Rời thành phố về quê sau đại dịch Covid-19: Phải chăng kiếm tiền không còn quan trọng nhất?

03/11/2021 12:52 GMT+7

Sau đại dịch Covid-19 , nhiều người rời thành phố về quê chưa hẹn ngày quay lại, doanh nghiệp tìm người lao động để khôi phục sản xuất, có phải vì với một số người, điều quan trọng nhất với họ không chỉ là kiếm tiền?

Vì sao nhiều người chọn về quê?

Hơn 1 tháng vượt chốt kiểm soát rời thành phố về quê, vợ chồng anh L.Q.S (32 tuổi, quê Kiên Giang) hằng ngày quanh quẩn phụ cha mẹ chăn đàn vịt, nuôi chút ít cá trong vuông nhỏ sau nhà. Nhìn ruộng đồng xanh mướt trước mặt, hít thở không khí trong lành, anh S. quyết định sẽ ở hẳn quê, không lên lại Sài Gòn nữa.

Người lao động định tự chạy xe máy về quê trong dịch Covid-19

Vũ Phượng

Anh nói, ở quê có cha mẹ, có cá có rau ăn qua ngày. Đợi dịch ổn ai thuê gì vợ chồng anh làm đó kiếm đồng ra đồng vào, còn cơm nước gần như không tốn tiền, nhà mình không có đồ ăn thì qua nhà bà con, hàng xóm xin ít rau ăn với khô cá cũng qua bữa. “Quan trọng nhất là nhẹ cái đầu, không phải nghĩ nhiều đến mất ngủ mai ăn gì, tiền nhà trọ đóng sao”, anh S. chia sẻ.

Trước đó, trong lúc chờ được qua chốt kiểm soát về quê, anh T.M.Q (30 tuổi) cũng lắc đầu: “Tôi biết là thời điểm này về có thể phải cách ly, nhưng 10 ngày hay 14 ngày rồi cũng về được tới nhà. Còn ở lại Sài Gòn, dịch sợ quá, có chắc tới lúc đó tôi còn được nguyên hình hài này mà về. Còn giờ đã về được tôi sẽ về luôn”.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhận định, đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều điều. Có thể người lao động ngay trong giai đoạn gặp khó khăn về dịch nhận ra điều gì thật sự quan trọng với mình và trong lúc khó khăn nhất, người thân mới là người ở bên cạnh động viên.

Một số người lao động quyết định về quê ở hẳn, không quay lại TP.HCM sau dịch

CTV

PGS.TS Trần Thành Nam nêu ý kiến: “Có thể mọi người bắt đầu nhận ra được rằng sự bình an, hạnh phúc mới là mục tiêu mọi người muốn hướng đến. Những mục tiêu về kinh tế, đời sống không còn được coi là ưu tiên lớn ở trong bối cảnh này nữa, đề cao sự bình an nhiều hơn, họ cảm thấy an toàn trong các mối quan hệ có ý nghĩa nên quay trở lại quê hương”.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, có thể do những tổn thương tâm lý trong đại dịch Covid-19, những hình ảnh, những gì họ đã trải qua hoặc biết tới trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí. Từ đó, một số người hướng về những giá trị sống tối giản hơn, miễn là được bình an, bên cạnh người thân yêu.

Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống cơn 'sóng thần' Covid-19

Việc tìm người sau đại dịch Covid-19

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ Tết Nguyên đán và hoàn thành kế hoạch năm. Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng và cần nhiều lao động trẻ như: lao động thời vụ, làm việc bán thời gian; các ngành kinh doanh, thương mại, dịch vụ phục vụ; công nghệ thông tin; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng; du lịch, nhà hàng, khách sạn…

Hàng chục ngàn việc làm với mức lương dao động từ 6 - 25 triệu đồng đang cần lao động

CTV

Theo trung tâm, nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành kinh doanh, thương mại (chiếm 20,16%); điện tử, công nghệ thông tin (chiếm 10,96%); dịch vụ, phục vụ (chiếm 7,25%); cơ khí, tự động hóa (chiếm 5,60%); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (chiếm 5,41%); dịch vụ cá nhân, chăm sóc sức khỏe và y tế (chiếm 5,37%); dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng (chiếm 4,13%); dệt may, giày da (chiếm 3,61%); kinh doanh tài sản, bất động sản (chiếm 3,24%); tài chính, tín dụng, ngân hàng (chiếm 3,75%); kế toán, kiểm toán (chiếm 3,15%); du lịch, nhà hàng, khách sạn (chiếm 2,86%). Riêng quý 4/2021, tổng cầu khoảng từ 71.950 - 77.100 chỗ làm với mức lương dao động từ 6 – 25 triệu đồng.

“Hiện trung tâm đang triển khai chương trình hỗ trợ người lao động với Combo việc làm 3 trong 1: Nhà trọ 0 đồng – test nhanh miễn phí – có ngay việc làm. Chỉ tiêu tuyển dụng hiện nay tại các doanh nghiệp đang tăng so với cùng kỳ, nhưng người lao động về quê chưa quay trở lại với công việc nên vẫn chưa đủ lao động”, bà Thảo nhận xét.

Mời người lao động quay lại TP.HCM làm việc

Vừa qua, trong các buổi làm việc với các tỉnh về liên kết du lịch, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đều dành thời gian mở đầu để chia sẻ về diễn biến dịch bệnh tại TP. Qua đó, Phó chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương cùng tạo điều kiện để người lao động của tỉnh quay lại TP.HCM làm việc. Trường hợp nào chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, TP sẽ ưu tiên tiêm để người lao động yên tâm quay lại với công việc.

Chính quyền địa phương cũng vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà, tặng túi an sinh, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trụ lại trong các dãy nhà trọ trong mùa dịch
Vũ Phượng

Theo thống kê mới đây của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, TP đã có khoảng 121.321 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; số lao động quay lại làm việc trong các loại hình doanh nghiệp là 1.897.295 người. Trong đó: khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có 1.321 doanh nghiệp quay lại hoạt động với 201.266 lao động làm việc.

Sở LĐ-TB-XH cho biết, trong thời gian qua, 2 Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở và Thành Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu lao động, như: phối hợp quận, huyện đoàn, Liên đoàn lao động quận huyện, Phòng Lao động - TBXH tiếp nhận danh sách người lao động bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm; Phối hợp với các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị thực hiện sàn giao dịch việc làm trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 29.10 và trong tháng 11 sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sàn để người lao động các tỉnh sẽ tham gia phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng như các tỉnh Bình Dương, Long An; Tư vấn, giới thiệu chỗ ở người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm.

Trước đó, chính quyền địa phương cũng vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà, tặng túi an sinh, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trụ lại trong các dãy nhà trọ.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết trong mùa dịch, Bình Tân đã vận động gần 8.000 chủ nhà trọ giảm giá thuê cho 107.521 phòng và tặng nhu yếu phẩm cho người thuê với 254.361 công nhân khó khăn. Từ 1.10 đến nay, quận vẫn tiếp tục vận động chủ nhà trọ giảm giá, trao tặng các túi an sinh đến các hoàn cảnh khó khăn. Người lao động ở lại trên địa bàn mùa dịch và người ngoài tỉnh trở lại sau dịch cũng được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Chỉ tiêu tuyển dụng hiện nay tại các doanh nghiệp đang tăng so với cùng kỳ, nhưng người lao động về quê chưa quay trở lại với công việc nên vẫn chưa đủ lao động

CTV

Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động TP.HCM, cho biết sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng một số đơn vị bị thiếu lao động.

Theo ông Trung, để giải quyết bài toán nhân lực lao động sau dịch, TP đã có sự động viên mời gọi người lao động ở các tỉnh quay lại TP.HCM làm việc, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất như quy mô ban đầu để đảm bảo việc làm. Ngoài ra, TP đã có các cuộc họp bàn về chính sách nhà ở, bàn tới hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như các túi an sinh đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày.

“Hiện nay, Liên đoàn lao động vẫn đang tiếp nhận tiếp an sinh, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê cho người lao động. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn, quan trọng nhất là mọi người cần chung sức với nhau. Qua đó, người lao động, công nhân các tỉnh tin tưởng TP sẽ làm được, sẽ sớm trở lại quỹ đạo của sự phát triển thì họ sẽ yên tâm quay lại TP.HCM sinh sống, làm việc”, ông Trung chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.