năm sản xuất 3 vụ, người nông dân có thể thu lãi 75 triệu đồng/ha/năm. Nhu cầu thu mua của TH không hạn chế nên người dân tích cực trồng ngô bán cho TH, nhiều gia đình phát triển lên diện tích 5 - 10 ha.

“Đàn bò của TH không ngừng gia tăng nên khối lượng ngô, trấu, rơm rạ…thu mua của nông dân năm sau luôn cao hơn năm trước. Công ty sẽ mở rộng vùng triển khai sản xuất cho bà con không chỉ ở Thanh Hóa, Nghệ An mà có thể tại các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên để phục vụ đàn bò ở các vùng khác mà TH có đầu tư dự án”, ông Trường cho biết.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Văn Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Tây Bắc Nghệ An chia sẻ, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán cây ngô với Tập đoàn TH từ năm 2012 đến nay. Từ đó đến nay, mỗi năm HTX nông nghiệp Tây Bắc Nghệ An bán ra khoảng 5.000 - 6.000 tấn cây ngô/năm.

“Trước đây trồng ngô lấy hạt thì mùa vụ thường kéo dài, thu hoạch bắp xong thì lại tốn thêm công dọn ruộng, xử lý thân cây ngô. Nhưng từ khi trồng ngô sinh khối để lấy thân cây nuôi bò thì cứ đến ngày thu hoạch là cắt sạch sẽ toàn ruộng, vụ ngắn hơn và tính ra lãi hơn trồng ngô lấy hạt”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Hoàng Văn Thanh, Tập đoàn TH đang trực tiếp đầu tư phân giống, hệ thống tưới nhỏ giọt và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng ngừa sâu bệnh nên người dân rất yên tâm sản xuất và các hộ vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích để trồng ngô sinh khối bán cho doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.