Rét đậm, làm cách nào kiểm soát tăng huyết áp, ngừa đột quỵ?

Liên Châu
Liên Châu
23/01/2024 11:53 GMT+7

Nếu không được kiểm soát hiệu quả, thời tiết rét đậm, nhiệt độ giảm sâu có thể làm huyết áp tăng vọt, gây tai biến mạch não, nguy cơ gây tử vong hoặc tàn phế.

Đột ngột khó nói, nhìn mờ

Thông tin từ một số bệnh viện tại Hà Nội (Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, rét đậm, nhiệt độ giảm sâu, các ca đột quỵ não, ca bệnh tim mạch nhập viện thường tăng khoảng 5 - 10%.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên (bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E), cho biết để phòng tránh đột quỵ não và biến cố tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích.

Rét đậm, làm cách nào kiểm soát tăng huyết áp, ngừa đột quỵ?- Ảnh 1.

Cần kiểm soát huyết áp hiệu quả, đặc biệt trong ngày giá rét, ngừa các biến cố

LIÊN CHÂU

Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Nếu thấy người nhà có những triệu chứng đột ngột như: nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ một bên mắt, liệt nửa mặt, gia đình cần chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, thời tiết thay đổi, đặc biệt khi nhiệt độ giảm sâu làm cho các mạch máu co lại dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não.

Do đó, để kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp trong ngày giá rét, cần giữ ấm cơ thể, tránh cho cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột để phòng ngừa tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp tăng cao đột ngột.

Các trường hợp đã có chỉ định dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cần uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ, tuân thủ uống thuốc ngay cả khi các chỉ số huyết áp ở mức bình thường. Việc tự ý dùng thuốc điều trị tăng huyết áp có thể khiến huyết áp bị tăng cao đột ngột (tăng huyết áp cấp cứu) dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Tăng huyết áp cấp cứu

Theo Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, tăng huyết áp cấp cứu (là trường hợp cấp tính phải được nhập viện để hồi sức cấp cứu và điều chỉnh giảm huyết áp kịp thời) để ngăn chặn những tổn thương vĩnh viễn cơ quan đích như: tai biến mạch máu não (nhồi máu não cấp, xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện); tổn thương tim cấp tính: hội chứng mạch vành cấp, suy tim, rung nhĩ, phù phổi cấp; gây tổn thương thận cấp tính (suy thận cấp) hoặc tổn thương mắt gây mù loà.

Không có ngưỡng huyết áp đặc hiệu cho tăng huyết áp cấp cứu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, mức huyết áp tăng cao từ 180/120 mmHg trở lên, được coi là tăng huyết áp cấp cứu.

Nguyên nhân, do không kiểm soát tốt huyết áp như dùng thuốc không đủ liều, không phối hợp thuốc, tự ý bỏ thuốc, chế độ ăn mặn, hẹp động mạch thận.

Người tăng huyết áp cấp cứu có thể xuất hiện những triệu chứng như: đau tức ngực nhiều, kích thích, đau đầu dữ dội kèm rối loạn ý thức, mờ mắt, buồn nôn, nôn, khó thở, co giật, gọi hỏi không đáp ứng.

Hầu hết những người bị tăng huyết áp không cảm thấy triệu chứng nào. Huyết áp rất cao có thể gây đau đầu, mờ mắt, đau ngực và các triệu chứng khác.

Kiểm tra huyết áp là cách tốt nhất để biết bản thân có bị huyết áp cao hay không. Nếu tăng huyết áp không được điều trị, nó có thể gây ra các tình trạng sức khỏe khác như bệnh thận, bệnh tim và đột quỵ.

Những người bị huyết áp rất cao (thường là 180/120 mmHg hoặc cao hơn) có thể gặp các triệu chứng bao gồm: đau đầu dữ dội, đau ngực, chóng mặt, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, mờ mắt hoặc thay đổi thị lực khác, lo lắng, lú lẫn, ù tai, chảy máu cam, nhịp tim bất thường.

Cách duy nhất để phát hiện tăng huyết áp là nhờ chuyên gia y tế đo huyết áp. Việc đo huyết áp diễn ra nhanh chóng và không gây đau đớn.

Mặc dù các cá nhân có thể tự đo huyết áp bằng những thiết bị tự động, việc đánh giá của chuyên gia y tế là rất quan trọng để đánh giá rủi ro và các tình trạng liên quan.

(Tổ chức Y tế thế giới)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.