Federer đi vào quần vợt và nhanh chóng găm vào đầu người xem như một chuẩn mực mới của một vận động viên thể thao. Trước đó, ta mới chỉ thấy ở các VĐV sức mạnh, sự chuẩn xác, dẻo dai, bền bỉ. Cùng với Federer, sự lịch lãm, duyên dáng bước vào các sân đấu, thay đổi thể thao, đưa thêm khái niệm mới cho thể thao, lan tỏa thứ mà thể thao thường thiếu, đó là cái đẹp.Ở London, Paris, New York hay bất kỳ đâu, trong ánh hoàng hôn, thời khắc huy hoàng nhất của một ngày, được thấy Federer vung tay đánh cú trái, như vẽ lên không gian một đường cọ thiên tài, hẳn là một khoái lạc với bất kỳ người nào, dù người đó có mê quần vợt hay không. Federer vẽ vào sự tưởng tượng của người ta như thế đó.

Trước Wolfgang Amadeus Mozart đã có nhiều nhạc sĩ, trước Vincent Van Gogh đã có nhiều họa sĩ, trước Jean Jacques Rousseau đã có nhiều nhà tư tưởng. Cũng như trước Federer đã có cả vạn tay vợt chuyên nghiệp. Nhưng điểm chung của họ là gì? Họ mang đến sự khai sáng trong lĩnh vực của họ.

Chuẩn mực nào thì cũng luôn là mục tiêu để công kích, đả phá. Điều này không hề tiêu cực. Kỷ lục sinh ra để phá, chuẩn mực sinh ra để vượt qua, đó là lý lẽ của sự phát triển. Rafael Nadal xuất hiện làm thỏa mãn ý muốn đó. Và những người yêu Nadal cũng vì thế mà không hề tiêu cực.

Nadal mang đến những chiều kích mới cho quần vợt. Những đường bóng xoáy quỷ quái, những thế đứng không tuân theo sách giáo khoa, những cú vung tay vòng qua đầu thách thức mọi ổ khớp cơ thể. Thượng Đế quả khéo sắp đặt ra những cặp thiên địch. Để khắc chế được một sự toàn diện, phải cần đến một sự khác thường, chưa từng có trong sách vở.

Nadal xuất hiện là động lực để Federer nâng cấp mình. Nhưng trong hành trình nâng cấp đó, dù cơ thể bị bầm dập, dù tâm lý bị hành hạ qua các trận thua đối thủ, Federer kiên quyết không bỏ cái đẹp trong lối chơi của mình để đổi lấy những phương kế khác. Hay nói cách khác, anh không thể bỏ cái đẹp. Hoặc nói cách khác nữa, cái đẹp cự tuyệt rời bỏ anh. Nó nằm trong bản năng của anh, trong DNA của anh, bám chặt lấy linh hồn anh.

Trên sân quần vợt, Federer là kẻ cắp thời gian, Nadal là tên cướp không gian. Nhanh, nhanh nữa, nhanh như tàu tốc hành là đặc trưng của anh. Bùm, thêm một cú đánh nữa, bùm, lấy điểm. Ở các sân quần vợt nghiệp dư, người ta gọi là các cú “đánh mất bóng”. Mới đây thôi, bóng đâu mất rồi.

Thế còn với trùm không gian Nadal, những cú vặn sống lưng đánh chéo sân hay nắn bóng dọc dây của anh ta nằm ngoài dự trù của các đối thủ. Nó đưa bóng đi vào các không gian mà đối thủ chỉ biết đứng nhìn bất lực: “Sao lại có thể đưa bóng vào đó được nhỉ? Sao lại có thể vặn lưng như thế được nhỉ?”…

Rồi sau đó, cũng chính Thượng Đế một lẫn nữa, lại nặn ra Novak Djokovic để đánh bại cả Federer lẫn Nadal, không bằng đặc thù không gian, không bằng đặc thù thời gian, mà bằng cả hai thứ trộn lại, với bộ gân cơ bền bỉ như cuộn dây thừng chão. Bóng tới Djokovic cứ như đi tới một bức tường. Mà bức tường thì có mấy khi nào sai sót. Anh càng đánh bóng mạnh vào bức tường, nó nảy trả lại về phía anh càng mạnh.

Dù vậy, những người theo Djokovic cũng chỉ được xem như “fan phong trào”, thật xin lỗi khi phải nói vậy. Vì trước khi Djokovic đi lên, hầu hết những người yêu quần vợt đều đã chọn một trong hai cực rồi, hoặc Federer hoặc Nadal.

Hình như một CĐV quần vợt khác một CĐV bóng đá khá nhiều. Hoặc giả, vẫn là anh đó, khi anh cổ vũ một tay vợt thì nó khác với khi anh cổ vũ một đội bóng. Vì không khí, hẳn rồi, sân bóng đá càng ồn càng tốt, đến để căng lồng ngực lên hò hét. Còn sân quần vợt, càng im ắng càng tốt, nín thở để tri nhận từng đường bóng, và không gây xao lãng cho VĐV.

Vì mục đích, cũng hẳn rồi, anh đến sân bóng còn mang sứ mệnh cổ vũ cho cộng đồng, địa phương, quốc gia. Sân chơi cá nhân quần vợt không mang nặng những thứ đó. Vì tự nhiên, ắt là như thế. Chẳng phải người ta vẫn nói, tuổi càng lớn thì môn bóng ta thích càng nhỏ sao. Khi trẻ, ta ưa những môn cường độ cao và ồn ào, khi lớn hơn, tự ta muốn tìm đến những nơi trầm lắng hơn.

Khi anh ủng hộ một đội bóng, anh có thể thoải mái hạ thấp, chọc ghẹo, bỡn cợt, mỉa mai đội bóng kình địch. Vì đội bóng đó là tập hợp mấy chục cá nhân, chứ có nhằm vào cá nhân nào cụ thể đâu. Vì các cầu thủ khá bừa bãi và rất nhiều gai góc trong tính cách (anh ấy là đang nói so với các tay vợt). Mà mấy chục cái gai góc đó lại còn va đập với nhau hàng ngày nữa.

Làm một tay vợt, muốn lên đỉnh cao, anh không thể như thế được. Phải nói quần vợt là môn chơi đầy sức ép của những thứ như là: không bao giờ mắc lỗi giao bóng kép, không bao giờ đánh hỏng một cách quá dễ dàng, phải ra đó chiến đấu một mình, phải vượt lên chấn thương để đấu tiếp vì có ai thay thế được mình, phải di chuyển một mình từ nước này sang nước khác, phải tuần qua tuần phấn đấu leo lên từng vị trí trên bảng xếp hạng.

Anh không thể nào tối nay đi bar, mà hôm sau vẫn nuôi hy vọng chiến thắng đấu thủ khác. Anh không thể có một lối sống phong nguyệt với các người đẹp vây quanh trong khi vẫn giữ mục đích vào tốp 200, tốp 100, tốp 50.

Bóng đá có một mức độ phóng túng, buông tuồng mà quần vợt không thể có được. Nó được thể hiện ngay ở cách tính điểm của môn chơi. Trong bóng đá, khi đội của anh áp đảo, sút vọt xà ngang 10 cú, tỷ số vẫn là 0-0. Trong quần vợt, anh chơi áp đảo đối thủ, anh đánh ra ngoài 10 lần, thì anh thua 10 điểm, anh đã bị bỏ lại phía sau rất xa rồi. Rồi anh càng lúc càng sa sút tâm lý, cơ thể tựa hồ như bị cả ngàn trái núi đè lên.

Bởi những điều kể trên, mà sự cổ vũ trong quần vợt khác lắm. Dù anh phát cuồng với Federer nhưng anh cũng rất khó để bỡn cợt, mỉa mai Nadal. Và ngược lại. Kể cả tác phong khá kì dị của Nadal, móc quần rồi quẹt mũi, từng một thời là đối tượng của sự bỡn cợt, nhưng rồi sau đó không còn mấy người thấy khó chịu với điều đó. Vì nhìn mãi cũng quen rồi. Và vì các động tác đó nhưng một thứ lễ nghi của Nadal, và anh luôn thực hiện nó với sự thành kính, một sự thành kính mang tính lây nhiễm.

Một người ủng hộ Federer như tôi, bắt đầu hân hoan với cái đẹp trong lối chơi của anh, với bảng thành tích, với những kỷ lục của anh. Rồi thất vọng với những trận thua của anh trước Nadal. Rồi với một chút ngây thơ của những người đam mê, cũng tự đặt mình vào vị trí của Federer, để tìm cách hóa giải những cú giật bóng cồng của Nadal nảy cao tận 2 mét vào phía trái tay của Federer. Rồi thêm hoài nghi về các kỷ lục của Federer một ngày nào đó sẽ bị xô đổ.

Trong sự thỏa mãn có thú đau thương, trong tình yêu thấp thoáng sự thất vọng, trong khẳng định lảng vảng sự hoài nghi, trong đắm đuối có mầm gian ác. Tôi chăm xem Nadal hơn, để cổ vũ cho các đối thủ của anh ta, từng trận một. Ý muốn Federer nâng cao các kỷ lục của tôi ngang bằng với ý muốn Nadal không vươn tới những chiếc cúp. Nhưng dần dà, ý muốn sau mạnh hơn vì tuổi tác càng ngày càng phả hơi nóng sau gáy Federer.

Rồi thì những năm sau, ngày đó cũng đến, Nadal và sau đó là Djokovic vượt qua Federer ở từng hạng mục thành tích. Tôi có thất vọng không? Một chút. Còn bây giờ, hoàn toàn là không. Tôi trưởng thành cùng với quần vợt của Federer. Đó là thứ quần vợt dạy cho ta tất cả kỷ lục có thể bị xô đổ, nhưng cái đẹp là thường hằng. Nó dạy cho ta tri nhận các giới hạn, và trong cái đẹp luôn tồn tại sự bất toàn, không thể nào có cái đẹp không tì vết được. Nó dạy cho ta đừng cố đánh đổi mọi thứ để lấy chiến thắng.

Tôi vẫn còn muốn xem Federer thi đấu nữa, xem những cú vung vợt điềm tĩnh, tinh tế, huyền diệu của anh. Nhưng giải Wimbledon, anh không xuất hiện. Rồi ngày anh thông báo từ giã sân đấu đã đến, sớm hơn dự kiến của mọi người. Nhưng tôi không buồn. Federer đã đi cùng những năm tháng tuổi trẻ của tôi, và của nhiều người nữa, giờ đến lúc anh cần nghỉ. Tôi đoán không phải chỉ để chăm chút gia tài tỉ đô của anh.

Tôi ngồi đó mường tượng, mình đứng trên sân bóng, bước chân phải lên, xoay vai đưa vợt ra sau, hạ thấp người xuống, rồi kéo vợt vẽ lên bầu trời một đường cánh cung, bóng đi chéo găm vào cuối sân. Một cú trái thuần chất. Quần vợt thuần chất. Nụ cười của Federer lướt qua tâm trí tôi. Adrenaline (hormon có tác dụng dựa trên hoạt động của thần kinh giao cảm, sản xuất từ cơ thể những lúc con người có cảm giác sợ hãi, tức giận hay là cảm giác hạnh phúc, thích thú…) túa ra từ sau chẩm gáy tôi, một khoảnh khắc nhỏ nhoi nhưng đầy mãn nguyện mà tôi luôn muốn nó trở lại lần nữa, lần nữa, nữa, nữa. Tôi nhấc điện thoại lên gọi người bạn tập…

Báo Thanh Niên
16.09.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.